Ồ ạt rút BHXH một lần: Ai lắng nghe bức xúc của người lao động?
Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đề nghị phải giảm tuổi hưu, cách tính lương hưu phải gần đến mức như cầu tối thiểu, mọi người được thụ hưởng công bằng theo thời gian, mức đóng góp.
Đề tài "Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" trên Báo NLĐO trong tuần qua tiếp tục nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc Báo Người Lao Động. Xuyên suốt hàng chục bài viết về chủ đề này trên Báo NLĐO, nhiều ý kiến cho rằng cả những tồn tại, bất hợp lý của chính sách lương hưu, tuổi nghỉ hưu, tỉ lệ hưởng lương hưu, cách tính lương bình quân của cả quá trình tham gia... bạn đọc cũng là người lao động và các chuyên gia đã chỉ ra đầy đủ và rõ ràng. Rất mong các nhà quản lý cụ thể là ông Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH và các vị đại biểu Quốc hội dũng cảm nhìn vào sự thật này để sửa Luật BHXH nhằm khắc phụ triệt để các vấn đề đã nêu, lấy lại niềm tin cho người lao động để thực hiện một chính sách an sinh xã hội rất ưu việt của nhà nước ta.
Bạn đọc Trần Bình góp ý: "Rất cảm ơn chuyên mục này của Báo Người lao động, để những người lao động nói lên chính kiến của mình vì sao ồ ạt rút BHXH. Thực ra trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, giảm quyền lợi thụ hưởng khi nghỉ hưu khi thay đổi cách tính, cơ quan soạn thảo chưa nhìn vào thực trạng của người lao động tại các doanh nghiệp để tăng tuổi nghỉ hưu, áp đặt ý chí cá nhân môi trường làm việc của mình để tăng tuổi nghỉ hưu. Ví dụ một người làm việc trong phòng lạnh với một người làm việc tại công trường xí nghiệp điều kiện lao động hoàn toàn khác nhau, làm việc văn phòng điều kiện lao động, thu nhập ổn định còn có thể làm đến 62 với nam, 60 với nữ hoặc thêm hơn 5,10 năm nữa, nhưng thực sự ở công trường xí nghiệp lao động vất vả không thể làm quá 55 tuổi được đâu. Chưa kể hiện nay việc tự cho các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương để tham gia bảo hiểm xã hội, không có kiểm tra giám sát dẫn đến việc lách luật đóng BHXH cho người lao động cực thấp, làm nhiều năm cũng không có điều chỉnh tiền lương, thì kể cả có nhiều năm tham gia BHXH nhưng lương hưu cũng chẳng được bao nhiêu, nhiều người thấy thấp và tính đến số năm dài để đủ điều kiện hưởng lương hưu đành thanh toán một lần giải quyết trước mắt". Cũng theo bạn đọc này, một thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp nợ không đóng BHXH cho người lao động, dẫn đến khi khó khăn về công việc, tài chính, họ không chốt sổ để hưởng trợ cấp thất nghiệp được, thay vì chế tài với người sử dụng lao động, cơ quan BHXH lại không giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong khi hàng tháng họ đóng đủ tiền BHXH cho doanh nghiệp gây mất lòng tin đành thanh toán số năm đã đóng bảo hiểm cho xong.
Bạn đọc Võ Thanh bày tỏ: "Hiện nay theo quy định lao động nữ đóng đủ 15 năm và nam là 20 năm thì khi tới tuổi hưu sẽ lãnh 45% mức lương đóng, mỗi năm tăng thêm sẽ cộng 2% và tối đa là 75% lương. Tôi xin đề xuất chính sách mới như sau: Mức lãnh lương hưu là mức lương trung bình trong 10 năm gần nhất và không phân biệt công lập hay tư nhân. Lao động cả nam và nữ đóng đủ 15 năm được quyền lựa chọn tiếp tục đóng hoặc lãnh lương hưu. Mức lãnh là 45% lương đóng và nếu tại thời điểm lãnh mà mức lãnh dưới lương tối thiểu vùng thì áp dụng mức tối thiểu vùng. Nếu người lao động chọn tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng tăng thêm sẽ được cộng thêm 1% và tối đa 100% lương đóng. Lương hưu sẽ được tính như một phần thu nhập và sẽ bị đánh thuế nếu tổng thu nhập trong năm bao gồm lương hưu thu nhập khác ở mức phải chịu thuế TNCN. Nếu người đang hoặc chưa lãnh lương hưu chết thì người hôn phối vợ/chồng hoặc cha mẹ ruột/nuôi sẽ được lãnh phần đó với tổng 80% mức lương hưu. Nếu người lãnh lương hưu không còn cha, mẹ, người hôn phối nhưng phải nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi thì con nhỏ sẽ được lãnh và tổng mức lãnh là 100% lương hưu của người đó cho tới khi tới đủ 18 tuổi. Người thụ hưởng mức lương hưu sẽ có nghĩa vụ đóng thuế TNCN nếu mức lãnh trên mức chịu thuế".
Bạn đọc Kim Thương cũng bày tỏ đồng tình với tiêu đề bài viết của Báo Người Lao Động cũng nhưu ý kiến bạn đọc tham gia diễn dàn. Hiện nay quỹ BHXH do NLĐ đóng là 10,5% và DN nộp 21,5% góp vào, tổng cộng là 32% quỹ lương. đây là 2 nguồn thu chính, ngoài ra nguồn thu từ việc đầu tư sinh lời, thu từ các nguồn thu hợp pháp khác, nguồn thu từ ngân sách trường hợp quỹ bị vỡ nhà nước bảo hộ. Chính sách BHXH là người còn sức lao động thì nuôi người thất nghiệp, người về hưu, nếu tăng quỹ BHXH thì chỉ có việc tăng lương NLĐ chứ không thể tăng tỉ lệ % NLĐ và DN đóng góp vì quá sức NLĐ và doanh nghiệp. Vậy để quỹ BHXH không bị mất cân đối thì việc của những người quản lý quỹ phải thu đủ BHXH tại các doanh nghiệp, xử lý tới nơi tới trốn DN nợ đóng BHXH; những ai quản lý quỹ phải sử dụng đúng mục đích chi cho trợ cấp thất nghiệp và chi lương hưu, chi cho bệnh tật ốm đau cho những người lao động có đóng góp tham gia...; giảm ngay đội ngũ quản lý quỹ hiện nay quá cồng kềnh, giảm cơ quan quản lý cấp trung gian, quyết liệt phòng chống tham ô lãng phí tiêu không để thất thoát quỹ BHXH. BHXH phải thực hiện các nội dung: giảm tuổi hưu, cách tính lương hưu phải gần đến mức như cầu tối thiểu, mọi người được thụ hưởng công bằng theo thời gian, mức đóng góp,… và phải làm đồng bộ tất cả các giải pháp, BHXH phải đặt lợi ích tối đa cho người thụ hưởng.
Một bạn đọc giấu tên cho rằng việc hạ số năm đóng xuống 15 hay 10 hay 5 năm đi chăng nữa thì người ta vẫn đi rút. Bởi lẽ cái mà NLĐ cần và quan tâm không phải số năm đóng là bao nhiêu. Lý do tại sao mà NLĐ đi rút thì cũng đã chỉ ra, phân tích nhiều, quá rõ ràng rồi. "Rất mong BHXH trả lời thẳng vào vấn đề mà NLĐ nêu. Theo tôi, việc giảm số năm đóng còn 15 năm không giải quyết được vấn đề gì cả, rồi cái vòng luẩn quẩn như cũ cũng sẽ tái diễn có khi còn nhiều hơn, không biết BHXH có lường trước tình trạng này" - bạn đọc này viết.
Một bạn đọc khác góp ý: Nên nghiên cứu 1.Quy định cứng đóng BHXH tối thiểu 20 năm thì được nhận lương hưu. 2. Số năm lĩnh lương hưu bằng số năm đóng BHXH. 3. Hệ số lương hưu bằng hệ số lương thời điểm nghỉ hưu và lương hưu tối thiểu cũng phải bằng lương tối thiểu vùng mà người nghỉ hưu sinh sống. 4. Người đóng đủ 20 năm BHXH có quyền lựa chọn thời điểm số tuổi để lĩnh lương hưu, không qui định số tuổi cứng là 60, 62 và không bị trừ % khi chưa đủ 60, 62 tuổi, đóng bây nhiêu hưởng bây nhiêu. Như vậy sẽ khuyến khích người lao động đóng BHXH.
Tiền của người lao động tạo ra thì hãy để cho họ tự quyết định
Bạn đọc Thanh Pham nói: "Tôi thấy ở cách dự tính xuống 15 năm là đủ thời gian đóng BHXH để hưởng hưu, nhưng lại không tính đến hạ độ tuổi đến hưu, đều này rõ ràng là làm khó thêm cho người lao động. Tôi nghĩ rằng xã hội phát triển đồng nghĩa với sự phát triển chung, kể cả dân trí, như vậy tiền của người lao động tạo ra thì hãy để cho người lao động tự quyết định. Bạn đọc có nickname Nam Sg ấm ức: Chúng ta đã phân tích đầy đủ nhưng người cần nghe không muốn nghe thì cũng chịu. Tương tự, một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Nhờ ông Bộ trưởng bộ Lao động, thương Binh và Xã hội trả lời câu hỏi này. Bạn đọc tên Liêm kỳ vọng Quốc hội sẽ ghi nhận những bất cập của luật BHXH hiện hành và những nỗi lòng, những trăn trở về cuộc sống của đại đa số người lao động nhằm điều chỉnh, sửa đổi Luật BHXH càng sớm càng tốt.