Nút thắt khó lường tại Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2
Gần 3 tháng sau khi hoàn thành lựa chọn được nhà thầu, Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thể khởi động trong sự lo lắng của chủ đầu tư.
Hai nút thắt
Sốt ruột là điều có thể nhận thấy trong công văn vừa được Ban Quản lý các dự án đường thủy gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc tháo gỡ khó khăn để thực hiện Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cần phải nói thêm rằng, đây là dự án có quy mô không lớn (1.258 tỷ đồng), yêu cầu kỹ thuật cũng không quá phức tạp, nhưng công trình đường bộ này đang có nguy cơ vỡ tiến độ ngay từ bước xuất phát.
Theo ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, có ít nhất 2 rào cản lớn đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công trình này.
Cụ thể, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã hoàn thành bàn giao cọc giải phóng mặt bằng tại thực địa, hồ sơ pháp lý liên quan cho tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 23/9, các chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng tại các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Tường chưa hoàn thành công tác lập và phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính của mình quản lý, chưa hoàn thành công tác trích đo hồ sơ địa chính để trình Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc thẩm định, làm cơ sở kiểm đếm, lập phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Điều này có nghĩa là, Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì hiện chưa có một mét mặt bằng nào để có thể triển khai thi công trên thực địa.
Bên cạnh đó, dù Bộ GTVT và chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị, nhưng đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (mới chỉ dự kiến nguồn), chưa giao kế hoạch vốn năm 2024 cho Dự án, nên chủ đầu tư không đủ cơ sở để triển khai Dự án, do việc thực hiện cần phải đồng bộ trên mặt cắt ngang quy mô tuyến đường (bao gồm cả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng), đồng nghĩa với việc phải sử dụng cả hai nguồn vốn (nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc) cùng thời điểm.
“Đây là lý do của việc dù chủ đầu tư đã lựa chọn được nhà thầu thi công từ ngày 5/7/2024, nhưng đến nay chưa thể khởi công Dự án”, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết.
Vướng vì “đặc biệt”
Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì khá đặc biệt, bởi đây là một trong rất ít công trình đường bộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hỗn hợp giữa vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT và vốn ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, chính sự “đặc biệt” này khiến công tác triển khai Dự án đang gặp nhiều lúng túng.
Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, Vĩnh Yên - Việt Trì
Điểm đầu khoảng Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km49+768,27), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 11,06 km. Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III đồng bằng, 4 - 6 làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Trước đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án, đồng thời để phù hợp với quy hoạch của địa phương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương hợp nguồn vốn để thực hiện Dự án, đồng thời đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang nền đường từ 18 - 22 m lên 18 - 26 m.
Đề xuất này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc sau đó được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành trung ương và cam kết của tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép lồng ghép nguồn vốn để thực hiện Dự án.
Đây cũng là cơ sở để Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 548/QĐ-BGTVT ngày 9/5/2023 với quy mô nền đường rộng 18 - 26 m, tổng mức đầu tư 1.258,18 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT là 799,74 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 458,44 tỷ đồng).
Ông Dương Thanh Hưng cho biết, theo chủ trương đầu tư được duyệt, Dự án chỉ còn khoảng 15 tháng nữa là hết thời gian thực hiện. Tuy nhiên, với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, dự kiến công trình khó có thể khởi công trong năm 2024.
“Điều này sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc tiếp theo, như chủ đầu tư không thể hoàn thành nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn đầu tư công kế hoạch 2024 được Bộ GTVT giao, Dự án sẽ chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư theo mục tiêu ban đầu”, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy lo lắng.