Nút thắt vốn, gỡ từ đâu?
Khi doanh nghiệp (DN) lớn 'no đủ' vốn, thì DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chật vật tiếp cận tín dụng. Còn khi DN lớn khát vốn, thì khối DNNVV trở thành 'vùng trũng' về thiếu hụt vốn. Tuy nhiên, gỡ nút thắt này không hề dễ.
Doanh nghiệp khó tứ bề
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với DNNVV rất khó, thủ tục rườm rà, thời gian phê duyệt khoản vay khá dài. Với một khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xem xét phê duyệt thường mất 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn mất 3-6 tháng.
Bởi vậy, DN đề nghị giải pháp áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, gắn KPI, để giảm thời gian. Mặt khác, khi DN gồng mình trong khó khăn, chỉ số tài chính không đẹp như trước, đề nghị ngân hàng không phải hạ chuẩn tín dụng, nhưng có thể điều chỉnh linh động trong chỉ tiêu đánh giá tài chính thời điểm khó khăn này. Ông Sơn còn đề nghị, việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố khiến DN khó khăn hơn, nhất là DN sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội đề xuất: “Các ngân hàng cố gắng tạo điều kiện cho các DNNVV có thể tiếp cận vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, không phân biệt đối xử, giảm bớt tiêu chuẩn, tiêu chí để DNNVV tiếp cận vốn. Ngoài ra, hãy đồng hành cùng DN, để hiểu DN, nếu DN có phương án kinh doanh khả thi, có các điều kiện sản xuất kinh doanh tốt thì hãy cho vay tín chấp, đừng quá đòi hỏi tài sản bảo đảm”.
Nêu ý kiến từ phía DN, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Nagakawa cho biết, là một DN tư nhân đa ngành, chi phí tài chính của công ty chiếm 3-4%, trong đó tới 70% là chi phí vốn vay. Với đòn bẩy tài chính lớn như thế này, thời gian qua, chỉ tiêu tín dụng đang là vấn đề, vì vào thời điểm cuối năm, tốc độ giải ngân chậm khiến cho DN khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao, chưa kể tài sản đảm bảo gây khó cho DN, đề nghị ngành ngân hàng cần giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay.
Cũng cho rằng chỉ tiêu tín dụng đang “làm khó” dòng vốn, ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc CTCP cơ khí Đông Anh cho rằng, hạn chế room tín dụng đã gây trở ngại cho điều tiết dòng tiền của DN, và đề nghị ngân hàng đừng gây khó cho DN. Ngoài ra, DN này đề nghị kéo dài hơn thời gian hỗ trợ gói lãi suất 2%, đồng thời phía NH cần xây dựng các quy định về hồ sơ, thủ tục rõ ràng hơn, vì DN ngại truy thu và hậu kiểm. Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép cho biết, trong 20 năm hoạt động, DN có quan hệ tín dụng nghiêm túc, giữ uy tín, trả nợ đầy đủ, được ngân hàng đánh giá loại A.
Tuy nhiên, năm 2023, tất cả các DN đều khó, thép càng khó hơn, bên cạnh thị trường còn có đặc thù về pháp lý của ngành xây dựng. Bởi vậy, DN mong muốn có các gói lãi suất ưu đãi, vì dù đã giảm sâu nhưng vẫn khó khăn, nên mong được ưu tiên hơn nữa về lãi suất. Ngoài ra, một số DN bày tỏ lo lắng về tỷ giá biến động trong thời gian qua, nhất là những DN nhập khẩu lớn. Bên cạnh đó, việc tái cấp hạn mức luôn bị kéo dài thời gian, và thêm rắc rối về tài sản đảm bảo, bởi vậy, DN yêu cầu ngân hàng linh động, rõ ràng hơn trong thẩm định hồ sơ vì đã có quan hệ lâu dài và hiểu biết với nhau. “Ngoài việc cấp tín dụng thường xuyên, cần phải linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để DN có thể tiếp cận vốn trong từng dự án”, DN này đề xuất.
Ngân hàng cam kết đồng hành
Là nơi trực tiếp thẩm định hồ sơ và cấp tín dụng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà cộng đồng DN nói chung và khối DNNVV nói riêng đang gặp phải khi tiếp cận tín dụng. Để hỗ trợ cho DN, lãnh đạo Vietcombank cam kết, từ nay tới cuối năm, ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với DN.
“Chúng tôi sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu”, ông Tùng nói. Tuy nhiên, ông Tùng cũng chia sẻ thực tế, có những DN đến vay vốn ngân hàng, bị ngân hàng từ chối do phương án kinh doanh không tốt, tài chính không minh bạch, đã quay lại cảm ơn ngân hàng vì đã “không cho họ vay vốn, vì nếu cho vay, rủi ro cao không chỉ cho ngân hàng, mà còn rủi ro cho chính DN”.
“Như vậy, các DN đang đối mặt với khó khăn nội tại. Điều này cho thấy rõ ràng quy trình thẩm định của ngân hàng rất quan trọng. Hiện ngân hàng đang thừa tiền, cũng đang đau đầu tìm mọi cách đẩy vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, ngay chính bản thân DN cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng, để 2 bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển. Vietcombank luôn cố gắng cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, áp dụng ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng, khởi tạo khoản vay, phê duyệt khoản vay, rút ngắn thời gian thẩm định...”, ông Tùng nói.
Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thời gian tới, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngân hàng tiếp tục thực hiện tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.
Song song với đó là thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nut-that-von-go-tu-dau--i708192/