Nuôi… nấm

Là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên thức uống mát lành, có lợi cho sức khỏe, thời gian gần đây, các loại probiotic (lợi khuẩn) như nấm kefir và con giống scoby càng được nhiều người biết đến, nhất là trong thời tiết mùa hè oi nóng.

 Ngọc Oanh lọc sữa chua lên men từ nấm sữa kefir

Ngọc Oanh lọc sữa chua lên men từ nấm sữa kefir

Ngon mát

Nhẹ nhàng dùng thìa gỗ quấy trong chiếc rây bằng nhựa, chỉ sau vài phút, Ngọc Oanh đã lọc được một cốc sữa chua được lên men bằng nấm sữa kefir. Không cần nồi ủ, có thể tái sử dụng nấm trong những mẻ tiếp theo, với cô gái sinh năm 2000, nấm sữa kefir là sự lựa chọn hấp dẫn vì cách làm đơn giản mà vẫn có thể cho ra những mẻ sữa chua ngon, chất lượng.

Ngọc Oanh chia sẻ: “Năm ngoái, chị gái cho một ít sữa chua được làm từ nấm sữa kefir. Thấy hay và không cần quá kỳ công nên mình cũng mang một ít nấm về để tự tay làm sữa chua, không ngờ loại nấm này lại dễ nuôi đến thế”.

Theo Ngọc Oanh, nấm sữa kefir thường được người dân vùng Đông Âu và Tây Nam Á sử dụng để lên men sữa. Vì chứa nhiều loại lợi khuẩn, sữa chua được tạo nên bởi loại nấm sữa này vừa thơm ngon, vừa có tác dụng cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, từ đó hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.

Tặng nhau con giống scoby để làm kombucha

Tặng nhau con giống scoby để làm kombucha

Nuôi nấm sữa kefir rất đơn giản. Ngọc Oanh cho biết: “Chỉ cần cho nấm giống vào lọ thủy tinh đã được rót sẵn sữa tươi không đường (loại thanh trùng tốt hơn tiệt trùng), sau đó dùng vải hoặc giấy có lỗ thoát khí tốt để ngăn bụi lại là được. Với thời tiết oi nóng của mùa hè ở Huế, chỉ sau 12 - 15 tiếng là đã có thể thu hoạch sữa chua mà không cần thêm bất cứ công đoạn nào”.

Tuy nhiên, do đặc tính kỵ kim loại, người nuôi nấm sữa kefir cần lưu ý là không được để bất cứ đồ vật làm từ kim loại nào tiếp xúc với nấm, từ hũ đựng, rây lọc cho đến muỗng vớt nấm. Bởi thế, tất cả vật dụng để Ngọc Oanh nuôi nấm đều được làm từ nhựa, gỗ và vệ sinh sạch sẽ để tránh nấm mốc.

Thân thiện

Cùng với nấm sữa kefir, hai năm trở lại đây, “trend” làm kombucha từ scoby cũng trở nên sôi động. Ngoài trao đổi kinh nghiệm, các hội, nhóm làm kombucha hoạt động vô cùng sôi nổi. Chị Huệ (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) cho biết: “Hơn hai năm trước, vô tình mình biết đến kombucha từ một video trên Facebook. Thế là mình tìm kiếm các hội, nhóm và học hỏi kinh nghiệm từ những người yêu thích kombucha. Với mình, không chỉ dừng lại ở một loại nước uống lên men thơm ngon, kombucha còn có rất nhiều công dụng hữu ích”.

Được nuôi bằng nước trà đen hoặc trà xanh, để tạo nên kombucha ngon, người nuôi phải cân đối tỷ lệ trà và đường để con giống scoby (được hình thành trong quá trình lên men axit lactic, axit axetic và nấm men) có thể sinh sôi. Trong quá trình ấy, vi khuẩn, axit và men rượu sẽ được hình thành, từ đó tạo nên hương vị đặc trưng cho kombucha.

Chị Huệ nói: “Kombucha là thức uống vô cùng thích hợp trong mùa hè nắng nóng vì vừa có ga, vừa có vị chua ngọt, hương thơm đặc trưng. Ngoài ra, kombucha còn có thể ngâm cùng các loại trái cây để cho ra nhiều hương vị khác nhau như dứa, xoài, mận, dưa hấu, ổi, chuối, thanh long, chôm chôm…”.

Không chỉ làm nên thức uống tốt cho sức khỏe, scoby còn có nhiều lợi ích khác như làm hỗn hợp ủ tóc, da, làm giấm táo, muối dưa, làm kẹo scoby, làm nước sốt, nước ướp thực phẩm, nước rửa chén thân thiện với môi trường.

Ngoài nấm sữa kefir, scoby, các loại nấm lên men khác như nấm nước kefir, men viili đa phần đều dễ nuôi. Để đảm bảo thành công khi nuôi các loại lợi khuẩn này, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh và nguyên liệu đầu vào. “Bởi thế, trong thời gian tới, mình dự định sẽ mở tiệm chuyên bán scoby, các loại nấm khác cùng nguyên liệu đi kèm như đường, trà. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người biết đến và tìm thấy thức uống ngon mát cho mùa hè từ các loại nấm hữu ích này”, chị Huệ chia sẻ.

Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nuoi-nam-142156.html