'Nút thắt' của Eximbank
Các vấn đề tại Eximbank đã được cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc từ năm ngoái. Kết luận của cơ quan quản lý cao nhất được kỳ vọng sẽ gỡ một 'nút thắt' cho thực trạng rối ren hiện nay tại Eximbank, cùng với đó là việc yêu cầu HĐQT tuân thủ Điều lệ, pháp luật hiện hành.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 2 của Eximbank diễn ra sáng ngày 29/7 tiếp tục bất thành, dù có tới 42,57% số cổ phần tham dự, tăng mạnh so với 17,54% trong phiên lần 1 vào cuối tháng trước - ngày 30/6. Đại hội thường niên dự kiến bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2020-2025.
Diễn biến này không quá bất ngờ, khi nhóm cổ đông "tẩy chay" Đại hội thường niên không có mặt. Nhóm này được cho là sở hữu quá nửa cổ phần Eximbank, thể hiện rõ qua con số 51,92% tham dự Đại hội bất thường năm 2019 lần 1 diễn ra chiều ngày 30/6. Tất nhiên, một tỷ lệ không nhỏ trong số đó ắt hẳn đã được "gom" từ các cổ đông nhỏ lẻ trung dung.
Đại hội bất thường được triệu tập bởi cổ đông chiến lược Nhật Bản SMBC từ năm ngoái, đề nghị làm rõ các vấn đề tài chính tồn đọng trước đây, đồng thời thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.
Sau nhiều lần trì hoãn, HĐQT Eximbank đã "miễn cưỡng" tổ chức Đại hội bất thường năm 2019 với lịch trình sau khi đã diễn ra Đại hội thường niên 2020. Như đã đề cập trong bài viết gần đây, lịch trình đầy toan tính này cho thấy nếu có thể, HĐQT Eximbank muốn hoàn tất bộ khung HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới trước, và lúc đó, Đại hội bất thường dù có diễn ra cũng gần như sẽ là vô nghĩa.
Ý tưởng như vậy, song lượng cổ phần nắm giữ không đủ lớn khiến cả hai phiên Đại hội thường niên đều bất thành. Trong khi đó, dù theo Điều lệ, Eximbank phải triệu tập Đại hội bất thường năm 2019 lần 2 trong vòng 30 ngày, song tới thời điểm hiện tại, xem như HĐQT nhà băng này không tuân thủ. Cách đây ít tháng, NHNN đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 6 thành viên HĐQT Eximbank vì trì hoãn tổ chức Đại hội bất thường theo triệu tập hợp pháp của cổ đông ngoại SMBC.
Việc tiếp tục chấp nhận vi phạm Điều lệ cho thấy nhóm cổ đông yếu thế và HĐQT Eximbank "đặt cược" rất lớn vào Đại hội thường niên lần 3, dự kiến diễn ra sau lần 2 chậm nhất 20 ngày, và quan trọng lúc này, không còn yêu cầu về túc số.
Có những dấu hiệu cho thấy nhóm này đang tích cực "dọn đường", chuẩn bị cho Đại hội lần 3. Đó là việc bất ngờ miễn nhiệm Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai cách đây ít ngày, hay ban hành quy chế siết rất chặt cổ đông tham dự Đại hội thường niên lần 2, như yêu cầu phải có bản chính thư mời họp, nếu không có thì tùy thuộc Ban kiểm tra tư cách cổ đông xem xét, trường hợp sử dụng giấy ủy quyền phải có dấu mộc đỏ của Eximbank...
Điều đáng nói là Eximbank chưa bao giờ quy định khắt khe như vậy, và ngày 27/7, ngay trước thềm Đại hội thường niên lần 2, một cổ đông nắm nhiều triệu cổ phiếu Eximbank đã có đơn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về dấu hiệu vi phạm pháp luật của Eximbank trong việc triệu tập ĐHĐCĐ thường niên nêu trên.
Dù vậy, không loại trừ các yêu cầu này sẽ tiếp tục được HĐQT Eximbank áp dụng trong Đại hội thường niên lần 3 tới đây. Nhóm đang nắm ưu thế quá bán, bởi vậy sẽ ít nhiều gặp những trở ngại trong việc tham gia Đại hội, khi mà một tỷ lệ nhất định của họ, như đã phân tích, đến từ gom phiếu, xin ủy quyền từ các cổ đông trung lập.
Dù sao thì với tỷ lệ nắm giữ rất lớn, nhóm này chắc hẳn cũng sẽ không quá khó khăn để "phủ quyết" Đại hội thường niên sắp tới, bằng cách không thông qua quy chế họp tương tự như tại Đại hội thường niên lần 2 năm ngoái.
Quan điểm của nhóm này rất rõ ràng: Yêu cầu HĐQT tổ chức Đại hội bất thường năm 2019 đúng luật theo triệu tập của SMBC trước Đại hội thường niên 2020. Đại hội bất thường sẽ thanh lọc, loại bỏ các thành viên HĐQT thiếu uy tín, tạo tiền đề bầu ra đội ngũ HĐQT có năng lực, đạo đức và đủ uy tín để điều hành ngân hàng một cách chuẩn mực, tuân thủ pháp luật và dần hàn gắn những sự khác biệt giữa các nhóm cổ đông.
Cùng với đó, nhóm này trước nay không công nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Saitoh, hay trước đó là ông Cao Xuân Ninh, bởi vậy cho rằng các Nghị quyết do những vị này ký, chẳng hạn bãi nhiệm Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai vừa qua là vô hiệu. Ông Mai đã ngồi ghế Phó Chủ tịch Eximbank từ giữa năm 2017, và còn là Chủ tịch Ủy ban Quản lý Rủi ro của Ngân hàng.
Tranh chấp giữa các nhóm cổ đông Eximbank âm ỉ từ nhiều năm, song đặc biệt bùng lên dữ dội từ đầu năm 2019 khi HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 có Nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc sau đó khởi kiện và Tòa án yêu cầu tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112. Ngày 14/5/2019, Tòa án có quyết định hủy bỏ yêu cầu trên, có hiệu lực cùng ngày, đồng nghĩa với từ lúc này bà Cẩm Tú được cho là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank.
Tuy nhiên tại phiên họp HĐQT ngày 15/5/2019, ông Lê Minh Quốc đã lấy tư cách Chủ tịch HĐQT ký Nghị quyết số 231 chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112. "Chiếc ghế" Chủ tịch HĐQT sau đó được luân chuyển qua ông Cao Xuân Ninh rồi ông Saitoh, xen giữa là một thời gian ngắn được ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng.
Những lùm xùm tại cấu trúc thượng tầng của Eximbank đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng này, đặc biệt khi hơn một năm qua không có Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật duy nhất. Các vấn đề tại Eximbank đã được cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc từ năm ngoái. Kết luận của cơ quan quản lý cao nhất được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một "nút thắt" cho thực trạng rối ren hiện nay tại Eximbank, cùng với đó là việc yêu cầu HĐQT tuân thủ Điều lệ, pháp luật hiện hành.
Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/nut-that-cua-eximbank-97309.html