Nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo
Sau 20 năm được nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, ngày 30-10-2019, Hà Nội lại đặt một mốc son mới khi được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới cho Thủ đô Hà Nội. Con đường nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo còn cần rất nhiều nỗ lực, không chỉ ở các cấp chính quyền mà phải có sự chung tay từ cộng đồng.
Dấu ấn sáng tạo
Nếu trước kia, hình dung về một thành phố sáng tạo đối với nhiều người còn mơ hồ, chưa rõ nét, thì những năm gần đây khái niệm này đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hoạt động, nhiều không gian văn hóa gần gũi với người dân, mà có thể chính họ còn chưa biết đó chính là một phần của thành phố sáng tạo.
Theo nghiên cứu của Mạng lưới không gian Sáng tạo Việt Nam (ViCHI) thực hiện năm 2019, tại Hà Nội, ngoài các không gian văn hóa công cộng do chính quyền thành phố kiến tạo như Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, Không gian đi bộ Trịnh Công Sơn... còn là các không gian văn hóa do cá nhân hoặc tổ chức khác sáng lập với con số lên tới 115 không gian. Đó có thể là các sân chơi, xưởng thiết kế, lớp học nghệ thuật cho trẻ em như Think playgrounds, Tò he, Xóm Bắc Cầu; là không gian về truyền thông xuất bản như Tổ chim xanh, nhà sách Cá Chép, hiệu sách Nhã Nam, cafe Đông Tây; không gian làm việc chung như Toong, iHouse; không gian văn hóa nghệ thuật về nhiều lĩnh vực như Matca (Mắt Cá), Manzi, Hanoi DocLab; là tổ hợp nhiều lĩnh vực như Creative Lab, 60s Thổ Quan; không gian trà, cafe như Ơ kìa Hà Nội, Cà phê chiều thứ 7; các không gian trực tuyến Hanoi Grapevine, Book Hunter...
Hệ thống không gian sáng tạo này đã góp phần không nhỏ tạo nên hệ sinh thái sáng tạo cho Hà Nội, làm tươi mới đời sống văn hóa cộng đồng, đồng thời góp phần hình thành bản sắc, làm gia tăng sức hấp dẫn cho Hà Nội, đem lại những giá trị kinh tế và tạo thêm việc làm mới. Chính từ những mô hình này, số lượng người dân, đặc biệt là lớp trẻ, theo dõi và tham gia các sự kiện văn hóa ngày một đông, qua đó được kết nối, giao lưu, nâng cao phông văn hóa, từ đó phát triển con người tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các chương trình của Nhóm thứ 6 tổ chức tại The Learning Hub là một ví dụ. Rõ ràng, với thế hệ trẻ 9x trở đi, thời bao cấp là một ý niệm khá mơ hồ, vậy mà chương trình “Thời bao cấp như một huyền thoại” đã thu hút rất đông bạn trẻ đến tham dự. Tương tự là những câu chuyện trong chương trình “Hà Nội chuyện kể chưa hoàn tất” đã được các bạn trẻ thảo luận, chia sẻ vô cùng sôi nổi và chân thành. Qua mỗi chương trình như vậy, tình yêu Hà Nội được nhân lên khi mỗi người tham gia được hiểu thêm về Hà Nội ở những góc cạnh khác. Dù có khá nhiều bài viết về Hà Nội, ấy thế mà trong chương trình Mình viết gì khi viết về Hà Nội được tổ chức tại cafe Tiny Nhà sàn trên phố Đội Cấn, nhà văn Đỗ Phấn cũng phải ngỡ ngàng thốt lên: “Nhà tôi chỉ cách đây có mấy bước chân mà sao tôi chưa bao giờ biết có một không gian đẹp và cổ đến thế này”.
Không gian văn hóa ở Ơ kìa Hà Nội.
Sáng tạo, như thế không phải là điều quá mơ hồ. Tạo dựng nên những cái mới chắc chắn là sáng tạo, nhưng giữ nguyên một không gian hoài cổ để “pha chế” thêm cũng là một cách sáng tạo. Khu tổ hợp 60s Thổ Quan (Sixty Square) được xây dựng trên “nền” một biệt thự Pháp đã trở thành “chốn vui chơi” của không ít người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Mang phong cách cổ điển, 60s Thổ Quan gồm nhiều không gian như cafe KoFi, quán Cầm, phòng trà Cao Sơn, Dark Room Lab, 90s secondhand với nhiều chương trình ca nhạc, triển lãm, trình diễn thời trang được tổ chức.
Gìn giữ những yếu tố dân gian, phát huy tính chất “gia truyền”, khuyến khích tinh thần “homemade” là những đòn bẩy mang đến giá trị sáng tạo cho Hà Nội nếu biết khai thác vốn quý này. Điều đó đã được chứng minh qua những sản phẩm sáng tạo của làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái lâu nay không chỉ để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày mà còn ứng dụng vào trang trí nội thất, quà tặng, trang sức, trưng bày... Hay những chương trình ca trù, nhạc xưa được tổ chức ở phòng trà Cao Sơn đã thu hút đông đảo người tham dự. Tương tự là các đêm thơ Lưu Quang Vũ, đêm nhạc Văn Cao, chương trình giao lưu với tác giả Bình Ca ở không gian Ơ kìa Hà Nội cũng “lôi kéo” rất đông người yêu văn thơ ở nhiều độ tuổi.
Nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo
Trước khi được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã có nền tảng thiết kế sáng tạo từ các công trình mang dấu ấn lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, nhà cổ Mã Mây..., cùng với đó là nhiều dự án, chương trình được tổ chức như các không gian đi bộ, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, dự án trồng mới 1 triệu cây xanh, đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội hay các sự kiện văn hóa quốc tế như tuần lễ phim, liên hoan âm nhạc... Đặc biệt, hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, cơ sở hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp các phố phường, làng quê là “mỏ vàng” để thúc đẩy sáng tạo. Sức bật sáng tạo có thể thấy rõ qua báo cáo về Không gian sáng tạo Việt Nam của Hội đồng Anh, khi Việt Nam từ chỗ chỉ có hơn 40 không gian sáng tạo năm 2014 đã tăng đến hơn 140 không gian vào năm 2018 với nhiều mô hình đa dạng, phong phú.
Thiết kế sáng tạo đã và đang góp phần quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc Hà Nội. Song, làm thế nào để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo, để sáng tạo thực sự trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới là vấn đề đặt ra không chỉ với chính quyền mà còn với mỗi người dân sống tại mảnh đất này. Nếu coi không gian sáng tạo là một tiện ích của đô thị thì sáng tạo cần phải trở thành một nhu cầu của cuộc sống của mỗi người dân, để từ đó, bất cứ một góc không gian nào trong thành phố cũng có thể trở thành không gian sáng tạo. Điều quan trọng của sáng tạo không nằm ở một không gian cứng, mà thuộc về các hoạt động, các chương trình, các dự án được tổ chức, ở đó người dân được tham gia, giao lưu, học hỏi.
hực tế đã chứng minh có những không gian sáng tạo không hề có “không gian”, chỉ đơn thuần là một nhóm hoặc một lễ hội định kỳ được tổ chức ở nhiều địa điểm thuê khác nhau, nhưng vẫn mang đến những giá trị sáng tạo như các chương trình “Hẹn hò với sách” của Book Hunter, các khóa học văn hóa nghệ thuật của Bảo tàng Thấu cảm... Nguồn lực của sáng tạo không chỉ là những thiết chế có sẵn, mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Thiết chế sẽ chỉ là những bức tường im lìm nếu không được “làm mới” bằng các sự kiện, các chương trình được tổ chức, qua đó kết nối và mở rộng mạng lưới sáng tạo, khai mở thêm các giá trị tài nguyên văn hóa, thúc đẩy kinh tế và đặc biệt là truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân tham gia, góp phần chấn hưng văn hóa, nâng cao dân trí.
Không gian sáng tạo ở phố đi bộ Phùng Hưng.
Một trong những rào cản khiến văn hóa sáng tạo chưa được phát triển mạnh mẽ đến từ chính cộng đồng người dân khi vẫn tồn tại phổ biến thói quen tìm kiếm sử dụng các dịch vụ miễn phí, ít chi tiêu cho các hoạt động thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Vậy nên câu chuyện của sáng tạo, rộng hơn là câu hỏi làm thế nào để Hà Nội thực sự trở thành một thành phố đáng sống, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô sẽ không chỉ được trả lời bởi các cấp chính quyền mà còn từ mỗi người dân.
Hiện nay Thành phố Hà Nội đang nỗ lực toàn diện để ưu tiên xây dựng nền tảng sáng tạo nói chung và thiết kế sáng tạo nói riêng hướng tới một “Thủ đô sáng tạo” trong tương lai với các chương trình như đầu tư giáo dục sáng tạo, tạo cơ chế chính sách phát triển không gian sáng tạo, điều chỉnh để mở rộng kết nối các không gian văn hóa cộng đồng, tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế... Song, bên cạnh những quyết sách đến từ lãnh đạo thành phố thì với người dân, sự thay đổi ý thức, tạo lập thói quen mới là việc cần làm để tạo ra môi trường xã hội khuyến khích sự sáng tạo.
Hệ sinh thái sáng tạo có đất tốt để gieo mầm nảy hạt sẽ khiến cho cư dân trở nên năng động hơn, nhiều ý tưởng hơn, góp phần xây dựng thành phố trở nên tốt đẹp hơn. Và như thế, sáng tạo chính là một giải pháp để giữ gìn và phát triển văn hóa, thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi người dân.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/956119/nuoi-duong-nguon-cam-hung-sang-tao