Nuôi tôm hiệu quả nhưng chưa bền vững
Nhiều địa phương ở ĐBSCL xác định con tôm là mặt hàng chủ lực trong phát triển kinh tế. Song, thời gian gần đây, giá tôm nguyên liệu giảm không phanh khiến các hộ nuôi đứng ngồi không yên
Bạc Liêu được xem là tỉnh trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ tôm ở vùng ĐBSCL. Cùng với việc sở hữu 3 vùng sinh thái (ngọt, mặn, lợ), Bạc Liêu có nhiều lợi thế trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm.
Đừng vì lợi nhuận trước mắt
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau hơn 2 năm thực hiện đề án đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây còn được xem là cơ sở để cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Bạc Liêu xác định thực hiện "Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo" là một trong 5 trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được xem là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu. "Tỉnh hiện có 25 công ty và trên 800 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 4.600 ha. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm nuôi siêu thâm canh của tỉnh đạt 23.774 tấn" - ông Thiều thông tin.
Con tôm đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân và góp phần thay đổi diện mạo những vùng quê ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, không ít người trăn trở với thực trạng vì lợi nhuận trước mắt, một số hộ nuôi đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tình trạng này nếu không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của thế hệ mai sau. Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng nuôi tôm công nghệ cao thời gian tới phải hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế lẫn môi trường.
Thời gian gần đây, giá tôm nguyên liệu giảm "không phanh" đã đặt nhiều hộ nuôi ở ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng đứng trước nguy cơ "treo" ao do thua lỗ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng những tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu tôm gặp không ít biến động do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Nguy cơ "treo" ao
Lão nông Lê Nguyễn (ngụ tỉnh Bạc Liêu) cho biết ông đã có hơn 4 năm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Những ngày gần đây, lần đầu tiên ông chứng kiến giá tôm nguyên liệu giảm kỷ lục.
"Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Thế nhưng, nguồn lực tài chính của người dân có hạn nên đa phần bà con phải vay mượn tiền bên ngoài làm chi phí sản xuất. Tôi hy vọng các ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để giá tôm trở lại bình thường, chứ không thì sẽ có rất nhiều hộ nuôi phải "treo" ao vì thua lỗ và trở nên trắng tay" - ông Nguyễn lo ngại.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, kinh tế khó khăn khiến nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến lượng lớn tôm tồn kho, các đối tác hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam quá cao nên khó cạnh tranh với các "đối thủ" chính như Ecuador hay Ấn Độ.
Tỉ lệ nuôi tôm thành công ở nước ta bình quân chỉ dưới 40%, trong khi Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. Muốn nuôi tôm có tỉ lệ thành công cao, yếu tố con giống và cách nuôi là quan trọng nhất. Nhà nước và ngành chuyên môn cần khuyến cáo người dân giảm mật độ nuôi. Khi giảm mật độ nuôi sẽ giảm rủi ro và áp lực lên môi trường.
Nhiều chuyên gia gợi ý để giảm giá thành, trước tiên phải giảm chi phí đầu vào sản xuất tôm. Muốn vậy, cần có cơ chế quản lý giá bán của các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. "Từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy giá thức ăn chăn nuôi tăng chứ chưa bao giờ giảm. Vậy nên, rất cần một cơ chế quản lý hiệu quả để nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và con tôm Việt" - một chuyên gia nhìn nhận.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, cũng lo ngại vì giá tôm nguyên liệu giảm mạnh thời gian qua. Có loại giảm giá 30% - 40%, khiến không ít hộ nuôi thua lỗ. Ông Nhiệm kiến nghị các ngân hàng cần nhanh chóng giải ngân gói hỗ trợ 10.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để đẩy mạnh thu mua, nâng cao giá trị con tôm. Từ đó, giúp người nuôi có thêm lợi nhuận và yên tâm sản xuất.
Không nên "hoảng loạn"
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng các hộ nuôi không nên "hoảng loạn" bởi giá tôm xuống thấp chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Hộ nuôi nên tham gia các tổ hợp tác để giảm chi phí sản xuất, tránh thu hoạch ồ ạt, nuôi tôm đạt kích thước lớn hãy bán để được giá cao cũng như giảm bớt áp lực cho các nhà máy.
"Giá tôm dự báo sẽ tăng trở lại vào những tháng cuối năm do nhu cầu của thị trường vào thời điểm này rất cao. Người dân nên chọn nuôi tôm với mật độ phù hợp, chuẩn bị kỹ về con giống và môi trường" - ông Luân khuyến cáo.
Tổng cục Thủy sản cho biết theo kế hoạch, năm 2023, diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại 1,08 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỉ USD.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nuoi-tom-hieu-qua-nhung-chua-ben-vung-20230625172413109.htm