'Ô hạt nhân' của Pháp, Anh có đủ sức thay Mỹ che chắn cho châu Âu trước Nga?
Hơn 50 năm trước Mỹ từng phải trấn an đồng minh châu Âu trước 'mối đe dọa hạt nhân' từ Liên Xô và giờ đây sự hoài nghi về khả năng che chắn của chiếc ô hạt nhân của Mỹ lại được đặt ra.
Bài học lịch sử vẹn nguyên
Theo Wall Street Journal, khi Tổng thống Mỹ Kennedy gặp người đồng cấp Pháp Charles de Gaulle trong cuộc khủng hoảng Berlin năm 1961, ông phải tìm mọi cách trấn an đồng minh thân thiết.
Thời điểm đó, Liên Xô đã yêu cầu NATO rút quân khỏi thành phố đang bị chia cắt của nước Đức và ông de Gaulle hoài nghi về quyết tâm bảo vệ châu Âu của người Mỹ. Vị tướng lẫy lừng của nước Pháp đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng hy sinh New York cho một vụ trao đổi hạt nhân với Liên Xô để bảo vệ Paris hay không nếu nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định xua quân vào châu Âu?
Đáp lại, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Nếu bản thân tướng quân, người đã từng hợp tác với Mỹ trong thời gian dài, còn phải hoài nghi về sự cứng rắn của Mỹ, thì ông Khrushchev cũng có thể hoài nghi hệt như vậy". Cuối cùng, Mỹ và đồng minh cũng đã khiến Moscow phải chùn bước và Tây Berlin vẫn được tự do.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ trong việc mở rộng phạm vi răn đe của chiếc ô hạt nhân sang châu Âu bắt đầu từ năm 1949 khi NATO được thành lập. Khi đó, câu hỏi rằng liệu họ có dám hy sinh một thành phố quê hương để bảo vệ một đồng minh xa xôi đã trở thành câu hỏi nhức nhối về mặt địa-chính trị của Mỹ. Trong quá khứ, Liên Xô đã từng nhiều lần hoài nghi về ý chí của người Mỹ, họ cũng chưa bao giờ muốn thử thách.
Tuy nhiên, tình thế hiện tại đã hoàn toàn thay đổi khi Ukraine bước vào năm thứ 3 của cuộc chiến với Nga. Tổng thống Nga Putin đã không ngần ngại hé lộ khả năng sử dụng hạt nhân làm vũ khí răn đe và câu hỏi xưa cũ của tướng de Gaulle lại một lần nữa bùng lên trong tâm tưởng của các đồng minh và cả đối thủ của Mỹ.
Liệu một Tổng thống Mỹ, nhất là một người như ông Trump nếu tái cử, có sẵn sàng mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân để bảo vệ Helsinki, Tallinn hay Warsaw hay không và nếu không thì liệu 2 cường quốc hạt nhân châu Âu như Pháp và Anh có đủ khả năng răn đe hạt nhân để ngăn chặn ông Putin thử thách lòng quyết tâm của phương Tây và các thành viên của NATO và EU hay không?
Trong khi đó, nhiều quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng hạt nhân của Nga đang rất trông đợi vào khả năng răn đe hạt nhân của Anh và Pháp.
"Có rất nhiều cách để bù đắp vào khoảng trống của Mỹ để ngăn chặn một vụ tấn công hạt nhân có thể xảy ra. Nếu yếu tố hạt nhân vẫn còn dù chỉ 1%, khả năng răn đe vẫn hoàn toàn hiển hiện", ông Tomas Jermalavičius, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về An ninh và Quốc phòng tại Tallinn, Estonia nhận định.
Năng lực hạt nhân thực sự của Pháp và Anh
Theo số liệu hiện tại, Pháp đang sở hữu khoảng 290 đầu đạn hạt nhân được trang bị cho các lực lượng chiến lược gồm 4 tàu ngầm và các máy bay chiến đấu Rafale. Những lực lượng này của Pháp là hoàn toàn độc lập với NATO và Pháp cũng là thành viên duy nhất không thuộc Nhóm Kế hoạch Hạt nhân của khối. Tổng thống Pháp Macron là người có toàn quyền quyết định việc sử dụng hạt nhân.
Trong khi đó, lực lượng hạt nhân của Anh được đánh giá là nhỏ hơn và ít tính cơ động hơn của Pháp đồng thời hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ huy của NATO. Anh cũng phải phụ thuộc vào Mỹ trong việc cung cấp tên lửa Trident cho 4 tàu ngầm của nước này và hiện sở hữu tổng số 260 đầu đạn hạt nhân.
Thủ tướng Anh là người duy nhất có quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này nhưng theo luật pháp Anh "điều này chỉ xảy ra trong trường hợp cực kỳ cấp thiết để tự phòng vệ, trong đó có cả việc bảo vệ các đồng minh NATO".
Dù sở hữu số lượng hạt nhân quá nhỏ bé so với hàng ngàn đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ, các loại vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp vẫn có khả năng răn đe đáng tin cậy bởi bản chất bất đối xứng của chiến tranh hạt nhân. Chỉ cần một đầu đạn vượt qua được hệ thống phòng thủ của Moscow cũng đủ khiến lãnh đạo Nga cảm thấy bị răn đe.
"Việc sở hữu năng lực răn đe mạnh hơn ở châu Âu không nhất thiết đồng nghĩa với việc phải sở hữu một số lượng lớn hơn các đầu đạn hạt nhân. Về cơ bản đó là vấn đề về chính trị hơn là kỹ thuật", ông Bruno Tertrais, Phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris, Pháp và từng là cố vấn cho Chính phủ Pháp về Chính sách hạt nhân nhận định.
Trong khi đó, ông Peter Watkins, chuyên gia giám sát về khả năng răn đe hạt nhân tại viện nghiên cứu Chatham House tại London, chỉ ra NATO không cần tăng cường lực lượng hạt nhân của mình dù vừa kết nạp thêm 2 thành viên là Phần Lan và Thụy Điển.
"Rõ ràng, khả năng răn đe sẽ tốt hơn nếu có một lực lượng hạt nhân lớn hơn và nếu Mỹ không đóng góp thì chiếc ô hạt nhân của NATO cũng khó mà mạnh mẽ như bây giờ. Dù vậy, năng lực hạt nhân của cả Anh và Pháp cũng đều rất quan trọng".
Nỗi sợ nhân tố Trump
Hồi tháng 2/2020, khi ông Macron mời các đồng minh châu Âu tham dự cuộc tập trận của các lực lượng hạt nhân của Pháp và thảo luận về cách thức tăng cường an ninh châu Âu dựa trên năng lực hạt nhân của Pháp, đề xuất của ông như "nước đổ lá khoai". Đức nhanh chóng bác bỏ ý tưởng và khi ông Biden trúng cử Tổng thống Mỹ, rất nhiều nhà lãnh đạo châu Âu kết luận, mối đe dọa từ chính quyền Trump đối với NATO đã qua đi.
Tuy nhiên, nhận định đó đã trở nên lỗi thời khi phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ ngăn chặn các chính sách của ông Biden bằng cách ngăn chặn số tiền viện trợ Mỹ dành cho Ukraine, khiến cho lỗ hổng về an ninh tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng.
Việc cắt đứt nguồn cung đạn dược cho Ukraine đã giúp Nga thúc đẩy đà tấn công và củng cố thêm vị thế của ông Putin. Trong khi đó, ông Trump tiếp tục chỉ trích NATO trong các bài phát biểu tranh cử, thậm chí còn công khai tuyên bố sẽ ủng hộ Nga tấn công các đồng minh của Mỹ nếu họ không đồng ý chi tiền bảo vệ.
Khi nỗi sợ hãi trào dâng, các cuộc đối thoại giữa chính quyền châu Âu về khả năng răn đe hạt nhân của Nga bắt đầu nổi lên. Bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Vấn đề Quốc tế tại Rome cho rằng, giới chức châu Âu giờ mới nhận thấy sai lầm khi phớt lờ đề xuất của ông Macron năm 2020: "Nhân tố Trump đã trở thành động lực hồi sinh các cuộc đối thoại này".
Dù vẫn nằm ngoài Nhóm Kế hoạch Hạt nhân của NATO, trong vài tháng qua, Pháp cũng bắt đầu cung cấp cho đồng minh chi tiết về hiện trạng và năng lực răn đe hạt nhân của mình cùng những chính sách về quản trị hạt nhân.
Pháp không có ý định chia sẻ thẩm quyền sử dụng hạt nhân và cũng không yêu cầu các đồng minh phải hỗ trợ tiền cho chương trình hạt nhân của mình. Song, trước khả năng an ninh châu Âu bị đe dọa, Đức và các nước châu Âu khác đã tăng chi tiêu cho các loại vũ khí truyền thống.
Trong những tháng gần đây, Pháp cũng bắt đầu tiến hành các cuộc đối thoại song phương với các quốc gia quan tâm đến việc tăng cường hợp tác trong vấn đề này như Ba Lan và Thụy Điển. Các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia hạt nhân Pháp và Đức cũng được tiến hành dù Đức vẫn tỏ thái độ thận trọng.
Thực tại nguy ngập mới đã khiến châu Âu tính đến một khuôn khổ hợp tác mới trong đó Pháp và Anh có thể đóng góp vào khả năng răn đe hạt nhân chống lại Nga.
Ông Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ nhận định: "Chúng ta đang có một bối cảnh chiến lược hoàn toàn khác và chúng ta cần phải ngay lập tức đảm bảo, khả năng răn đe này có hiệu quả. Chính vì thế, tôi đề xuất hãy xem xét lại mọi nhân tố".
Còn đó nhiều hoài nghi
Dù vậy, cũng có nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi. Nhà lập pháp người Đức Norbert Röttgen đánh giá, dù Mỹ có thay đổi chính sách của mình hay không, con đường hợp lý nhất mà Đức và các đồng minh châu Âu khác nên lựa chọn là tập trung vào phát triển năng lực vũ khí và công nghiệp truyền thống để có thể làm suy yếu Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
"Để nhanh chóng thay đổi khả năng răn đe hạt nhân là bất khả thi. Nếu chúng ta thất bại vì một quyết định của Mỹ, sẽ phải mất hàng năm thậm chí cả một thập kỷ đề bù đắp cho hệ thống của vũ khí hạt nhân của Mỹ. Chúng ta nên tập trung vào những gì có thể tạo sự khác biệt và có thể bù đắp vào khoảng trống về chính sách ngoại giao của Mỹ trong trường hợp ông Trump tái cử", ông Röttgen nhận định.
Hơn thế nữa, dù ông Trump có nói gì trong chiến dịch tranh cử về khả năng từ chối bảo vệ các đồng minh NATO, việc Mỹ rút ô hạt nhân khỏi châu Âu vẫn là điều khó có thể xảy ra bởi nó sẽ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trên toàn cầu.
"Hạt nhân là khía cạnh cuối cùng chứ không thể là khía cạnh đầu tiên bị ảnh hưởng nếu quan hệ giữa các bên bị suy yếu. Việc rút ô hạt nhân có thể xảy ra nhưng rất bất khả thi", ông Liviu Horovitz, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về An ninh Đức, nhận định.
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và từng là đặc sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đồng tình với quan điểm này: "Tôi không nghĩ việc thảo luận về khả năng Mỹ rút lực lượng của mình ra khỏi NATO và không mở rộng ô hạt nhân là thực tế. Ngay cả ông Trump cũng sẽ không làm điều này".
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski trong chuyến thăm Mỹ gần đây từng lên tiếng cảnh báo: "Nếu Mỹ không thể hợp tác với châu Âu để buộc ông Putin phải lùi bước, tôi sợ rằng, cộng đồng các quốc gia dân chủ của chúng tôi sẽ tan vỡ. Các đồng minh sẽ tìm cách khác để đảm bảo an ninh của mình. Họ sẽ liều lĩnh hơn và khả năng sẽ có nước sẽ tự trang bị các loại vũ khí tối tân, khởi đầu cho một cuộc chạy đua hạt nhân".
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một châu Âu từng sẵn sàng đặt an toàn của mình vào tay một Tổng thống Mỹ thì cớ gì không tin tưởng vào Pháp. "Pháp đang ở rất gần đây. Nếu có một mối đe dọa hạt nhân nào ở châu Âu, người Pháp sẽ hiểu rõ nguy cơ đe dọa về an ninh của Pháp, Ba Lan, Đức hay Baltic ngay lập tức. Trong khi Mỹ khó có thể cảm nhận những điều đó", ông Ischinger kết luận.