Nuôi thành công trẻ sinh non ở tuần thai 27, nặng 1kg
Chào đời ở tuần thai thứ 27, chỉ nặng 1kg, chưa kịp tiêm trưởng thành phổi, bé gái con sản phụ T.T đã trải qua 2,5 tháng kiên cường trong Trung tâm Sơ sinh để phát triển khỏe mạnh bình thường.
Chỉ sau 15 phút đến viện, bé gái J. đã chào đời. Em bé có phổi chưa kịp trưởng thành, được bác sĩ hồi sức ngay tại phòng sinh, sau đó ủ ấm, thở oxy. Sau khi ổn định các chỉ số sinh tồn, ê-kíp chuyển bé về phòng chăm sóc đặc biệt (NICU), nuôi dưỡng bởi máy thở, lồng ấp nhân tạo.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, cho biết, trẻ chào đời ở tuần 27 nặng 1kg như bé J. chiếm khoảng 15% trẻ sinh non tại bệnh viện.
Mặc dù có cân nặng tốt hơn so với các trẻ đẻ non khác, nhưng J. chào đời ở tuần 27, được xếp là cực non, có nguy cơ gặp các biến chứng cao hơn vì các cơ quan còn quá non yếu. Bé không thể tự thở. Ngoài ra, bé còn quá non nớt để có thể bú, nuốt và thở một cách hiệu quả và nhịp nhàng nên phải được nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày phối hợp dinh dưỡng tĩnh mạch.
Để điều trị tình trạng suy hô hấp, J. được trợ thở bằng máy thở rung tần số cao không xâm lấn, không cần đặt nội khí quản, hạn chế nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng bệnh viện.
Bác sĩ tăng cường cung cấp năng lượng, bổ sung đủ vi chất giúp bé sớm phục hồi cân nặng lúc sinh và tăng cân. Đồng thời, J. được tập nuôi ăn sớm bằng sữa mẹ để phát triển, tăng sức đề kháng. Lúc này, J. lại đối mặt tình trạng tăng cân chậm do trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài chậm tăng cân, bé tiềm ẩn nguy cơ viêm phổi do hít dịch sữa vào đường thở, và viêm thực quản do acid dịch dạ dày làm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng nề hơn.
Trẻ sơ sinh có biểu hiện nôn, trớ sữa trong và sau mỗi cữ ăn, nên việc chăm nuôi khó khăn, điều dưỡng phải túc trực 24/24, kịp thời phát hiện các bất thường.
Khi J. được nuôi lên 1,5kg, bác sĩ cho bé massage toàn thân. Kỹ thuật giúp trẻ phát triển xúc giác, kích thích vận động từ sớm. Bác sĩ cho bé được ấp kangaroo sớm với mẹ ngay tại phòng chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Thiều Chương cho biết, trẻ sơ sinh được chăm sóc trên mô hình nuôi trẻ sinh non gắn kết với gia đình (Family-centered care). Mô hình này cho phép gia đình bước vào phòng NICU để nói chuyện, chăm sóc, da kề da sớm với trẻ.
Mô hình chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm có nghĩa là người thân được tham gia chăm sóc và sinh hoạt hằng ngày của con như: ôm ấp, cho bú, thay tã, vỗ ợ hơi, tắm bé,… sinh non.
Trẻ sinh non được ấp mẹ dễ thích nghi tốt hơn với môi trường ngoài tử cung. Phương pháp da kề da sớm với mẹ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa nhịp tim hô hấp, nhiệt độ, tăng cân tốt.
J. chào đời 15 ngày đã được ấp mẹ. Thời gian ấp 3 tiếng mỗi ngày, lịch trình này kéo dài một tháng. Lúc này, bé còn thở CPAP (thở máy không xâm lấn) điều dưỡng phải dành nhiều thời gian hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ sinh non, đào tạo kiến thức cho gia đình về cách chăm sóc tốt, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Được chăm bé, da kề da sớm giúp sản phụ T.T bình tĩnh hơn, giảm căng thẳng và lo lắng sau biến cố sinh non. Nhờ phương pháp kangaroo, bé kiểm soát tốt vấn đề trào ngược, tăng cân tốt, sau 2,5 tháng điều trị, cân nặng đạt 3kg, khỏe mạnh xuất viện.
Mô hình trao quyền cho bố mẹ chăm sóc sớm trẻ sinh non được Trung tâm Sơ sinh triển khai áp dụng đã 3 năm. Hàng trăm trẻ đẻ non được gần gũi bố mẹ sớm, hồi phục, xuất viện sớm, tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn tăng lên 90%, hỗ trợ tăng cân, tăng sức đề kháng.