'Nút thắt' visa đã được gỡ, cơ hội cho ngành du lịch hút khách quốc tế
Quốc hội vừa đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Quyết định này đã mở ra nhiều cơ hội để ngành du lịch thu hút khách quốc tế vào Việt Nam, tăng khả năng lưu trú và chi tiêu của du khách.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đồng thời nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Ngay khi Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn visa điện tử, những người làm du lịch đã bày tỏ niềm vui trước thời cơ mới cho du lịch Việt Nam hút khách quốc tế.
Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, chính sách visa điện tử được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, cùng với thời hạn tạm trú tại cửa khẩu được nâng từ 15 đến 45 ngày là điều kiện tốt để khách quốc tế du lịch Việt Nam nhiều hơn và lâu hơn. Đây là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan.
Trong khi đó, Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, chính sách visa mới được Quốc hội thông qua hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn tới Việt Nam, và kéo dài thời gian lưu trú của du khách lâu hơn, chi tiêu cũng lớn hơn.
“Khi thủ tục đơn giản sẽ hấp dẫn người nước ngoài đến Việt Nam hơn khi không phải thực hiện những khâu làm thủ tục, đề nghị cấp thị thực khá rườm rà. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó. Việc khơi thông điểm nghẽn visa sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023” - PGS.TS Phạm Hồng Long phân tích.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch thường xuyên đón khách quốc tế, Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà bày tỏ, việc thay đổi chính sách visa đã được các doanh nghiệp đợi chờ từ lâu, bởi đây là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn, khai thác thị trường chi tiêu cao.
Trong khi đó Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt Phạm Phương Anh cho rằng, chính sách thị thực nhập cảnh mới sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ 5 - 25% mỗi năm.
Nhận định về cơ hội vực dậy ngành hàng không và hệ thống lưu trú sau khi Quốc hội phê chuẩn kéo dài thời hạn visa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nêu rõ, việc kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế cũng giúp du lịch Việt Nam thu hút khách có mức chi tiêu cao, từ đó du lịch Việt Nam thay đổi cả về lượng và chất.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới để giữ chân du khách
Chính sách visa mới được xem là cánh cửa mở rộng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên để giữ chân du khách đòi hỏi doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm mới.
Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, để đáp ứng được nhu cầu của du khách khi lưu trú dài ngày, doanh nghiệp cần xây dựng được những sản phẩm mới có tính trải nghiệm cao, trong đó chú trọng các tour du lịch xanh, du lịch bền vững, du thuyền hạng sang.
“Hiện Hanoitourist đã lên kế hoạch xây dựng các gói tour dài ngày cho du khách. Cụ thể, nếu như trước đây khách ở thị trường xa như châu Âu, Australia, Mỹ, thời gian tour khoảng 9 - 10 ngày, nhưng bây giờ kéo dài lên đến gần 20 ngày" - ông Lê Hồng Thái cho hay.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam TravelMart Cao Trí Dũng chia sẻ, để hút khách quốc tế, doanh nghiệp đang đưa ra những sản phẩm du lịch dài ngày trải nghiệm kết hợp với nghỉ dưỡng tại các bãi biển. Bên cạnh đó kết hợp với các đối tác tại Huế - Quảng Nam tổ chức tour trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Việt, Chăm tại cố đô Huế và Quảng Nam.
Tương tự, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên thông tin, đơn vị đang tập trung thu hút dòng khách doanh nhân tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh kết hợp du lịch thông qua việc tổ chức tour liên tuyến Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, với các hãng hàng không, đây là cơ hội để nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển đường bay mới từ các thị trường trên thế giới.
"Chính sách visa mới sẽ kích thích phân khúc khách lưu trú, du lịch dài ngày. Riêng với nhóm khách chuộng đi du lịch xuyên 3 nước Đông Dương, Việt Nam có lợi thế nhiều điểm đến, đường bay quốc tế nên có thể thu hút khách ở lâu hơn” - ông Thắng phân tích.
Đề xuất các giải pháp để việc đón khách quốc tế hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (Vita) Vũ Thế Bình hiến kế, ngay từ lúc này, các đại sứ quán Việt Nam cùng các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược truyền thông quảng bá, thông báo với đối tác về chính sách visa mới. Đồng thời từ đó có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách.
Với những chính sách mới về xuất nhập cảnh, visa thuận lợi, ngành du lịch đang có cơ hội tốt để bứt phá, không chỉ trong giai đoạn phục hồi hiện nay, còn là lực đẩy để doanh nghiệp phát triển ổn định, từ đó tạo sức lan tỏa cho toàn ngành du lịch phát triển bền vững trong thời gian tới.