Nuôi trâu, bò vỗ béo giúp nông dân Pác Nặm phát triển kinh tế

Huyện Pác Nặm có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt, huyện có chợ trâu, bò Nghiên Loan lớn nhất khu vực, đây chính là lợi thế để người dân thực hiện có hiệu quả các dự án về chăn nuôi.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của hội viên Hội Phụ nữ xã Cổ Linh

Mô hình nuôi bò vỗ béo của hội viên Hội Phụ nữ xã Cổ Linh

Huyện Pác Nặm có diện tích tự nhiên gần 50.000ha, chủ yếu là đồi núi nên có nhiều diện tích cỏ tự nhiên và được người dân trồng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Trung bình mỗi năm toàn huyện gieo trồng gần 3.000ha ngô, sản lượng đạt gần 9.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi.

Trên địa bàn có chợ trâu, bò Nghiên Loan, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi vỗ béo trâu, bò.

N hững năm qua, huyện đã triển khai các dự án phát triển sản xuất thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách huyện, trong đó có mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò và cải tạo đàn bò sinh sản . Hiện nay, t ổng đàn đại gia súc của huyện có 17.208 con, trong đó có 9.124 con trâu, 7.699 con bò, 385 con ngựa.

Năm 2022, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các dự án thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thịt bản địa, quy mô liên kết sản xuất 1.200 con/3 chu kỳ sản xuất; Dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo có quy mô thực hiện khoảng 1.000 con tại các xã Cao Tân, Cổ Linh, Bằng Thành, Giáo Hiệu, Nhạn Môn, An Thắng với 330 hộ tham gia.

Nông dân huyện Pác Nặm trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho trâu, bò

Nông dân huyện Pác Nặm trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho trâu, bò

Với sự hỗ trợ của các dự án, nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng mua trâu, bò về nuôi nhốt vỗ béo. Một số hộ dân ở thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan đã thu hàng tỷ đồng từ nuôi trâu, bò vỗ béo. Đây cũng là xã có tổng đàn trâu, bò lớn nhất huyện, thường xuyên duy trì trên 2.000 con, trong đó 30% số hộ nuôi vỗ béo và nhiều hộ tham gia buôn bán trâu, bò. Bên cạnh đó, người dân đã chủ động trồng cỏ voi làm thức ăn và cung cấp cho chợ trâu, bò tại xã. Theo ước tính, số hộ nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện chiếm khoảng 70% tổng số hộ nông nghiệp.

Tổ hợp tác chăn nuôi bò của Hội Nông dân huyện triển khai tại thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh với 5 hộ dân tham gia. Để thành lập được Tổ hợp tác, các hộ thành viên tự nguyện tham gia dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Với nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện, Tổ hợp tác mua 8 con bò cái sinh sản, sau gần 5 tháng đàn bò đã phát triển lên 11 con. Ngoài ra, các hộ còn mua bò nuôi vỗ béo trong thời gian 3 - 4 tháng. Điều đáng nói, Tổ hợp tác đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phương pháp tiếp cận trong việc thực hiện các dự án hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế hộ.

Anh Lê Văn Thật, thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh chia sẻ: “Trong quá trình chăn nuôi, ai có việc bận hay ốm đau thì sẽ có các hội viên khác giúp đỡ. Điều này được các thành viên thống nhất và trong thời gian qua đã làm rất tốt. Tổ hợp tác đã có thu nhập cao từ hình thức chăn nuôi này”.

Với những lợi thế về phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã giúp lĩnh vực chăn nuôi của huyện Pác Nặm ngày càng phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm nghèo bền vững./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202210/nuoi-trau-bo-vo-beo-giup-nong-dan-pac-nam-phat-trien-kinh-te-87402b8/