Nuôi hổ như... nuôi heo!

Để xảy ra việc 2 hộ dân ở xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) nuôi nhốt trái phép 17 con hổ lớn, có sự buông lỏng của chính quyền địa phương

Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra vụ việc nuôi nhốt 17 con hổ tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Những con hổ này được nuôi từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, có con đã nặng trên 250 kg nhưng gần như chính quyền địa phương không hay biết.

Xây hầm trong nhà nuôi nhốt "chúa sơn lâm"

Trước đó, sáng 4-8, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất và phát hiện tại nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiền và bà Hồ Thị Thanh (ngụ xóm Nam Vực, xã Đô Thành) đang nuôi nhốt 14 con hổ trưởng thành, trọng lượng gần 200 kg/con. Cùng thời gian trên, lực lượng công an phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Định (ngụ xóm Phú Xuân, xã Đô Thành) nuôi nhốt 3 con hổ trọng lượng từ 225 đến 265 kg. Lực lượng chức năng đã bắn thuốc mê, đưa 17 con hổ về Khu Sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chăm sóc để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến vụ nuôi nhốt hổ trái phép, ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, thừa nhận: "Chúng tôi không nắm được thông tin các hộ dân nuôi hổ".

17 con hổ lớn nuôi nhốt trái phép bị công an phát hiện Ảnh: Y THÀNH

17 con hổ lớn nuôi nhốt trái phép bị công an phát hiện Ảnh: Y THÀNH

Việc nuôi nhốt hổ trái phép ngay trong khu dân cư, không chỉ vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn cho người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, 2 hộ gia đình xây dựng hầm để nuôi nhốt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc hổ chủ yếu đưa từ Lào về, sau đó được các hộ dân vỗ béo rồi xẻ thịt, nấu cao bán kiếm lời. "Hổ nhỏ được mua từ Lào đưa về, do nuôi nhốt, cho ăn nhiều nên trọng lượng tăng rất nhanh. Một con hổ nếu chăm sóc tốt, chỉ trong 1 năm trọng lượng có thể tăng đến 200 kg" - anh K., một người từng có thời gian nuôi hổ ở huyện Diễn Châu, chia sẻ.

Cũng theo lời anh K., vì lợi nhuận rất cao nên không ít người đổ tiền đầu tư, xây dựng hầm, hệ thống chuồng trại để nuôi hổ như... nuôi heo!

Làm rõ trách nhiệm

Trước đó, từng phát hiện tình trạng "nuôi hổ như nuôi heo" xảy ra tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành vào năm 2012, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã vào cuộc kiểm tra. Lúc đó, nhiều hộ dân đã chủ động vận chuyển hổ sang huyện Diễn Châu của tỉnh này. Lực lượng chức năng sau đó ngăn chặn, thu giữ 4 con hổ, trong đó có con nặng 170 kg.

Sau thời điểm đó, việc nuôi nhốt hổ để làm thịt nấu cao ở xã Đô Thành có lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì lợi nhuận, một số hộ đã bất chấp các quy định cấm, lén lút xây chuồng trại trong hầm kín để nuôi nhốt hổ.

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, Nghệ An là một trong những địa phương để xảy ra nhiều trường hợp nuôi nhốt, giết thịt hổ nấu cao. Nhiều vụ buôn bán, giết thịt hổ trên địa bàn cả nước có liên quan đến địa phương này. Điển hình, tháng 11-2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bắt quả tang tại sân nhà ông Cao Tiến Đức (ngụ phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên) đang giết thịt một con hổ nặng 304 kg. Ông Đức khai nhận mua con hổ trên với giá 1 tỉ đồng ở Nghệ An, rồi đưa về Thái Nguyên giết thịt để nấu cao.

Tháng 3-2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) bắt quả tang tại nhà ông Cao Xuân Toàn (ngụ xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) 5 con hổ đã bị giết mổ để nấu cao. Tháng 1-2021, Công an Hà Tĩnh kiểm tra nhà riêng của ông Đinh Nhật Nghệ (ngụ xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn), phát hiện tại khu nhà vệ sinh có một con hổ đã chết nặng 250 kg. Ông Nghệ khai mua con hổ nói trên từ tỉnh Nghệ An về nấu cao.

Về vụ 17 con hổ nuôi nhốt trái phép vừa bị bắt giữ, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho rằng để xảy ra sự việc này là do chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm. Cơ quan công an đang điều tra, sau khi có kết luận sẽ làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

11 con hổ nuôi trái phép ở Thanh Hóa giờ ra sao?

Mặc dù đã hết thời hạn được cấp phép nuôi hổ từ tháng 5-2017 thế nhưng đến thời điểm này, việc xử lý 11 con hổ nuôi nhốt ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được các ngành chức năng xử lý dứt điểm. Đây là 11 con hổ đã trưởng thành (mỗi con nặng từ 150 - 200 kg) được ông Nguyễn Mậu Chiến nuôi nhốt ở cồn Tàu Voi, thôn 17, xã Xuân Tín, từ năm 2006. Đến năm 2012, ông Chiến được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt hổ và hết hạn từ ngày 22-5-2017.

Ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, nêu vướng mắc: "Trước đây, đàn hổ do Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép nhưng sau khi hết hạn giấy phép, chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đơn vị cấp phép động vật hoang dã thuộc nhóm 1 (nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm, cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức). Tuy nhiên, hiện đàn hổ vẫn chưa được cấp phép, cũng chưa có hướng xử lý".

Cũng theo ông Tuấn, kể từ khi hết hạn cấp phép, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi Cục Kiểm lâm và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đề xuất tịch thu 11 con hổ trên. Thế nhưng, gia đình ông Chiến yêu cầu trả tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ dẫn tới việc giải quyết không có kết quả.

Trước đó, năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt ông Chiến 30 triệu đồng vì nuôi nhốt 10 con hổ trái phép. Đến năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tư (người được ông Chiến giao trông coi trang trại) 30 triệu đồng vì nuôi 5 con hổ trái phép. Tuy nhiên, đến năm 2012 đàn hổ được cấp phép cho nuôi nhốt cho tới tận bây giờ.

T.Tuấn

Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nuoi-ho-nhu-nuoi-heo-20210805221350088.htm