Nút thắt xây dựng nông thôn mới ở Tiên Yên

Người nông dân giàu, nghèo nhìn vào cây lúa. Cây lúa phải nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Lúa thiếu nước, năng suất thấp, người nông dân không thể làm giàu trên đất ruộng, thì hô hào xây dựng nông thôn mới cũng bằng không.

Hệ thống kênh mương nội đồng do Xí nghiệp Thủy nông, doanh nghiệp công ích của tỉnh quản lý.

Theo lời một lão nông ở xã Hải Lạng, vựa lúa lớn nhất của huyện Tiên Yên phàn nàn. Không nề hà dặm đường khuất nẻo ở huyện bán sơn địa vùng Đông Bắc bộ này, chúng tôi thực mục công trình thủy nông ở đây, thấy rằng có nhiều bất cập, giữa người cung cấp nước và người sử dụng nước cấy lúa.

Tiên Yên, thuộc diện huyện miền núi ven biển, rừng và bãi triều nhiều hơn ruộng. Huyện có 11 xã, 1 thị trấn, diện tích đất tự nhiên 617,1km2, chỉ 3 xã: Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải là nhiều đồng ruộng. Người nông dân ở đây, sống chủ yếu nhờ vào cây lúa, năm 2 vụ chiêm mùa.

Một hệ thống thủy nông đã có từ lâu và một đơn vị quản lý kênh mương, hồ đập có từ thời bao cấp (Xí nghiệp Thủy nông Tiên Yên). Hê thống thủy lợi gồm: 2 hồ chứa nước (Hồ Khe Táu, trữ lượng 1,7 triệu m3 nước, ở xã Đông Ngũ; hồ Hải Yên 0,55 triệu m3 nước, ở xã Hải Lạng); 11 đập dâng (đập Làng Đài, đập Hà Thanh, đập Hà Tràng, đập Đông Phong, đập Tổng Noi, đập Đông Sơn xã Đông Hải; đập Khe Cát xã Hải Lạng) và 18,3km kênh chính (2,3km kênh Khe Táu, 2,51km kênh Xi Hý xã Đông Ngũ; 2,123km kênh T1 Hà Thanh, 1,334km kênh Làng Đài, 3,215km kênh T2 Hà Thanh xã Đông Hải; 1,0km kênh Khe Cát, 1,7km kênh hồ Hải Yên xã Hải Lạng). Diện tích tưới hàng năm là 818ha (diện tích tưới theo hợp đồng hàng năm tại 3 xã Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải).

Kênh mương xây dựng từ thời bao cấp.

Nguồn khơi thủy, hệ thống thủy nông nội đồng điểm mặt, chỉ tên khá hùng hậu, nhưng kém tác dụng, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ nước tưới mùa màng. Cụ thể, đập dâng, kênh tưới hư hỏng từ nhiều năm nay không được đầu tư sửa chữa, nước rò rỉ thất thoát ra ngoài, không vào đồng ruộng; tại xã Hải Lạng, đập Khe Cát, cống lấy nước tại thân đập không có thiết bị máy đóng mở (nước chảy tràn tự do), sân tiêu năng bị xói lở 2/3 chiều dài đập thành hố sâu, đáy đập rò nước nhiều, không đủ nước phục vụ sản xuất; kênh Khe Cát có chiều dài kênh 1,0km, công trình xuống cấp không đảm bảo tưới cho trên 250ha, diện tích của 5 thôn, trong các năm 2007, 2009, tỉnh và huyện đã thực hiện đầu tư xây kiên cố xong đoạn kênh xung yếu, nhưng thiếu nước đầu nguồn đến; kênh hồ Hải Yên, chiều dài kênh 1,7km, kênh xuống cấp rò nước lớn, thất thoát nguồn không đáp ứng được nhu cầu cấp nước phục vụ cho trên 40ha, diện tích cấy lúa của 2 thôn. Xã Đông Ngũ có kênh T2 Khe Táu tổng chiều dài 4.092m, có 1.849m kênh đất hư hỏng nặng từ nhiều năm qua, không được sửa chữa, không đáp ứng yêu cầu nước tưới.

Kênh mương hư hỏng không được sửa chữa kịp thời.

Hệ thống thủy nông ở huyện Tiên Yên không phát huy được tác dụng, bởi do cơ chế quản lý chậm thay đổi. Huyện chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp cầm vò nước tưới. Người cầm kèn, người thổi đã bất hợp lý, phiền nhất là công trình thủy nông trên địa bàn huyện, nhưng tài sản lại thuộc doanh nghiệp quản lý, hư hỏng không được sửa chữa kịp thời. Mà doanh nghiệp lại “nửa mùa”, không được mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường, sản xuất mà không hạch toán lỗ lãi, không tái sản xuất mở rộng. Xí nghiệp Thủy nông Tiên Yên không kinh doanh, hoạt động công ích, quản lý hồ đập, kênh mương, điều hòa nguồn nước cho địa phương.

Nhiều nơi đầu nguồn thừa nước, cuối nguồn thiếu nước.

Mỗi năm xí nghiệp được tỉnh cấp 1 tỷ đồng, tiền cấp bù thủy lợi phí, nuôi bộ máy 11 người. Hồ đập, kênh mương hư hỏng phải “đắp chiếu” chờ dự án đầu tư. Để có một dự án chi tiền ngân sách, biết bao thủ tục hành chính, mà cây lúa chỉ có thời vụ, thậm chí xuống giống đón vụ từng ngày. Xí nghiệp Thủy nông Tiên Yên có trách nhiệm, cũng chỉ hối thúc nhân viên phát cây, dọn cỏ kênh mương, nạo vét khơi thông dòng chảy.

Một phép tính so sánh cho thấy, những hạng mục thủy lợi do huyện quản lý phát huy hiệu quả tốt, như đập Khe Cát xã Hải Lạng, hỏng đâu sửa đấy; đập Chặng Bé, Kênh T2 Khe Táu, xã Đông Ngũ; kênh Khe Cát xã Hải Lạng giao cho địa phương còn huy động sức dân, theo phương châm xã hội hóa nâng cấp công trình. “ Đồng tiền liền với khúc ruột”, dân bỏ tiền ra xây lắp, nâng niu giữ gìn công trình hơn.

Hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ huyện Tiên Yên cho thấy, mô hình doanh nghiệp nhà nước quản lý công trình thủy lợi nội đồng còn nhiều bất cập, sự bao cấp nửa vời hạn chế nội lực phát triển kinh tế. Cho dù đủ các tiêu chí, nhưng chĩnh gạo không đầy, thì chính đây là nút thắt chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ thực tế này, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương bàn giao mô hình quản lý thủy nông cho địa phương, bước đầu là phù hợp và phát huy được hiệu quả.

Vũ Phong cầm

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nut-that-xay-dung-nong-thon-moi-o-tien-yen.html