'Ở bờ nào tháng năm'

Bài thơ 'Ở bờ nào tháng năm' của Nguyễn Hữu Hồng Minh đặt chúng ta vào trạng thái chơi vơi giữa hiện tại và quá khứ. Từ đó, ta nhận ra rằng quá khứ luôn song hành cùng hiện tại.

Có những ngày như thế

Ta về bạc phếch nắng mưa

Bầu trời âu lo trĩu nặng trên vai

Không một hạt vui

Ngày mai tới không chút nắng.

***

Có một miền đắng

Len chảy trong tim

Ta nhớ về một ngày vui lắm đã qua

Vui như chưa hề có

Ngày đó ở bờ nào của tháng năm hỡi em yêu

Hay chỉ là mộng mị

Nỗi đau như ngọc long lanh.

***

Có một ngày như thế

Trái tim đã mất niềm tin

Em thân yêu hoa ban ngày thường

Sao thành con suối hung dữ

Nước phai như nước mắt

Khóc, khóc để làm chi?

Như cơn mưa hư không

Tắm rửa cuộc đời lành lặn

Chỉ có ta bạc trơ mãi mãi

Không trở thành một người bình thường.

***

Người bình thường có một trái tim để yêu

Người bình thường có một trái tim để chết.

***

Ta lơ ngơ giữa đời túi rỗng, ngực rỗng

Người không tim.

***

Có những ngày như thế…

Lời bình

Bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh đem đến chúng ta cảm giác chơi vơi, bất định, chính xác hơn là một trạng thái cỗi cằn và trống rỗng. Chơi vơi giữa hiện tại và quá khứ, bất định bởi những lo âu trĩu nặng trên vai và ngày mai không chút nắng, cỗi cằn bởi nước mắt đã phai, trống rỗng bởi không còn niềm tin trong trái tim để vá víu cuộc đời lành lặn.

Trong buồn đau lặng lẽ, thơ như hạt ngọc long lanh in bóng những ngày vui lắm đã qua. Ở bờ nào của tháng năm hỡi em yêu? Câu hỏi như một tiếng thở dài len vào giữa nhịp điệu bồn chồn, day dứt của bài thơ. Hình dung một kẻ lãng du trở về, tựa vào miền đắng, nghe quá khứ đan cài trong hiện tại với hơi thở ngắt quãng vì những âu lo và tiếc nhớ.

Có những ngày như thế… là quá khứ gần của một ký ức xa hơn. Hiện tại thực sự chính là khi anh viết những dòng thơ này. Điều ấy đồng nghĩa với việc quá khứ dẫu gần hay xa vẫn hiện hữu trong anh. Ở bờ nào tháng năm, trong hơi thở của một người không bình thường này, quá khứ là hiện tại.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-bo-nao-thang-nam-post1192143.html