Nuôi lươn không bùn - 'làm chơi… ăn thiệt'!
Tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, gia đình cô Nguyễn Thị Sáu (55 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn, An Giang) đã thử làm bồn nuôi lươn không bùn trong bể bạt. Nghĩ là 'làm chơi', kiếm 'đồng ra, đồng vào' nhân lúc rảnh rỗi công việc đồng áng, không ngờ, mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình cô Sáu lại 'ăn thiệt', lợi nhuận thu được từ lươn nuôi giúp gia đình cô có thêm thu nhập đáng kể.
Cô Sáu bên bồn nuôi lươn từ tận dụng đất trống quanh nhà
Theo cô Sáu, mô hình nuôi lươn không bùn này ban đầu do người con trai bắt tay thử nghiệm, được một thời gian, do bận rộn với công việc, vợ chồng cô Sáu được con trai hướng dẫn kỹ thuật, trực tiếp nuôi lươn đến tận hôm nay. “Tính đến nay, tôi nuôi lươn được 3 vụ. Thấy đất trống quanh nhà bỏ không cũng chẳng làm gì, con trai tôi bàn với ba mẹ tận dụng diện tích đất trống xây bể bạt để nuôi lươn. Vậy là vụ đầu tiên, gia đình tôi xây dựng 7 bồn nuôi lươn. Tính hết chi phí xây bồn, mua cây tràm... mỗi bồn đầu tư kinh phí khoảng 1 triệu đồng.
Con giống là lươn đồng được mua lại từ những người chuyên đặt bắt lươn đồng. Tổng chi phí mua con giống ban đầu là 10 triệu đồng. Mỗi bồn, chúng tôi thả nuôi 15kg lươn giống. Thời gian thả nuôi con giống là khoảng tháng 10 (âm lịch). Đến khoảng tháng 4 (âm lịch) sang năm là có thể bán được. Vụ đầu tiên, tôi bán được hơn 50 triệu đồng, kết quả rất khả quan dù đây là lần đầu tiên nuôi lươn” - cô Sáu chia sẻ sau khi đã dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi lươn của gia đình.
Từ hiệu quả vụ nuôi đầu tiên, gia đình cô Sáu xây dựng thêm nhiều bồn nuôi lươn không bùn. Từ 7 bồn nuôi ban đầu, đến nay đã lên đến 20 bồn nuôi. Nói thêm về việc nuôi lươn, cô Sáu cho rằng lươn nuôi rất đơn giản. Mô hình nuôi lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc. Mà nhu cầu tiêu thụ loại lươn này tương đối lớn nên không lo về đầu ra của sản phẩm.
Chỉ cần tận dụng được diện tích đất để nuôi và chịu khó học hỏi kinh nghiệm những người nuôi trước. Quan trọng là phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc. Tuy nhiên, theo cô Sáu, muốn con lươn mau lớn, phát triển nhanh, nước nuôi lươn phải sạch, không bị ô nhiễm. Đặc biệt là con lươn giống phải đồng cỡ, khỏe mạnh. Vì vậy, khâu chọn giống đóng vai trò rất quan trọng.
Về thức ăn cho lươn, theo kinh nghiệm của cô Sáu, muốn con lươn khỏe mạnh, mau lớn nên cho chúng ăn các loại cá tạp kết hợp với thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, vào mùa nước nổi, ốc bươu vàng dồi dào nên tận dụng làm thức ăn cho lươn để giảm một phần chi phí. Đối với con lươn, nếu cho ăn đầy đủ, bể nuôi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, sau 6 tháng có thể xuất bán, trọng lượng 2-3 con/kg. Giá bán lươn thịt dao động từ 140.000-190.000 đồng/kg. Có thời điểm lươn thịt có giá lên đến hơn 200.000 đồng/kg.
Vụ thứ 2, cô Sáu nuôi 20 bồn lươn giống với khoảng 20kg lươn giống /bồn. Dù hao hụt một phần do bị trộm và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất, nhưng vụ 2 này, tiền bán lươn thịt loại 1 và 2 của gia đình cô Sáu được hơn 80 triệu đồng. Còn số lượng lươn loại 3 hơi nhỏ, cô chừa lại để làm giống cho vụ 3. Vậy là, gia đình cô Sáu đỡ một phần chi phí từ việc mua lươn giống.
Cũng theo người nuôi, khung sườn của bể nuôi lươn được cố định và cột chắc chắn bằng tre hoặc gỗ tạp để tiết kiệm chi phí. Sau đó, người nuôi có thể sử dụng mê bồ bao xung quanh bên trong khung sườn trước khi lót bạt vào thành bể nuôi hoàn chỉnh. Để thuận tiện cho việc thay nước, người nuôi có thể làm hệ thống van xả ở cạnh ngang nơi có mặt đất thấp hơn.
Sau mỗi vụ nuôi, cô Sáu vệ sinh bể bạt và ngâm rửa cây tràm thật sạch, tạo môi trường sống sạch sẽ cho lươn phát triển tốt cũng như phòng bệnh cho lươn. Ngoài việc vệ sinh bể nuôi đúng kỹ thuật, tránh môi trường nước bị ô nhiễm, người nuôi cần chú ý thả con giống nuôi với mật độ vừa phải, cung cấp đầy đủ hàm lượng ô-xy để đảm bảo cho lươn phát triển tốt nhất. Cô Sáu cho biết, mỗi ngày thay nước trong bồn nuôi từ 1-2 lần. Việc cho ăn chỉ cần 1 ngày/lần. Khi cho lươn ăn, người nuôi cần quan sát thật kỹ, nếu phát hiện lươn ăn yếu thì mua thuốc điều trị ngay để tránh hao hụt con giống.
Nhiều hộ dân lân cận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình cô Sáu nên đến tham quan học tập. Với sự mộc mạc, chân chất vốn có của nhà nông, mọi người đã được gia đình cô Sáu chia sẻ những kiến thức cơ bản về tập tính của lươn, kỹ thuật nuôi lươn, như: việc xây dựng chuồng trại, vệ sinh, cách chăm sóc, thức ăn, cách thức cho ăn, thay nước…
Chỉ với việc tận dụng đất trống quanh nhà và dành thời gian học hỏi kỹ thuật, chăm sóc, việc nuôi lươn không bùn của gia đình cô Sáu nghĩ là “làm chơi” nay đã “ăn thiệt”. Với vụ 3 này, vào khoảng tháng 4 (âm lịch), gia đình cô Sáu sẽ xuất bán. Hy vọng sẽ đạt lợi nhuận khả quan như 2 vụ vừa qua.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nuoi-luon-khong-bun-lam-choi-an-thiet--a301975.html