Nuôi ong bằng... hoa rừng ngập mặn, Tổ hợp tác giúp nông dân Đa Lộc 'đổi đời'

Thành lập từ năm 2021, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong cho người dân, từ đó nhân rộng mô hình nuôi ong ở địa phương, giúp bà con xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Tận dụng 500 ha rừng ngập mặn ở địa phương, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc đang nuôi khoảng 500 đàn ong nội, mỗi năm cung ứng khoảng 20 tấn mật ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Những thành tựu này chính là bàn đạp để Tổ hợp tác tiến gần hơn tới mục tiêu thành lập HTX trong tương lai và phát triển theo hướng bền vững…

Thành lập Tổ hợp tác thúc đẩy nghề nuôi ong

Nằm ở vùng ven biển của huyện Hậu Lộc, xã Đa Lộc có tổng diện tích rừng ngập mặn lên tới 500 ha, trải dài gần 5 km đường bờ biển. Trong đó chủ yếu là cây sú, vẹt – những loại cây có hoa với mùi thơm đặc trưng. Tận dụng lợi thế này, người nuôi ong trong vùng bắt đầu đưa ong đến để lấy mật, số hộ nuôi ong trong xã nhanh chóng lên tới hàng trăm.

Năm 2017, Chi hội nuôi ong xã Đa Lộc ra đời với sự tham gia của 65 hộ với nhiệm vụ hỗ trợ người dân trong việc nuôi ong, nhân rộng mô hình nuôi ong trên địa bàn xã… Sau một thời gian triển khai, Chi hội dần đi vào ổn định hoạt động, song vấn đề đặt ra lúc này là chưa có đơn vị nào đứng ra đảm nhận công việc kinh doanh, quảng bá và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mật ong Đa Lộc.

Được sự ủng hộ của người dân và chính quyền xã, năm 2021, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc ra đời với 20 thành viên. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chi hội và Tổ hợp tác, nghề nuôi ong bằng hoa rừng ngập mặn ngày càng phát triển.

Đặc biệt, những năm gần đây, nghề nuôi ong xã Đa Lộc đã được UBND huyện và tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật chuẩn OCOP. Đến năm 2023, sản phẩm mật ong sú, vẹt Đa Lộc đã đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.

Nghề “một vốn bốn lời”

Nói đến nghề nuôi ong xã Đa Lộc, không ai rành rọt hơn ông Trần Xuân Lâm (73 tuổi), ngụ tại thôn Yên Hòa. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông Lâm được tin tưởng giao cho vị trí Trưởng ban kỹ thuật của Chi hội nuôi ong và là Tổ phó Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Lâm cho biết nghề nuôi ong không cần đầu tư vốn nhiều nhưng cần nắm vững kỹ thuật, tập tính của con ong để chăm sóc, quản lý. Nếu chăm sóc tốt và "được mùa", người dân có thể thu được 10-12 kg mật/đàn/năm.

Giá bán mật ong tại nguồn là khoảng 150.000/kg, sau khi được kiểm định đạt chuẩn OCOP, giá bán có thể lên tới 400.000/kg. Tùy thuộc vào số lượng đàn, thu nhập mỗi tháng của người dân nhờ nuôi ong là khác nhau.

Chẳng hạn như gia đình ông Lâm hiện nay đang sở hữu khoảng hơn 40 đàn ong, cho doanh thu từ 4-5 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển được tổng đàn mà ông còn chủ động được giống ong, không phải mua từ bên ngoài. Mỗi năm, gia đình ông thu được 5 - 7 tấn mật ong.

“Bây giờ có phải nuôi cả trăm đàn ong thì tôi cũng không sợ lỗ vì đã nắm rõ kỹ thuật trong lòng bàn tay. Nghề nuôi ong cũng không quá lao lực, rất phù hợp với người cao tuổi như tôi”, ông Lâm chia sẻ.

Ngoài thời gian chăm sóc ong, ông Lâm còn tham gia nhiệt tình vào công việc của Chi hội và Tổ hợp tác.

Theo ông Lâm, Tổ hợp tác phối hợp với Chi hội nuôi ong thường xuyên rà soát việc nuôi ong của các hộ, nhắc nhở thời gian thu hoạch mật, hỗ trợ bà con chăm sóc và phòng bệnh cho đàn ong. Ngoài ra, ông Lâm và các cộng sự cũng dành nhiều thời gian tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong cho người dân.

Nếu chăm sóc tốt và "được mùa", người dân Đa Lộc có thể thu được 10-12 kg mật/đàn/năm.

Nếu chăm sóc tốt và "được mùa", người dân Đa Lộc có thể thu được 10-12 kg mật/đàn/năm.

Tổ hợp tác còn là cầu nối giữa người dân địa phương với các dự án lớn do các tổ chức phi chính phủ tài trợ như Dự án “Trồng rừng và quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng” của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Dự án Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam – VFD do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Đây là những nguồn lực rất lớn giúp bà con nơi đây mở rộng diện tích rừng ngập mặn, từ đó phát triển kinh tế nói chung và nghề nuôi ong tại xã Đa Lộc nói riêng.

Nhờ sự đóng góp của Tổ hợp tác, thương hiệu mật ong Đa Lộc ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Mật ong sú vẹt Đa Lộc có màu vàng mơ, mùi thơm đặc trưng của loài hoa rừng ngập mặn, tính mát, có thể sử dụng hằng ngày mà không gây nóng trong người. Loại mật này còn rất giàu vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, đặc biệt tốt để làm giảm viêm họng và đau dạ dày.

Trăn trở bài toán đưa thương hiệu mật ong "bay xa"

Nhận được sự tin tưởng của bà con địa phương cùng những chỉ đạo sát sao từ Đảng ủy, UBND, HĐND xã Đa Lộc, hoạt động kinh doanh của của Tổ hợp tác bước đầu đạt được những thành tựu, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

"Tuy nhiên, tổ chức, mô hình hoạt động của Tổ hợp tác vẫn còn khá đơn giản và sơ khai nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Tổ hợp tác cũng không có tư cách pháp nhân nên khó tiếp cận với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi. Vì vậy, để đưa nghề nuôi ong lấy mật ở Đa Lộc lên một tầm cao mới với hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, việc đặt mục tiêu sớm tiến tới thành lập HTX là bước đi đúng đắn, mang tính bền vững của Tổ hợp tác", ông Lâm chia sẻ.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Tổ hợp tác vẫn đang trăn trở giải quyết bài toán thiếu nguồn lao động trẻ tiếp nối nghề nuôi ong, giữ gìn và lan tỏa thương hiệu sản vật quê hương.

Theo ông Vũ Tân Sửu, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc, việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, đa số người nuôi ong trên địa bàn xã hiện nay đều là người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin, còn người trẻ hầu như đều chọn các công việc thu nhập cao hơn ở các thành phố lớn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Sửu và các thành viên Tổ hợp tác đã đến thăm từng gia đình chia sẻ kỹ thuật nuôi ong, động viên các thế hệ trẻ tham gia vào công việc này. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi do việc nuôi ong đòi hỏi kỹ thuật tương đối phức tạp cùng sự kiên nhẫn ở người nuôi.

Chính vì lẽ đó, các thành viên hy vọng địa phương và các cơ quan, ban ngành các cấp sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ công việc kinh doanh và tạo cơ hội cho Tổ hợp tác phát triển thành HTX trong thời gian sớm nhất.

Tổ hợp tác cũng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đồng hành để đảm bảo đầu ra cho mật ong sú vẹt, nâng cao giá trị của thương hiệu mật ong Đa Lộc, góp phần đưa hương vị ngọt thơm của mật ong quê hương "bay xa", từ đó thu hút thế hệ trẻ tham gia vào công việc này.

Kim Yên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nuoi-ong-bang-hoa-rung-ngap-man-to-hop-tac-giup-nong-dan-da-loc-apos-doi-doi-apos-1094952.html