NXB Axel Springer cho rằng các nhà báo có thể bị AI thay thế
Đơn vị này, trong khi rục rịch cắt giảm nhân sự, cho rằng các công cụ AI sẽ tạo ra cách mạng thông tin và sẽ sớm làm tốt việc tổng hợp thông tin.
Theo The Guardian, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông Đức Axel Springer thông báo rằng các nhà báo có nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo như ChatGPT thay thế.
Thông báo này được đưa ra khi đơn vị này tìm cách tăng doanh thu của các tờ báo dưới trướng như Bild hay Die Welt, đồng thời chuyển đổi trở thành một công ty truyền thông kỹ thuật số thuần túy. Theo đó, cắt giảm nhân sự chắc chắn sẽ diễn ra, khi mà tự động hóa và ứng dụng AI ngày càng nhiều, những công việc hỗ trợ sản xuất báo chí trở nên dư thừa.
Trong một bức thư gửi nội bộ nhân viên, Giám đốc điều hành Mathias Doepfner viết: "Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng đưa báo chí tư nhân trở lên đỉnh cao mới - hoặc đơn giản là thay thế nó luôn".
Theo Doepfner, các công cụ AI như ChatGPT hứa hẹn một "cuộc cách mạng" về thông tin và sẽ sớm có thể tổng hợp thông tin tốt hơn các nhà báo hiện nay.
Doepfner nói: “Hiểu được sự thay đổi này là cần thiết để của một nhà xuất bản có khả năng tồn tại trong tương lai. Chỉ những người sáng tạo nội dung tốt nhất mới trụ lại được".
Đại diện Axel Springer không nói rõ có bao nhiêu nhân viên có thể bị cắt giảm, nhưng hứa rằng sẽ không cắt giảm “phóng viên, tác giả hoặc biên tập viên chuyên nghiệp”.
Trong bức thư, Doepfner cho biết các phương tiện truyền thông sẽ tập trung vào báo chí điều tra và lấy bình luận gốc, trong khi việc xác định “động cơ thực sự” đằng sau các sự kiện vẫn là công việc của các nhà báo.
Axel Springer không phải đơn vị xuất bản tin đầu tiên thử nghiệm ứng dụng AI trong quá trình tạo nội dung. Hồi tháng 1, Buzzfeed đã thông báo kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo để "nâng cao" nội dung.
Kể từ thời điểm ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT đã thu hút được hơn 100 triệu người dùng và thúc đẩy những tranh luận dự đoán về việc liệu một số công việc có thể trở thành dư thừa hay không.
Chương trình có thể tạo ra các văn bản rất phức tạp từ câu hỏi đơn giản của người dùng, từ các bài tiểu luận và đơn xin việc, đến thơ và tác phẩm hư cấu.
Người ta vẫn đặt ra câu hỏi về độ chính xác của nội dung do công cụ này tạo ra. Các học giả Australia đã phát hiện ra các trường hợp ngụy tạo nguồn tham khảo và trích dẫn giả mạo.
Việc sử dụng AI trong báo chí cũng gây tranh cãi.
Trang web công nghệ CNET được cho là đang sử dụng một công cụ AI để tạo các bài báo mà sau đó được các biên tập viên con người đọc lại để đảm bảo độ chính xác trước khi đăng tải.
Hồi tháng 1, đại diện trang web này đã thừa nhận rằng chương trình còn một số hạn chế, sau khi một báo cáo từ trang tin tức công nghệ Futurism tiết lộ hơn một nửa số bài viết của AI mắc lỗi.