Ở một giáo họ sống tốt đời, đẹp đạo
Giáo họ Thái An thuộc giáo xứ Ngọc Lý chỉ chiếm 1/5 số khẩu của thôn Thái An song người dân của giáo họ có những đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển kinh tế quê hương.
Thái An là một nhà thờ cổ gần 200 năm tuổi với kiến trúc đẹp nằm giữa một vùng quê trù phú. Những giáo dân nơi đây sống hiền hòa, tích cực góp công, góp sức chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương giàu đẹp.
Điểm nhấn trong bức tranh nông thôn mới
Nhà thờ Thái An, xã Quang Phục được xây dựng năm 1832, là một trong những công trình lâu đời nhất còn lại ở huyện Tứ Kỳ. Mọi năm vào dịp Giáng sinh, nhà thờ sẽ được bà con giáo dân trang hoàng lộng lẫy chào mừng lễ trọng, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc này phải dừng lại.
Theo ông Trùm cả Nguyễn Văn Thành, nhà thờ nằm trong khuôn viên rộng khoảng 2.000 m2 được gìn giữ và trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống của bà con giáo dân nơi đây. Những du khách gần xa đến thăm nhà thờ đều tỏ ra thích thú khi được đắm mình trong không gian xanh mát, với những hàng cau cao vút hai bên. Những hàng gạch rêu phong bên tháp chuông cổ kính càng tôn thêm vẻ thâm nghiêm của nhà thờ. Trước kia, họ giáo ở Quang Phục mỗi nơi có một nhà thờ là An Cống và Thái Lãng, sau sáp nhập thành giáo họ Thái An.
Cũng giống như ở nhiều nơi, nhà thờ Thái An mang đặc trưng kiến trúc Gô-tích kiểu nhọn. Cửa chính được thiết kế với kích thước lớn tạo sự uy nghiêm và để lấy ánh sáng bên ngoài. Năm 1959, gác chuông được xây dựng sau, ở phía chính diện và trở thành điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc hài hòa của toàn bộ không gian.
Phía trong nhà thờ Thái An dù không rộng lớn như nhiều nhà thờ khác song được bài trí hài hòa, ấm cúng, là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo của bà con. Những hàng cột lim nguyên khối và vòm trần theo lối Gô-tích là điểm nhấn bên trong. Theo một số giáo dân Thái An, do xây dựng đã lâu nên nhà thờ bị xuống cấp. Ở nhiều đoạn tường vôi vữa bị bong tróc, mái bị dột. Nguyện vọng của giáo dân là nhà thờ sớm được cải tạo để bảo đảm an toàn.
Lãnh đạo UBND xã Quang Phục cho biết nhà thờ Thái An là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh nông thôn mới của địa phương. Đây là một nhà thờ lâu đời, có kiến trúc đẹp. Nằm cách đường tỉnh 391 không xa, nhà thờ Thái An đã trở thành địa điểm tham quan của nhiều du khách.
Lương - giáo một lòng
Giáo họ Thái An thuộc giáo xứ Ngọc Lý có 103 hộ, với 410 nhân khẩu. Dù chỉ chiếm 1/5 số khẩu của thôn Thái An song người dân của giáo họ có những đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển kinh tế quê hương.
Ngày 22.12, ông Đỗ Trọng Tính, 74 tuổi, là một trong những giáo dân tiêu biểu được huyện Tứ Kỳ khen thưởng. Ông Tính nguyên là Trưởng Ban Mặt trận thôn Thái An, từng là Chủ tịch Hội Đông y 5 xã của huyện Tứ Kỳ, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Á từng là dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo lãnh đạo UBND xã Quang Phục, gia đình ông Tính được bà con lương, giáo kính trọng, sống gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương. Ở giáo họ Thái An, các gia đình đều tích cực ủng hộ địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là việc hiến đất làm đường. Nhiều hộ sẵn sàng phá tường bao để địa phương mở rộng đường thôn, xóm. Trong các cuộc kháng chiến, nhiều con em người công giáo là thương binh, liệt sĩ, có 2 người là đại tá Quân đội nhân dân. Gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Phượng có 3 con là liệt sĩ...
Cũng là một người trong giáo họ Thái An, anh Trần Văn Hào có nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Học hết THPT, anh Hào đi làm công nhân đóng tàu ở Quảng Ninh. Thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, anh trở lại quê hương học nghề sửa chữa điện thoại. Từ chỗ chỉ có một cửa hàng nhỏ, nay anh đã tự mua nhà, mở một cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại ngay cạnh đường tỉnh 391. “Tôi dạy nghề cho một số thanh niên trong và ngoài làng. Nay các em đều trưởng thành, tự mở cửa hàng riêng, kinh tế khá giả mà thấy mừng lắm”, anh Hào cho biết.
Trong công cuộc xây dựng quê hương, còn nhiều con em người công giáo khác ở Thái An thành công trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, tiêu biểu như ông Nguyễn Xuân Tuyên, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm.
Ông Lê Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Quang Phục cho biết địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2019, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người trong xã năm 2021 đạt 60 triệu đồng. Những kết quả này có sự đóng góp tích cực của bà con công giáo ở Thái An. Bà con trong thôn sống đoàn kết, không phân biệt lương - giáo, có nhiều phong tục đan xen. Nhờ đó, Thái An là một trong những thôn đi đầu ở Quang Phục trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định về an ninh trật tự.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/o-mot-giao-ho-song-tot-doi-dep-dao-190811