Nuôi tôm công nghệ cao để hiệu quả và bền vững

Thời gian qua, Sóc Trăng cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã bắt đầu chuyển từ mô hình nuôi ao đất rủi ro cao, hiệu quả kém sang mô hình ao bạt với nhiều hình thức, quy trình nuôi khác nhau. Dần dần nghề nuôi cũng từng bước định hình được một số mô hình nuôi khá chuẩn với các giải pháp nuôi công nghệ cao từ ao chìm lót bạt cho đến bồn tròn nổi; từ ao nuôi có diện tích lớn đến bồn nuôi diện tích nhỏ như CPF – Combine mini đang rất hiệu quả.

Đầu năm 2021, do dự đoán giá tôm đầu năm sẽ cao, nhất là tôm thẻ cỡ lớn, thạc sĩ thủy sản Huỳnh Hàn Châu – chủ trang trại nuôi tôm Huỳnh Hàn Châu (Trần Đề) quyết định thả nuôi sớm với 450.000 giống CPF Turbo G19. Trên tổng diện tích ao nuôi tôm thịt là 3.600m2, được anh chia ra thành 3 bồn, mỗi bồn 1.200m2. Đầu tiên, tôm giống được đưa vào bồn ương khoảng 18 - 20 ngày. Sau đó, tôm được sang qua bồn nuôi tôm lứa để tiếp tục nuôi thêm 25 - 30 ngày thì bắt đầu sang qua bồn nuôi tôm thịt. Tuy nhiên, do đầu năm nay, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên tôm có phần chậm lớn, vì vậy để thu hoạch được tôm cỡ lớn như dự tính, thời gian nuôi kéo dài 134 - 136 ngày anh mới thu hoạch.

Theo đó, ở ngày thứ 134, anh thu hoạch bồn đầu tiên được 5,12 tấn tôm cỡ 23,9 con/kg. Ngày hôm sau anh tiếp tục thu hoạch bồn thứ 2 được 5,76 tấn tôm cỡ 24 con/kg và ngày thứ 136 anh thu hoạch bồn thứ 3 được 4,98 tấn tôm cỡ 23,6 con/kg. Với tổng sản lượng tôm thu hoạch ngay trong đợt đầu tiên này đã đem về cho anh mức lợi nhuận khoảng 1,4 tỉ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu thành công với mô hình CPF – Combine version 2.

Thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu bên trang trại nuôi tôm công nghệ cao thành công và bền vững. ẢNH: XUÂN TRƯỜNG

Thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu bên trang trại nuôi tôm công nghệ cao thành công và bền vững. ẢNH: XUÂN TRƯỜNG

Thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu phân tích: “Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thời gian qua, trên thị trường có nhiều dòng tôm giống đạt chất lượng, có thể nuôi về kích cỡ 30 – 40 con/kg, thậm chí nuôi được về đến cỡ 15 - 20 con/kg. Thức ăn tôm hiện cũng có nhiều thương hiệu tốt, với những dòng thức ăn chuyên cho nuôi công nghệ cao, đó là độ đạm cao, chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nuôi mật độ cao nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ sống cao và nuôi đạt kích cỡ lớn. Riêng về mô hình, mà cụ thể là mô hình nuôi ao bạt từ lớn đến nhỏ, theo tôi là mô hình rất gần dân do chi phí đầu tư, phương pháp thi công, điều kiện vận hành khá đơn giản, nhiều người nuôi tôm có thể áp dụng được, kể cả người không có diện tích đất lớn”.

Cũng theo thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu, khi đã có mô hình, quy trình, con giống, thức ăn… tốt thì việc nuôi tôm thẻ thâm canh hay siêu thâm canh về kích cỡ lớn là không khó. Đây cũng đang là lợi thế lớn của ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung vì đến thời điểm hiện tại hầu như chỉ mới có Việt Nam là nuôi tôm thẻ về được kích cỡ dưới 25 con/kg. Do đó, giá tôm thẻ cỡ 25 con/kg về lớn thường ít biến động hơn so với tôm thẻ cỡ 40 con/kg về nhỏ, thậm chí là cả tôm thẻ cỡ 30 con/kg. Hơn nữa, khi nuôi về cỡ lớn, năng suất sẽ cao hơn, giá bán cũng cao hơn nên lợi nhuận của người nuôi cũng lớn hơn.

Đối với mục tiêu bền vững, theo thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu, có 3 yếu tố quan trọng cần quan tâm. Thứ nhất là mô hình nuôi phải mang lại lợi nhuận cho người nuôi, tức mô hình phải mang lại hiệu quả, chi phí thấp và đầu ra phải tốt (chất lượng tôm tốt và giá cả ổn định) để người nuôi an tâm đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất. Thứ hai là mô hình phải được ứng dụng đại trà, hay nói một cách cụ thể là mô hình phải gần dân và dễ áp dụng. Thứ ba là phải làm tốt công tác quản lý môi trường vì khi có nhiều người nuôi, mật độ nuôi cao, năng suất thu hoạch cao thì sẽ tác động rất lớn đến môi trường nếu chúng ta không quản lý, kiểm soát tốt nguồn nước đầu vào và chất thải cũng như nước thải của đầu ra. Vấn đề này cần có sự chung tay, đồng hành giữa người nuôi và ngành chức năng, trong đó đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường chung của người nuôi.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao luôn đồng nghĩa với sử dụng lượng thức ăn, nước rất nhiều nên chất thải, nước thải đưa ra môi trường vì thế cũng rất nhiều. Do vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong kiểm tra các yếu tố môi trường từ đầu vào cho đến đầu ra là rất quan trọng. Có nhiều biện pháp xử lý như sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải hay biện pháp tuần hoàn nước để xử lý nước thải thông qua con đường sinh học như nuôi cá, một số loại thực vật... Biện pháp thứ ba là nếu người nuôi có diện tích đất lớn nên trữ nước lại để xử lý nước bằng sinh học để tái sử dụng lại nguồn nước thải này. Với chất thải, ngoài việc xử lý bằng biogas, hàng năm cần sên vét và có ao chứa để xử lý sử dụng vào mục đích khác chứ không được thải ra môi trường chung.

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/nuoi-tom-cong-nghe-cao-de-hieu-qua-va-ben-vung-48931.html