Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi hưu, tăng mức hưởng
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, chính sách BHXH cần sòng phẳng với người lao động, đóng mức nào hưởng mức đó, đóng bao nhiêu năm hưởng bấy nhiêu năm.
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, số năm đóng, tỉ lệ hưởng cũng như cách tính lương hưu. Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đồng thuận với cách đặt vấn đề của chúng tôi và mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần lắng nghe bức xúc của NLĐ, từ đó nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Rất cảm ơn các Báo Người Lao Động đã cùng sát cánh trong cuộc sống và công việc của người lao động, thấu hiểu nỗi khó khăn thiếu thốn rất nhiều của người lao động. Thiết nghĩ các nhà làm chính sách hãy nhìn thẳng sự thật không nên lãng tránh những tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của hàng triệu lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, không được thắt chặt những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động đã đóng vào hệ thống bảo hiểm, khi đưa ra những rào cản như tăng tuổi nghỉ hưu và đóng bảo hiểm, tỉ lệ trừ % cao khi người lao động đóng chưa đủ, cứ như thế này người lao động chấp nhận thiệt thòi để rút bảo hiểm một lần".
Bạn đọc Thiệu Phan trình bày: "Tôi sinh năm 1964, đến nay đóng BHXH được 35 năm. Năm 2019, đủ 55 tuổi và 32 năm đóng BHXH, tôi làm hồ sơ hưu theo diện lao động nặng nhọc độc hại theo QĐ 1629/LĐTBXH và công văn số 133/CĐCS của BHXH thì BHXH thông báo CV 133 không còn được áp dụng nên tôi không được giải quyết về hưu sớm theo chế độ, nếu muốn, tôi phải ra hội đồng giám định y khoa xác định suy giảm sức khỏe 61% thì được về hưu sớm 5 năm nhưng phải chấp nhận giảm 10% tiền lương hưu. Đây là thiệt thòi thứ nhất do thay đổi điều kiện về hưu sớm. Hiện nay, tôi đã đủ 35 năm đóng BHXH nhưng quy định mới tôi phải tiếp tục làm thêm đến tháng 10-2025 mới được nhận lương hưu. Trong khoảng thời gian từ tháng 6-2022 đến tháng 10-2025, tôi phải tiếp tục đóng BHXH vì BHXH không cho chốt sổ khi còn làm việc. Thiệt thòi thứ hai là phải tăng thời gian lao động thêm 1 năm 3 tháng cho đủ 61 tuổi 3 tháng và tiếp tục đóng BHXH cho tới khi được về hưu. Nếu tôi chốt sổ thì phải nghỉ việc và trong thời gian chờ lương hưu thì làm gì để sống tới ngày lãnh lương hưu Trong thời gian tới, nếu có thay đổi nữa thì không biết tôi còn thiệt thòi thêm lần nào nữa không".
Theo nhiều bạn đọc, sửa luật nên qui định đónghưởng, đóng ít, hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Qui định mức thấp nhất là đóng 10 năm mới nghỉ hưu được hưởng tỷ lệ nhất định, chẳng hạn 35%, không nên qui định tuổi. Đóng càng nhiều hưởng càng nhiều, đóng trên 40 năm cho hưởng tối đa 100%. Qui định tuổi chỉ để người lao động đến tuổi đó phải rời khỏi thị trường lao động, không nên qui định tuổi để hưởng lương hưu mà tùy thuộc vào số năm đóng BHXH. Có người đóng BHXH trên 40 năm, nghỉ trước 1 năm trừ 2% thật là vô lý. Bạn đọc Lương Hồng Tâm góp ý: "Rất cảm ơn Quý báo đã phản ánh những yêu cầu của người lao động khi về hưu. Tôi rất đồng quan điểm với tựa đề bài báo Giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm năm đóng BHXH. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu của người lao động trực tiếp nam giới từ 55 tuổi, và nữ giới từ 52 tuổi Nhiều người yêu cầu nam 52, nữ 50...e hơi sớm; Còn lao động gián tiếp hoặc những người có trình độ cao thì có thể kéo dài hơn ....
Với bạn đọc Thùy Linh, tốt nhất làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, khi nào không làm được nữa thì nghỉ rút bảo hiểm 1 lần, còn ai muốn lãnh lương hưu thì lãnh. Bạn đọc Minh Hương bày tỏ: "Theo tôi, nên giảm tuổi nghỉ hưu, trừ 1 số lĩnh vực đặc thù, còn lại với các lao động thông thường nên để độ tuổi nghỉ hưu 5558 đối với nữ và nam là phù hợp. Thời gian đóng BHXH cũng có thể linh động từ 1530 năm tương ứng với tỷ lệ hưởng. Nếu để tuổi nghỉ hưu quá cao, một bộ phận NLĐ sẽ có khoảng thời gian chờ từ khi kết thúc đóng BHXH đến khi được nhận lương hưu là quá dài, khiến họ không thể kiên nhẫn chờ đợi, dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần, khiến thiệt thòi cho cả 2 bên, đồng thời ảnh hưởng tới gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước.
Đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Luật BHXH, bạn đọc Võ Tuấn Hải cho rằng nên sửa luật nhưng không được hạn chế quyền của NLĐ, cho phép NLĐ có quyền lựa chọn rút 1 lần hoặc bảo lưu để hưởng hưu dù họ đóng BHXH bao nhiêu năm đi nữa. Nếu muốn NLĐ ở lại với BHXH thì phải có chính sách an sinh tốt, khi NLĐ thấy được cái lợi của việc ở lại hệ thống thì chả ai rút 1 lần. "Trước mắt là giảm tuổi hưu, tăng mức hưởng, tính trung bình 5 năm cuối cho tất cả chứ không phân biệt đối xử, Bộ đội, công an nếu xuất ngũ cũng phải chờ hưu như lao động ngoài quốc doanh, không hạn chế quyền lựa chọn của NLĐ" - bạn đọc này đề xuất. Tương tự, bạn đọc tên bày tỏ: "Nếu đã đóng đủ BHXH để có lương hưu thì được lựa chọn lĩnh lương hưu theo nguyên tắc đóng bao nhiêu năm BHXH sẽ được hưởng lương hưu bấy nhiêu năm, thời điểm lĩnh lương hưu do người lao động tự quyết định". Bạn đọc tên Bình An đề xuất: "Cơ quan BHXH cần trả lại tuổi nghỉ hưu như trước đây, nam 60, nữ 55. Mức lương hưu là bình quân cho 5 năm làm việc gần nhất, không phân biệt tư nhân hay nhà nước. Sau này, khi mức sống xã hội cao hơn, sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp hơn, mức hưởng lương hưu cao hơn cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhằm tạo cho nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc cũng là mục đích của Đảng và nhà nước.