Ồ ạt trồng sầu riêng, mừng ít lo nhiều!
Hiện nay, do nhận thấy sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, cũng như có thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên nông dân ở các tỉnh, thành, trong đó có khu vực Đông Nam bộ đã ồ ạt trồng sầu riêng.
Việc tự phát chuyển đổi cây trồng có nguy cơ khiến cung vượt cầu trong những năm tới, mặt khác còn tác động đến phát triển kinh tế nông nghiệp khi quy hoạch bị phá vỡ. Đó là bài toán mà các ngành, các cấp cần phải có lời giải nhằm định hướng cho sự phát triển lâu dài, bền vững cho cây sầu riêng, tránh đi vào "vết xe đổ" như một số loại nông sản khác.
Diện tích sầu riêng tăng đột biến
Hiện nay, nhiều nông dân ở khu vực Đông Nam bộ đang phá bỏ nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp sang trồng sầu riêng, mặc dù chi phí đầu tư cho loại cây này không hề nhỏ. Điều đáng nói là người trồng không có bất kỳ một hợp đồng bao tiêu hay tham gia chuỗi liên kết sản xuất nào, họ chỉ biết rằng trước mắt bán được giá cao nên bất chấp, chuyển đổi cây trồng.
Tại tỉnh Bình Phước, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều diện tích điều, tiêu, cà phê, cao su... bị chặt hạ để trồng sầu riêng vì cây trồng này được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao. Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Phước, tính đến cuối năm 2022, diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt 4.802 ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021. Trong khi đó, diện tích hồ tiêu giảm 1.144 ha, cà phê giảm 604 ha.
Sự phát triển mạnh diện tích sầu riêng cũng là điều dễ nhận thấy khi đến các nơi trong tỉnh Bình Phước. Giờ đây, nhiều diện tích vườn tiêu, cao su, điều… đã được đốn bỏ thay vào đó là “rừng” sầu riêng mới trồng.
Sau nhiều năm trồng điều, cao su nhưng lợi nhuận không cao, anh Bùi Trung Tín (ngụ xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đã chặt bỏ, trồng lại 6 ha sầu riêng, trong đó 2 ha đã cho thu hoạch. Anh Tín chia sẻ, gia đình anh không ồ ạt chặt hết 10 ha điều, cao su sang trồng sầu riêng mà canh tác theo kiểu “cuốn chiếu”. Khi đúc kết được kinh nghiệm, gia đình mới bắt đầu tăng diện tích sầu riêng.
“Thấy bà con trồng sầu riêng trên vùng đất này phù hợp với thời tiết nên chuyển từ từ. Lần đầu, tôi trồng 1 ha, sau 2 năm thấy trồng cũng dễ và áp dụng hệ thống tưới, xịt thuốc, bón phân đầy đủ thì tăng thêm 1 ha nữa. Chăm sóc 2 ha tới năm 3, năm 4 thu hoạch thấy cũng có giá, làm cũng dễ nên mở rộng thêm 4 ha nữa” - anh Tín nói.
Còn tại Long An, người nông dân ở đây cũng đang chặt bỏ mít, mãng cầu, phá ruộng lúa để trồng sầu riêng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh có hơn 438 ha, trong đó một nửa là trồng mới. Các địa phương tăng diện tích sầu riêng gồm: huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Thị xã Kiến Tường.
Tốc độ tăng diện tích nhanh, nhưng thực tế chỉ có 36 ha thuộc 2 vùng trồng sầu riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo những hộ dân ở khu vực này, ngoài 21 ha đất đã chuyển hẳn sang trồng sầu riêng thì sẽ tiếp tục trồng xen canh với các cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài.
Anh Nguyễn Văn Nam, ấp Trương Công Ý, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: “Lúa bây giờ giá cả bấp bênh, được mùa thì mất giá và ngược lại. Thấy sầu riêng có giá nên tôi trồng sầu riêng. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo không nên trồng sầu riêng vì chưa biết hiệu quả lâu dài ra sao, giờ muốn trồng thêm nhưng địa phương chưa cho”.
Nguy cơ "cung vượt cầu"
Diễn biến tương tự tại tỉnh Đồng Nai, những cánh rừng hồ tiêu, cao su đang chuyển sang trồng sầu riêng. Không chỉ có nông dân mà ngay cả doanh nghiệp cũng “chạy đua” tăng diện tích trồng sầu riêng để đón làn sóng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Lê Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Thống Nhất, Đồng Nai chia sẻ: “Để bắt kịp xu thế hiện nay là sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì công ty chúng tôi cũng đã thực hiện chuyển đổi 100 ha sang trồng sầu riêng”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, năm 2018, giá hồ tiêu tăng cao nên nông dân ồ ạt chặt bỏ nhiều loại cây để trồng tiêu. Cuối cùng, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đồng Nai vượt quy hoạch hàng nghìn ha. Còn những năm trước đó thì người dân chặt bỏ hồ tiêu để trồng mít, bưởi. Hiện các loại trái cây này giảm giá, nông dân lại chuyển qua trồng sầu riêng. Cụ thể, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai chỉ còn khoảng 11.400 ha, giảm 2.600 ha; mít, bưởi cũng giảm mạnh từ 15.000 ha còn 3.500 ha.
Trước việc diện tích sầu riêng tăng vọt, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Định, tỉnh Đồng Nai tỏ ra lo lắng nguy cơ "cung vượt cầu" như đã từng diễn ra với các loại trái cây khác.
“Những diện tích hồ tiêu bị chết, những vườn điều, kể cả rừng cao su bây giờ không có mang lại giá trị cao thì bà con đang phá đi. Thật sự họ đang làm ào ạt luôn rồi” - bà Đặng Thị Thúy Nga nói.
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, việc phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Đặc biệt, đó là câu chuyện cung vượt quá cầu, “dội chợ” và nghiêm trọng hơn là tại các vùng đất không phù hợp sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng, uy tín sầu riêng của Việt Nam.
Từ đó, sầu riêng Việt Nam có thể sẽ đi vào "vết xe đổ" của các loại nông sản khác, mà mới đây nhất là bài học từ trái thanh long. Lúc này, người chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là nông dân. Vậy làm sao để sầu riêng có được thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững?/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/o-at-trong-sau-rieng-mung-it-lo-nhieu-post1007316.vov