Nuôi dưỡng đam mê
Bạn đã xem 'Cậu bé đặc biệt' – một bộ phim tâm lý học đường của Ấn Độ hay chưa? Bộ phim kể về cậu bé 8 tuổi tên là Ishaan bị mắc chứng rối loạn đọc viết, các câu chữ và con toán đều nhảy loạn xạ trong đầu cậu. Vì vậy, các bài kiểm tra cậu đều bị điểm kém. Giáo viên và bạn bè xung quanh đều coi thường cậu. Nhưng may mắn sao trong thế giới của cậu còn có niềm đam mê hội họa.
Cậu dùng màu sắc để kể về nỗi sợ hãi của chính mình. Bố mẹ cũng vô cùng thất vọng trước kết quả và thái độ học tập của Ishaan nên đã gửi cậu đến một trường nội trú. Khi nhìn bóng dáng của bố mẹ dần xa, cậu bắt đầu chìm vào một trạng thái của sự cô đơn sợ hãi, trầm cảm.
Tại đây cậu đã gặp giáo viên dạy vẽ mới của trường tên Shankar Nikumbh. Chính thầy đã phát hiện Ishaan bị chứng rối loạn đọc viết giống mình lúc nhỏ. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm của một người thầy, Nikumbh đã giúp Ishaan cải thiện được khả năng đọc, viết. Đồng thời chính thầy cũng đã khích lệ niềm đam mê hội họa của Ishaan để cậu tự tin tỏa sáng.
Tôi nhớ mãi câu nói của thầy Nikumbh: “Một chiếc bảng không thể chứa hết trí tưởng tượng và cảm hứng của các em”. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng hội họa mà còn là câu chuyện của giáo dục. Không có một khuôn mẫu nào dành cho tất cả các em. Niềm đam mê sẽ đưa những đứa trẻ của chúng ta vượt qua giới hạn bản thân, chạm đến chân trời sáng tạo.
Sáng nay, tôi đọc trên Facebook tâm sự của một người mẹ khi kể về niềm đam mê của con mình: “Khi Thóc ngồi vào vẽ, nó không có cảm giác về nhiệt độ, tiếng ồn, quanh nó có ai đang đi lại. Nó không biết nóng, cũng không để ý đến rét, không cần ăn, không nghe thấy ai hỏi gì nói gì khi ôm cái máy vẽ. Độ tập trung của nó là một thứ tôi không có được”. Tôi như nhìn thấy mình của những năm tháng ngồi dưới đồi cây bạch đàn say mê với những trang văn.
Tôi không nghe thấy gió xào xạc trên vòm trời tháng tám. Không biết những chú bò đã luồn dưới những tán sim, mưa đi khuất tận cuối dải đồi. Không biết hoàng hôn đã buông xuống tự bao giờ ngay cả khi bóng tối đã tràn vào những trang văn. Tôi như đã bước vào một thế giới khác, tách biệt với hiện thực.
Ở đó không còn là đứa nhỏ sợ chiều nay bò không no cỏ, củi không kiếm đủ bó, bài chưa kịp làm xong. Tôi còn mải loay hoay trong khu vườn bí mật nào đó. Cũng có khi còn mải ngẩn ngơ bên dòng sông Volga. Thậm chí có lúc chắc là tôi đã rong ruổi cùng gánh xiếc của cụ Vitalis trong tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot.
Vào một buổi chiều nào đó những chú bò no cỏ kềnh càng thong thả đi về chuồng mà vẫn không thấy cô chủ bé nhỏ đâu, có lẽ là tôi đã ôm con chó Capi ngủ tự bao giờ. Có một khoảng thời gian rất dài tôi từng mắc căn bệnh tự kỷ, có lẽ không ai biết. Tôi từng sợ người, sợ ánh sáng, tiếng động, sợ tất thảy mọi thứ xung quanh.
Tôi biết ơn văn chương đã ở bên cạnh vuốt ve, che chở, vỗ về, soi cho mình ánh sáng của ngàn vạn vì sao. Để tôi có thể vịn vào chữ nghĩa một mình đứng dậy, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và cũng nhiều ám ảnh nhất của cuộc đời. Tôi nhận ra đam mê như ngọn đuốc giúp mình không bao giờ đi lạc.
Tôi rất thích nhìn thấy sự nghiêm túc của một đứa trẻ khi nó được sống với đam mê của chính mình. Đó là sự nghiêm túc trong lao động mà không phải lúc nào chúng cũng được công nhận. Bởi tôi biết có những bậc làm cha làm mẹ đã không nhận ra niềm đam mê của con mình. Không nhận ra khi con mình cất tiếng hát chính là lúc nó cảm thấy ngọn lửa mãnh liệt đang cháy trong huyết quản của mình và ánh hào quang sân khấu rực rỡ khắp nơi. Ngay cả khi nơi nó đứng chỉ là một căn phòng im lặng, không một khán giả nào.
Có thể cha mẹ không nhận ra ngôn ngữ của bộ môn múa hình thể mà con mình theo đuổi. Không hiểu được câu chuyện mà con mình đang kể bằng màu sắc. Nhưng tôi mong sao những người lớn chúng ta hãy tôn trọng và khích lệ niềm đam mê của trẻ. Hãy luôn là khán giả đầu tiên dù có thể thứ mà con theo đuổi không phải thứ mà bạn thích.
“Dù gì thì tôi cũng yên tâm vì nó có một say mê dắt túi, thế nào thì nó vẫn luôn có “người bạn” bên cạnh nó trong im lặng hoặc phấn khích, đi cùng trời cuối đất với nó, có thể an ủi nó ngay cả khi đơn độc nhất”, một người mẹ đã viết trên Facebook.
Đam mê của con bạn là gì?
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nuoi-duong-dam-me/