Ở đâu dân khó, ở đó có bộ đội: 'Quân đội ta nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua'
79 năm đã đi qua kể từ ngày Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (22/12/1944 - 22/12/2023), mỗi người cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, không ngại khó khăn, thử thách, luôn chắc tay súng, vững bước quân hành, khắc ghi trong tim mục tiêu và lý tưởng cách mạng cao đẹp, sáng ngời: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt (Quan Hóa) tuần tra biên giới, khu vực cột mốc 319. Ảnh: T.L
Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu
Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 3 tiểu đội, 34 cán bộ, chiến sĩ. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bằng bản lĩnh, quyết tâm, mưu trí, dũng cảm, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập nên chiến công ngay trong trận đánh đầu tiên ở Phai Khắt, Nà Ngần (ngày 25 - 26/12/1944). Thắng lợi ấy góp phần to lớn “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”, đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”.
Lịch sử quân sự Việt Nam là những dòng sự kiện thấm đẫm máu và nước mắt, gian khổ, hy sinh nhưng vẻ vang chiến công, lấp lánh vinh quang, chan chứa tự hào. Dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình nhưng kẻ thù buộc ta cầm súng. Khắc ghi trong tim mục tiêu và lý tưởng cách mạng cao đẹp, sáng ngời “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân", trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những tên gọi khác nhau, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công hiển hách. Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; cuộc kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cho đến ngày “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979... là bản anh hùng ca vĩ đại của quân và dân ta.
Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân
79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn được xác định là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và sản xuất”. Giữa thời bình, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thông qua nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, năng lực, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Trên hai tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa kiên trì xây dựng, củng cố vững chắc “thành trì” lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân. Những năm qua, với phương châm “3 bám, 4 cùng”, BĐBP Thanh Hóa đã làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt với nhiều hoạt động, mô hình, phong trào, chương trình, đề án được triển khai, thực hiện, điển hình như: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; “BĐBP chung sức XDNTM”; mô hình đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới; chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”; chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo”; xóa bỏ các hủ tục; tham gia khám chữa bệnh, phát thuốc cho Nhân dân; hiến máu nhân đạo...
Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo cũng là một trong những “điểm sáng” trong công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt của BĐBP Thanh Hóa, góp phần tô thắm thêm truyền thống, hình ảnh người lính Cụ Hồ giữa thời bình, nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng quân – dân.
BĐBP Thanh Hóa đã tích cực vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới hăng hái sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, định canh, định cư, ổn định cuộc sống... Các đồn biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý phối hợp với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh triển khai mô hình điểm trồng sắn năng suất cao trên địa bàn huyện Mường Lát. Nhiều mô hình tiếp tục duy trì, phát triển tại các đơn vị và nhân rộng trong Nhân dân như: Mô hình nuôi dê, lợn rừng (Đồn Biên phòng Quang Chiểu); nuôi cá tầm (Đồn Biên phòng Bát Mọt); hướng dẫn cho Nhân dân trồng cây Táo Mèo (Đồn Biên phòng Pù Nhi, Quang Chiểu)... Các mô hình góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy XDNTM ở địa phương gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Những năm qua, thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai, thực hiện công tác dân vận, gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.
Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được duy trì thường xuyên. Bộ CHQS tích cực phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các chương trình, các phong trào, các cuộc vận động trong toàn quân, các cấp, các ngành, địa phương phát động góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giảm nghèo bền vững, XDNTM, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn... Tiêu biểu như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Quân đội chung sức XDNTM”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà đồng đội”, “Ngôi nhà 100 đồng”; Dự án “cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” và nhiều mô hình phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị...
Trong 3 năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 42 “Nhà Đại đoàn kết” với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; 56 “Nhà tình nghĩa” với tổng số tiền trên 4,4 tỷ đồng; 5 “Nhà đồng đội”; 3 “Ngôi nhà 100 đồng”; nhận nuôi, nhận hỗ trợ 128 cháu theo Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng... Thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách trên 7 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Nhà giàn DK1, Quần đảo Trường Sa...
Trên “mặt trận” phát triển kinh tế - xã hội ghi đậm dấu ấn của những người lính Cụ Hồ. Những mô hình hay, cách làm sáng tạo của Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh như: “Hạt giống vàng”; “Con đường vào bản”; “Bộ đội và dân bản chung tay XDNTM” của Ban CHQS huyện Mường Lát; “Khu văn hóa quân - dân kiểu mẫu” của Ban CHQS huyện Quan Sơn; “Nước sạch tình quân – dân” của Ban CHQS huyện Cẩm Thủy... đã tạo sức lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tô thắm thêm nghĩa tình quân – dân.
Những chiến công, đóng góp to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng 10 lời thề danh dự chính là biểu tượng cao đẹp nhất của lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".