Nuôi ong lấy mật giúp nông dân miền núi thoát nghèo

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã phát triển kinh tế, thoát nghèo từ nghề nuôi ong. Hiện tại toàn huyện có hơn 1.100 hộ nuôi ong, mỗi năm doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Từ những năm 2002, nghề nuôi ong bắt đầu xuất hiện tại huyện Vũ Quang khi khu sinh quyển Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) được quy hoạch và bảo vệ. Đến nay, toàn huyện Vũ Quang đã có hơn 1.100 hộ nuôi ong với gần 9.000 đàn.

Xuất phát điểm với 4 đàn ong, nhưng đến nay ông Đậu Khắc Mạnh (SN 1956, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã trở thành “ông chủ” của hơn 100 đàn, mỗi năm doanh thu trên 200 triệu đồng. Ông Mạnh nuôi ong từ 10 năm trước. Thời điểm đó, gia đình còn khó khăn, ngoài ra chưa có kỹ thuật nên chỉ nuôi đàn nhỏ lẻ. Tuy nhiên khi được tập huấn các kỹ năng về cách nuôi ong lấy mật, ông Mạnh đã tập trung đầu tư nhân rộng đàn.

Theo ông Mạnh, nuôi ong tại vườn nhưng chất lượng mật không thua kém ong tự nhiên. Bởi ong được nuôi thả tự do, nguồn thức ăn chủ yếu là những loài hoa ở rừng... Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Mạnh còn nhân giống và bán cho nhiều hộ dân trong vùng.

Không chỉ riêng ông Mạnh mà nhiều hộ dân tại xã Ân Phú cũng thoát nghèo nhờ nuôi ong. Hiện tại ở xã này có 79 hộ nuôi ong và 1 mô hình HTX có 36 hộ tham gia với tổng 800 đàn.

Tận dụng vườn đồi, người dân nuôi ong ngay cạnh nhà kiếm thêm thu nhập.

Tận dụng vườn đồi, người dân nuôi ong ngay cạnh nhà kiếm thêm thu nhập.

Ông Trần Văn Thư – Chủ tịch UBND xã Ân Phú (huyện Vũ Quang) chia sẻ, địa phương có thế mạnh về vườn đồi nên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Hiện tại toàn xã có 800 đàn, mỗi năm đạt khoảng 10 tấn mật, ước tính thu về 1,5 tỷ đồng. “Để xóa đói giảm nghèo, vừa qua địa phương cũng trao tặng100 đàn ong cho các hộ nghèo, cận nghèo nhằm phát triển kinh tế. Thời gian qua, việc nuôi ong tại xã ngày càng nhân rộng, tăng thêm thu nhập và giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu”, ông Thư chia sẻ.

Theo người nuôi ong Vũ Quang, tháng 3 hằng năm được coi là mùa con ong đi lấy mật, bởi đây là thời điểm tiết trời ấm áp, có nhiều hoa, để chúng làm thức ăn. Mùa thu hoạch mật kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm, dù thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm, song tháng ba vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất.

Ong được người dân nuôi trong những chiếc hộp gỗ.

Ong được người dân nuôi trong những chiếc hộp gỗ.

Kết thúc vụ mùa lấy mật, ông Nguyễn Đình Phú (trú thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) lại chạy xe máy, mang theo dụng cụ đi đến những khu vực rừng biên giới ở huyện Hương Sơn để săn ong ruồi.

Ông Phú cho biết, dịp này những đàn ong ruồi sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét vào mùa đông. Khi bắt được đàn ong mới, ông sẽ về nhà nuôi trong từng hộp vuông đặt ở xung quanh vườn nhà. Mỗi năm với hơn 20 đàn, gia đình thu về khoảng 30 triệu đồng.

“Do ong được nuôi thả tự do, lại nằm sát khu sinh quyển Vườn quốc gia Vũ Quang nên mật rất chất lượng, đến mùa khách khắp nơi đặt mua. Khi hết mùa mật chúng tôi lại đi săn ong sứ để về nhân giống đàn mới”, ông Phú nói.

Ông Nguyễn Đình Phú dùng vợt để đi săn ong ruồi về nuôi tại nhà.

Ông Nguyễn Đình Phú dùng vợt để đi săn ong ruồi về nuôi tại nhà.

Ong được người nông dân Vũ Quang nuôi trong các thùng gỗ. Mỗi thùng có 4-5 cầu ong tùy kích thước, chứa đầy sáp và mật ong thơm ngậy.

Ong có đặc tính bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi nếu muốn thành công, phải “hiểu” được ong, có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh và cho năng suất cao.

Hội Nông dân huyện Vũ Quang cho biết, toàn huyện có 1.100 hộ nuôi với hơn 9.000 đàn ong mật. Năm nay, sản lượng mật đạt khoảng hơn 90 tấn, tăng 10 tấn so với năm ngoái, ước tính thu về khoảng hơn 13 tỷ đồng.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nuoi-ong-lay-mat-giup-nong-dan-mien-nui-thoat-ngheo-post1577035.tpo