Nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội: Phát triển bền vững theo hướng thâm canh
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng ngành Nông nghiệp Thủ đô là 1,61%, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các sản phẩm thủy sản. Mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản không biến động, nhưng các địa phương đã đẩy mạnh quy hoạch, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thâm canh cho năng suất, chất lượng cao.
Nuôi trồng thủy sản ở huyện Phú Xuyên mang lại hiệu quả cao.
Diện tích không đổi, năng suất tăng cao
Hiện nay, trong khi chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và gây thiệt hại lớn về kinh tế thì nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa) cho biết, trang trại của ông đang nuôi cá trên diện tích 6ha và 2ha nuôi tôm càng xanh. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng an toàn, nên cá ít bị dịch bệnh, năng suất đạt 10-12 tấn/ha/năm, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Đỗ Văn Hiệp (ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) cho biết, với quy mô 40ha nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, áp dụng quy trình nuôi khắt khe từ vệ sinh hệ thống lọc và xử lý nước, để bảo đảm chất lượng cá, trang trại của ông đã đầu tư thiết bị công nghệ cao như: Máy nano oxygen để cung cấp ô xy cho cá, khử phèn và hóa chất độc hại trong ao... Nhờ đó, năng suất cá đạt hơn 12 tấn/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với nuôi bán thâm canh.
Đánh giá về hiệu quả của nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn huyện hơn 6%, huyện sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 1.599ha, với sản lượng nuôi đạt 11.500 tấn, tăng 6,1% so với năm 2019.
Hiện nay, các mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn huyện chủ yếu ở các xã Cổ Đô, Vạn Thắng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cao gấp 2-3 lần so với cây lúa. Không những thế, việc nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh đã nâng cao ý thức của người dân trong việc không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong danh mục để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Tạ Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố không biến động nhiều, khoảng 22.900ha, sản lượng thu hoạch đạt 52,52 nghìn tấn, tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do nông dân ở các huyện chuyển từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi theo phương pháp thâm canh, ứng dụng công nghệ cao... nên năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản cao hơn so với cách nuôi trồng truyền thống.
Trong khi các ngành khác gặp khó khăn về sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh, nghề nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn phát triển ổn định, mang lại thu nhập cao cho người dân, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nguồn nước nuôi trồng thủy sản còn bị ô nhiễm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng còn ít. Đặc biệt, khâu chế biến, hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả.
Theo bà Phạm Thị Minh (ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), hiện nay, hầu như người nuôi trồng thủy sản vẫn tự sản, tự tiêu. Trung bình mỗi vụ, bà thu hoạch hàng chục tấn cá, bán cho thương lái một phần; còn lại mang ra chợ tiêu thụ, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm...
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện Ứng Hòa tiếp tục có chính sách hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản như: Nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi; hỗ trợ nông dân mua chế phẩm xử lý nguồn nước...
Huyện Ứng Hòa đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu thành phố bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn nước Trạm bơm Thái Bình; cải tạo, nạo vét một số tuyến kênh dẫn nước từ sông Đáy cấp cho diện tích nuôi trồng thủy sản, thay thế nguồn nước sông Nhuệ... để người dân yên tâm đầu tư, mở rộng diện tích nuôi trồng theo hướng thâm canh.
Để tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2020 đạt 4,12% trở lên, ngoài đẩy mạnh phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi thì nuôi trồng thủy sản được xác định là một trong những mũi nhọn quan trọng. Theo đó, thành phố duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản 24.000ha, với tổng sản lượng nuôi đạt 120.000 tấn, tăng 6,29% so với năm 2019.
Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; mở rộng diện tích thâm canh nuôi trồng thủy sản tại các vùng có đủ điều kiện.
Cùng với đó, thành phố hỗ trợ 50% giống cá chép lai, trắm cỏ bảo đảm chất lượng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Vì.
“Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, việc phát triển mô hình chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là hết sức quan trọng. Thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm thủy sản với quy mô 10ha, trong đó hỗ trợ 50% chế phẩm sinh học; 100% quảng bá, xúc tiến thương mại; 50% điểm bán và giới thiệu sản phẩm, thủy sản. Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản thành những món ăn phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đẩy mạnh khâu tiêu thụ”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
Để nuôi trồng thủy sản của Hà Nội phát triển bền vững theo hướng thâm canh, ngoài quy hoạch vùng nuôi tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, các ngành chức năng cần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản Hà Nội.