Ở Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam, Myanmar chưa dùng hộ chiếu điện tử

ĐBQH cho biết, ở Đông Nam Á hiện chỉ còn Việt Nam và Myanmar chưa sử dụng hộ chiếu điện tử, còn trên thế giới đã có 120 quốc gia sử dụng.

ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)

ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 12/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đánh giá cao Dự thảo Luật đã có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) góp ý kiến về vấn đề giải thích khái niệm hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Theo ĐB, hộ chiếu có gắn chíp điện tử (còn gọi là hộ chiếu sinh trắc học, hộ chiếu kỹ thuật số, hộ chiếu điện tử) là dạng hộ chiếu truyền thống có gắn chíp điện tử. Chíp điện tử ngoài lưu trữ thông tin cá nhân như họ tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính… còn lưu trữ thông tin sinh trắc học để xác nhận danh tính của người sử dụng hộ chiếu như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dấu vân tay...

Toàn bộ dữ liệu thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc của người sử dụng hộ chiếu được lưu trữ trong thẻ sẽ được mã hóa, ký số để bảo đảm an toàn xác thực và bảo mật theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng. Từ căn cứ nêu trên, ĐB đề nghị bổ sung Điều 2 trong dự thảo Luật, giải thích, làm rõ cụm từ “hộ chiếu có gắn chíp điện tử”, bởi đây là khái niệm mới chưa được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành.

ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang)

ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang)

ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) thì cho biết, hiện nay đã có trên 120 quốc gia đã sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử. Tại khu vực Đông Nam Á còn Việt Nam và Myanmar chưa sản xuất và sử dụng hộ chiếu điện tử.

Theo ĐB, mục đích của việc phát hành hộ chiếu điện tử nhằm làm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả; giúp cho công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu nhanh hơn, chính xác hơn khi áp dụng việc kiểm soát bằng cổng kiểm soát tự động; rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm được thời gian xếp hàng, tránh tình trạng ùn ứ tại các cửa kiểm soát, các cổng đi lại như hiện nay.

Đồng tình, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, so với một số nước chất lượng cuốn hộ chiếu của Việt Nam còn thấp, chưa phải là cuốn hộ chiếu đẹp, chất lượng cao, hộ chiếu có giá trị 10 năm, nhưng 3 năm đã hỏng, màng bảo vệ an ninh bị bong, giấy có thể bị rách. Để có hộ chiếu đẹp, xứng tầm tài sản quốc gia, ngang tầm các nước trong khu vực, ĐB đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để cung cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất, phát hành hộ chiếu điện tử.

Siết chặt quy định cấm, tạm hoãn xuất cảnh

Trong khi đó, dẫn tình trạng nhiều trường hợp bỏ trốn trước khi bị khởi tố, nhiều ĐB đề nghị thắt chặt quy định cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nghi phạm tội.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Đề cập đến những hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng quy định này chủ yếu áp dụng với đối tượng là công dân có nhu cầu xuất nhập cảnh và cán bộ công chức thừa hành mà chưa điều chỉnh đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Theo bà Khánh, đó mới là những người có quyền chỉ đạo cấp dưới và có quyền quyết định việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Vì không quy định nên dẫn đến một số vụ án xuất cảnh trái phép và bị truy nã quốc tế như vừa qua. “Tôi đề nghị bổ sung thêm một hành vi của người có chức vụ quyền hạn là lợi dụng chức vụ quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, xuất nhập cảnh trái quy định”, bà Khánh nói.

Đề xuất thu "phí chia tay" khi xuất cảnh

ĐB Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đưa ra một đề xuất mới: thu "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài. Dẫn chứng từ Nhật Bản, ĐB cho biết, mỗi công dân ra nước ngoài phải đóng "phí chia tay" khoảng 1.000 yen/người (hơn 9 USD). Nguồn thu từ đây được sử dụng để thực hiện một số dự án có lợi cho người dân.

Từ đó, ông Hưng đề nghị Quốc hội suy nghĩ việc thu phí "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài, với mức khoảng 3-5 USD/người/lần. Số tiền này sẽ trích một phần cho các cơ quan ngoại giao để có kinh phí bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân Việt Nam khi ra nước ngoài....

Còn theo ĐB Dương Đình Thông (Bắc Giang), các trường hợp bị tạm hoãn xuất nhập cảnh theo quy định gồm bị can, bị cáo, người bị tố cáo, người bị kiến nghị khởi tố… Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh nếu có căn cứ xác định một người nào đó bị nghi phạm tội và xét thấy cần ngăn chặn người này bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì cần tạm hoãn xuất cảnh.

“Tạm hoãn xuất cảnh với người thuộc diện tình nghi tội phạm là cần thiết nhưng quy định phải chặt chẽ, phù hợp với các luật có liên quan. Việc kiểm tra xác minh phải thực hiện bởi những cơ quan có thẩm quyền để tránh lạm dụng, vi phạm quyền cơ bản của công dân là tự do đi lại”, ông Thông góp ý.

Giải trình làm rõ thêm các ý kiến của ĐB đã nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các ý kiến của ĐBQH đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật và đều đã được Ban soạn thảo ghi chép, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-dong-nam-a-chi-con-viet-nam-myanmar-chua-dung-ho-chieu-dien-tu-d424056.html