Ở một vùng đất có nhiều di tích…
Ngày 11/9/1934, chính quyền Pháp xác lập thị xã Phan Thiết là thành phố cấp III với 6 phường: Đức Long, Lạc Đạo, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Bình Hưng và Phú Trinh, trong đó Đức Long hình thành từ làng Nhuận Đức và một phần làng Tú Luông (Long). Lần theo di tích của làng Tú Luông xưa (Đức Long ngày nay) tại đình còn lưu giữ một bản khắc gỗ chữ Hán có tên là 'Khuê chí' (bản nêu công ghi nhớ) lập năm Thành Thái nguyên niên (Kỷ Sửu-1889). Nội dung bản 'Khuê chí cho biết:
Ở một vùng đất có nhiều di tích…
“Mảnh đất lập làng Tú Luông xưa là một kỳ địa. Đó là một động cát cao có hình dáng một con rồng uy nghi phủ phục nhìn ra biển cả lộng gió ngàn khơi, hướng Đông đi lại với làng Nhuận Đức, hướng Tây tiếp cận với làng Phú Lâm, hướng Bắc vươn thẳng đến giữa lòng sông, hướng Nam liền theo bờ biển. Thời đó cửa biển nằm ngay trung tâm làng. Dân cư yên ổn làm ăn thịnh vượng. Địa danh Tú Long tức con rồng đẹp, xuất xứ từ địa hình xinh đẹp và cuộc sống an cư này. Về sau, để thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tiền bối có công khai cơ lập nghiệp có tục danh Long, dân làng đọc trệch Tú Long thành Tú Luông và giữ nguyên đến ngày nay.
Nhưng rồi bình địa nổi phong ba, thiên tai dồn dập đến. Dòng sông và cửa biển bị sóng to gió dữ bồi lấp. Dân làng tứ tán, thú vật bỏ đi. Cuộc sống trở lại suy vi nghèo khổ. Giữa lúc ấy nhà hậu hiền Nguyễn Công Chánh đứng ra quy dân trở lại, củng cố xóm thôn. Ông dùng 2 câu nói nổi tiếng “Dĩ ái dân vi bổn”, “Dĩ thanh cần chi tâm” (tức lấy lòng thương dân làm gốc, lấy đức thanh liêm phục vụ dân làm trọng), động viên mọi người góp công sức tái tạo làng Tú Luông thân yêu...”.
Nhờ bản Khuê chí này, người ta biết rằng sau khi người Việt đến khai cơ lập nghiệp vùng Phan Thiết, Tú Luông là một làng sớm sầm uất nhờ con sông Phan Thiết (nay gọi là sông Cà Ty) từ nguồn qua Phú Hội, Phú Tài chảy thẳng ra cửa biển Tú Luông. Rồi thiên tai “sóng to gió lớn”, cửa biển Tú Luông bị lấp, dòng sông chuyển hướng chảy vòng qua các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng đổ ra cửa biển Cồn Chà như hiện nay…
Như vậy Đức Long buổi ban đầu đã từng trải qua một kỳ “dâu bể”, song lòng người không ly tán, ngôi đình làng vẫn vững chãi, ngày thêm tôn tạo. Đó là ngôi đình được tạo lập từ đầu thế kỷ XVIII và trùng tu vào năm Tự Đức thứ 24 (1871). Các vua triều Nguyễn ban cho đình 10 sắc phong, năm Đinh Tỵ (1857) vua Tự Đức ban tặng bức hoành phi “Thánh triều gia tặng, anh linh thùy thiên cổ”. Qua gần 2 thế kỷ được nhân dân gìn giữ và trùng tu, ngôi đình hầu như còn nguyên gốc thuở cha ông tạo dựng. Ngày 12/7/2001, Bộ Văn hóa và Thông tin có quyết định công nhận đình làng Tú Luông là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Như các xã, phường ở Phan Thiết, phường Đức Long có nguồn gốc từ các nhóm cư dân miền ngoài vào khai hoang lập nghiệp hình thành các vạn chài làm ăn ven biển, ở xóm Cồn (Đức Thắng ngày nay) vạn chài có tên là Thủy Tú, còn ở xóm Câu (Đức Long ngày nay) vạn chài có tên là Khánh Long, theo tài liệu còn ghi lại vạn Thủy Tú khởi lập từ năm Nhâm Ngọ (1762) cùng thời với vạn Khánh Long và 2 vạn có mối quan hệ gắn bó nhau như là một. Đọc các bản sắc phong hiện còn lưu giữ tại vạn Thủy Tú từ thời đầu nhà Nguyễn (Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh) đều ghi chung: “Sắc cho tỉnh Bình Thuận, huyện Tuy Lý, Khánh Long Thủy Tú nhị vạn theo lệ mà thờ phụng thần Nam Hải để nguyện cầu cho bảo hộ lê dân...”.
Có một thiết chế văn hóa dân gian khác mà bà con ngư dân vùng biển Phan Thiết đều biết đến, đó là sở “Cô Bác” hay còn gọi là sở “Ba Nền” ở phường Đức Long. Như tên gọi, sở “Cô Bác” là nơi thờ phụng “cô bác”, những âm hồn chết sông, chết biển. Buổi đầu bà con đấp 3 cái nền đất cao vuông vức bên bãi biển để làm nơi các âm hồn quần tụ lại có chỗ nơi về mà hưởng cây nhang, chén nước nên còn gọi là sở “Ba Nền”. Mong vong linh “cô bác” phò hộ cho “trời yên biển lặng”, mùa màng “đa ngư đắc lợi”. Cuộc sống dần dần tăng tiến, từ 3 cái nền đất trơ trọi mọc lên cái miếu nhỏ, rồi miếu được tôn tạo khang trang trở thành một “Âm linh tự”, một thiết chế văn hóa dân gian phải có của các làng biển thờ những âm hồn linh đinh theo sóng nước. Hàng năm, Âm linh tự ở Đức Long tổ chức lễ tế âm linh vào ngày 16 tháng 3 âm lịch (ở đảo Lý Sơn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa).
Năm 2019, trong bài viết “Thanh minh trong tiết tháng ba” đăng trên “Bình Thuận cuối tuần”, chúng tôi có giới thiệu “Thanh minh tự” và “Miếu ngũ hành” của làng Hưng Long xưa đã được Công ty cổ phần Rạng Đông tôn tạo và phục dựng. Và đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Nay khảo cứu ở phường Đức Long, chúng tôi thấy có một thiết chế văn hóa dân gian của làng Tú Luông xưa cũng tương ứng như vậy. Chỉ khác là làng Hưng Long xưa gọi là “chùa Thanh Minh” (nay là Thanh Minh tự), còn làng Tú Luông gọi là “chùa Mả Lạng”.
Gần đây trên internet xuất hiện nhiều bức ảnh Phan Thiết xưa, trong đó có một bức ảnh phong cảnh đồi động và bãi biển Đức Long chụp vào năm 1938. Các vị cao niên cho biết nơi đó ngày xưa rất đẹp, các đoàn hướng đạo và thanh niên thường tổ chức “cắm trại” (tiếng Pháp viết là Camp, có nghĩa là nơi cắm trại, đóng trại). Vì thế mà người Pháp chọn nơi này xây dựng Trường Cao đẳng Thể thao Thể dục Đông Dương (École Supérieure d’Éducation Physique d’Indochine) vào năm 1940, gọi tắt là “Camp ÉSÉPIC”… Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), tháng 2/1946, Pháp tái chiếm Phan Thiết, lấy ngay Camp Ésépic làm khu căn cứ quân sự và lập trường huấn luyện hạ sĩ quan, có một sân bay quân sự và dân dụng, máy bay Đa-cô-ta, L19 lên xuống được. Toàn bộ đã bị lực lượng ta tập kích bí mật đánh cho tan tác trong đêm 28/12/1951, là trận thắng lớn trên chiến trường Nam Trung bộ và Bình Thuận lúc bấy giờ. Thời Mỹ, từ năm 1966 xây dựng Camp Ésépic thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Bình Thuận và được gọi là “Căn cứ Phan Thiết”. Trong trận tập kích ngày 3/5/1970 ta đã đánh chiếm nhiều mục tiêu trong căn cứ, diệt nhiều lính Mỹ và nhiều vũ khí đạn dược, máy móc, phương tiện… Là một trận thắng lớn vang dội trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhà văn Nam Hà có bài thơ “Trận tháng Năm” tặng đơn vị chiến thắng sân bay Phan Thiết: “…Những phố phường, những làng chài ven biển/Mỗi đêm khuya lại gọi Bác thì thầm/Lửa vẫn đỏ bừng trái tim ấp ủ/Mấy mươi năm vẫn một dạ trung thành… Đêm nay chúng con tiến vào Phan Thiết/Giặc Hoa Kỳ nêm chặc một sân bay/Chúng con quyết giáng một đòn tiêu diệt/Trận tháng Năm rung chuyển đất này…”.
Đó đã là một địa danh mang một giá trị văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, một thời gian dài các báo cáo của phường luôn nêu đặc điểm tình hình: Là địa bàn có vùng nghĩa địa rộng với tục danh “Mả Lạng”, dân các nơi đến lấn chiếm cả mồ mả làm nơi cư trú ngày càng gia tăng. Còn ở sân bay cũ thật tan hoang, người ta làm sân phơi “cá heo” làm ô nhiễm hôi hám cả một vùng. Với tổng diện tích toàn phường là 2,44 km2, thì 2 khu đất “hoang” này đã chiếm tới 1,30 km2, nên việc xây dựng phát triển đô thị thật hết sức khó khăn. Đã vậy, Đức Long lại còn tiếp diễn xưa nay theo mùa “biển lấn”, bờ biển ngày thêm sạt lở từ khu phố 5 đến thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) khiến dân cư ngày đêm phập phồng mất ăn mất ngủ.
Song nay đã khác, “biển lấn” thì nghĩ cách xây kè chống sạt lở bờ biển. Đồng thời nghĩ cách “lấn biển”. Cả 2 cách đang diễn ra tại đây. Dự án “Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long” (tên giao dịch là Hamubay Phan Thiết) do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định 1017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017, với quy mô diện tích đất khoảng 130 ha, tổng vốn đầu tư là 950 tỷ đồng. Dự án là Tổ hợp an cư - giải trí - nghỉ dưỡng mang tính chất khu dân cư và thương mại dịch vụ. Nối với dự án kè chống sạt lở bờ biển khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Vừa qua, trong một lần kiểm tra, ông Lương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Tiến hành thi công cùng lúc 2 dự án đã được giao, không chờ đợi lẫn nhau; 2 bên chủ động phối hợp với nhau để hoàn thành sớm nhất. Đây là công trình cấp bách chống xói lở bờ biển, lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị, cần phải khẩn trương tập trung thực hiện”.
Một tin vui đầu tiên đã đến: Công trình kè lấn biển 550 m thuộc dự án sắp hoàn thành, làm tiền đề vững chắc cho các công việc tiếp theo. Ông Nguyễn Hải - Tổng Giám đốc Công ty Trường Phúc Hải, chia sẻ: “Công ty rất mong các vướng mắc sớm được tháo gỡ để việc triển khai dự án nhanh... Chưa kể, dự án này không thể bị đánh đồng với các dự án thương mại khác. Vì vậy tới đây công ty mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm, thấu hiểu, đôn đốc để dự án triển khai nhanh”.
Tìm hiểu các di tích và địa danh đã đi vào lòng người để yêu thêm mảnh đất quê hương Đức Long này với mong mỏi có thêm một di tích mới cho con cháu mai sau…
Ghi chép: Võ Ngọc Văn