Ồ ạt rút BHXH một lần: Có nên áp đặt tuổi nghỉ hưu?

Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, nên trả lại tuổi nghỉ hưu như trước đây, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Bộ LĐ-TB-XH cũng nên tính toán thật kỹ các nhóm chính sách để làm sao người lao động có thể sống bằng lương hưu.

Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã mở diễn đàn "Ồ ạt rút BHXH một lần" và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Báo NLĐ nêu lên vấn đề quá hay và đúng tâm tư nguyện vọng NLĐ. Chính sách BHXH quá nhiều bất cập, cụ thể như trừ tỉ lệ 2% nếu nghỉ hưu sớm dù có đóng trên 30-35 năm..., tính lương hưu trung bình toàn thời gian đóng trong khi trượt giá hàng năm rất cao. Mỗi lần thay đổi chính sách BHXH thì chỉ làm thiệt thòi cho NLĐ ngoài nhà nước nhiều hơn...". Tương tự, một bạn đọc tên Minh cho rằng, hầu hết những ý kiến của bạn đọc rất chính xác và hợp lý. Bạn đọc Lê Văn Quang nhận xét: "Báo NLĐ phản ảnh nội dung này rất thiết thực, người lao động quá cực khổ từ công việc, từ chủ doanh nghiệp, bây giờ bị áp đặt đến tuổi hưu". Lê Lưu phân tích thêm: "Từ 2016 đến 2022, tăng số năm để được 45% lương hưu là quá bất cập. Trong thời gian đó khi đóng BHXH thì người lao động quá thiệt, vì có tham gia nhưng không tăng được % nào. Sau này không biết luật sẽ thay đổi như thế nào nữa. Do vậy người tham gia bhxh không mặn mà với BHXH".

Bạn đọc tên Hùng góp ý" Tôi tham gia BHXH từ 1995 với mức lương 120 USD = 1,2 triệu đồng mua được 2,5 chỉ vàng đến nay đã hơn 27 năm , dự kiến đến 2028 mới đủ 62 tuổi. Cách tính lương hưu là thu nhập cộng dồn quả thật vô cùng thiệt thòi vì 1,2 triệu đồng giờ không nghĩ đến chuyện mua vàng . Đề nghị tính cộng dồn thu nhập 10 năm cuối". Một bạn đọc tên Tường bày tỏ: "Hệ số trượt giá mà BHXH áp dụng để tính lương hưu quá thấp, không phù hợp. Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xem lại bảng hệ số trượt giá này".

Góp ý hoàn thiện luật, bạn đọc Mai Anh đề nghị: "1. NLĐ đóng đủ năm 25 hay 30 năm là cấp sổ và Tuổi nghỉ hưu là 55 và 60. 2 - Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng bao nhiêu năm hưởng bấy nhiêu năm. 3 - Tiền lương tính bình quân 5 năm cuối. 4 Chính sách là phải công bằng". Tương tự, bạn đọc tên Quang đề xuất: "Cứ trở về như trước là ổn. Nam 60, nữ 55 về hưu. Tỉ lệ 15 năm 45%, cứ mỗi năm đóng thêm được cộng 2% như trước là xong, ngắn gọn dễ hiểu, NLĐ vui vẻ!". Bạn đọc tên Vinh bày tỏ: "Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có nhiều lý do để đào thải những lao động trên 45 tuổi. Trên 45 tuổi đi xin việc rất khó, vậy họ làm gì để sống đến 62 tuổi để có lương hưu. Từ 45 tuổi họ phải chờ 12 năm để nghỉ hưu". Theo bạn đọc Trần Quyên, nhà nước cần có chính sách mở khi quy định tuổi nghỉ hưu, giữa những lao động gián tiếp và người lao động trực tiếp không thể cào bằng tuồi nghỉ hưu, chỉ nên quy định tuổi nghỉ hưu trong 1 khung thời gian mở như nam trong độ tuổi từ 55 60 tuổi, nữ từ 50-55 tuổi là có thể được nghỉ hưu, người lao động cảm thấy sức khỏe còn tốt thì có thể làm việc cống hiến đến tuổi tối đa. Việc trừ 2% lương hưu khi thiếu tuổi là quá nặng. Có những trường hợp đủ năm đóng BHXH sức khỏe yếu muốn về hưu nhưng tuổi còn thiếu bị trừ 2% mỗi năm là quá ép người lao động. Chính điều này khiến nhiều người lao động muốn rút BHXH 1 lần".

Theo nhiều bạn đọc, tính tuổi hưu theo giới tính, nữ 55, nam 60 là có cơ sở khoa học. Chúng ta không nên tùy tiện tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giảm chi, làm như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động. Số tiền đóng nhiều hơn nhưng số năm hưởng là rất ít. Một bạn đọc giấu tên nói: "Lao động ngoài nhà nước đến 40, 45 tuổi bị cắt giảm cho nghỉ với lý do mất đối tác, mất khách hàng nên dừng sản xuất buộc phải cắt giảm lao động. Vậy số lao động 40, 45 bị cho nghỉ kia sẽ làm việc gì để có thu nhập để đóng BHXH tiếp cho tới 60, 62 tuổi ai bảo đảm công việc, điều kiện làm việc cho họ đến 60, 62 hay họ tự đi tìm việc hoặc thất nghiệp làm nghề tự do mà sống. Trong khi công nhân viên chức nhà nước thì có chuyển đi, chuyển lại cũng được bảo đảm việc làm đến 60, 62 tuổi, trừ khi bị bệnh mất sức lao động, vi phạm bị kỷ luật buộc thôi việc. Vậy việc quy định chung độ tuổi nghỉ hưu cho toàn bộ người lao động trong và ngoài nhà nước là 60 đối với nữ, 62 đối với nam có công bằng, có bình đẳng không. Một người ngồi ghế nệm làm việc trong phòng máy lạnh, một người ngồi cứng thậm chí là đứng để làm việc trong nhà tôn nóng bức với quạt công nghiệp....điều kiện làm việc khác nhau thấy rõ sao lại cào bằng tuổi nghỉ hưu là như nhau".

Luật phải từ thực tiễn cuộc sống

"Nguyên tắc BHXH là đóng, hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Luật chỉ qui định đóng BHXH đủ 10 năm hoặc 15 năm được hưởng lương hưu 3035%. Không nên qui định tuổi và trừ % khi nghỉ hưu. Đóng 30-35 năm hưởng lương hưu 75%, trên 40 năm hưởng 100%. Qui định tuổi hưu là bất hợp lý, vì người ta đóng BHXH trên 40 năm nhưng nghỉ hưu trước 2 năm bị trừ 4%. Số tiền đóng dư được lĩnh 1/2 tháng lương nhưng bị trừ 2% là quá thiệt thòi. Làm luật phải từ thực tiễn cuộc sống, không phải từ ý chí một nhóm người thì luật không đi vào cuộc sống. Quy định 15 năm nghỉ hưu, 14 năm họ rút thì làm gì họ" – một bạn đọc viết.

Bài và ảnh: An Khánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/o-at-rut-bhxh-mot-lan-co-nen-ap-dat-tuoi-nghi-huu-2022071109191218.htm