Ở nhà cũng mắc Covid-19, sao người lớn sợ không dám để trẻ đi học?
Sau một năm con không được đi học, nhiều phụ huynh ở Hà Nội mong sớm mở cửa trường. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng đánh giá người lớn đang không vì trẻ khi bắt trẻ ở nhà lâu ngày.
Hàng ngày, cứ tầm chiều tối, chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) lại cho con trai xuống dưới chung cư đạp xe, vừa là dịp vui đùa cùng bạn, vừa vận động giảm cân.
“Nghỉ học gần một năm trời, chưa nói đến việc học giảm sút, con còn trở nên cáu gắt, bớt năng động và thừa cân”, chị Phương kể.
Vì gia đình không có tâm lý “nhốt” con ở nhà trốn dịch, nữ phụ huynh mong trường học sớm mở cửa trở lại để con được học tập, vui chơi đúng nghĩa.
Trẻ thiệt thòi nhiều khi không được đến trường
Tính ra, từ cuối năm học trước, con trai chị Nguyễn Phương, cũng như nhiều đứa trẻ tiểu học ở các quận thuộc Hà Nội, chưa được đến trường.
Cậu bé bước từ lớp 1 đầy bỡ ngỡ sang lớp 2 nhiều khó khăn khi việc học tập, tương tác với cô giáo, bạn bè chỉ qua màn hình chiếc laptop. Mỗi ngày, con dành hơn 2 tiếng học online vào buổi sáng, chiều làm bài tập để mẹ chụp gửi cô. Thời gian đầu, do quy định chung, con thường xuyên ở nhà.
Sau này, khi thành phố khôi phục các hoạt động khác, chị Nguyễn Phương bắt đầu cho con ra ngoài. Dù vậy, con trai chị vẫn có những bất ổn về mặt tâm lý, thể chất.
Con dễ cáu gắt dù trước đây, con vốn là cậu bé vui vẻ, ngoan ngoãn. Và từ chỗ thường xuyên chạy nhảy, đạp xe, con mất đi các hoạt động đó dẫn đến thừa cân.
“Con tự học online nhưng vẫn không tập trung. Nhiều điều cô giáo nói, con không hiểu. Con còn chạy khỏi phòng lúc đang học, đi vệ sinh, ăn cái này, uống cái kia. Mẹ không quát không được. Cứ như vậy, tình cảm mẹ con đi xuống”, chị Phương nói thêm về lý do chị muốn con trở lại trường luôn.
Đây cũng là mong muốn của chị Kim Dung (Hoàng Mai, Hà Nội). Con chị học lớp 2 đồng nghĩa với việc gần một năm nay (tính từ đầu tháng 5/2021), cậu bé rời xa trường lớp.
Từ thực tế gia đình mình, chị nhận thấy để con học online quá lâu dẫn đến nhiều hệ lụy. Con trai chị từng háo hức với việc học, nay trở nên uể oải, chán nản, học với tâm lý chống đối, bị ép buộc. Theo chị Dung, hậu quả của việc không cho trẻ đến trường có khi còn lớn hơn nguy cơ mắc Covid-19.
Vì vậy, nữ phụ huynh mong mở cửa trường học để gia đình tự chọn gửi con, kể cả trẻ thuộc diện F1, đến lớp hay không. Bên cạnh đó, chị mong trường dạy học 2 buổi/ngày, có bán trú vì những nhà không có ông bà hỗ trợ như nhà chị gặp khó khăn trong việc đưa đón.
Chị Kim Dung nói thêm nếu vậy, chị mong quy định trẻ đeo khẩu trang ở trường được điều chỉnh vì đeo cả ngày, thậm chí lúc ngủ, có thể khiến trẻ khó thở, lượng oxy không đủ, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tương tự, anh Vũ Khắc Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mong con đi học trở lại và được bán trú ở trường.
“Việc trẻ mầm non và tiểu học đi học trở lại lẽ ra phải thực hiện lâu rồi vì các hoạt động xã hội khác đã trở lại bình thường. Giữ trẻ ở nhà không có ý nghĩa gì trong việc giảm lây nhiễm”, anh Ngọc nêu quan điểm.
Anh cho hay các con ở nhà thời gian dài, gặp rất nhiều vấn đề trong phát triển bình thường. Theo anh, đến trường không chỉ học kiến thức về văn hóa, quan trọng, các con có môi trường để phát triển về thể chất, tâm hồn, trí tuệ, tính cách. Đây là những thứ ở nhà và học online không thể nào thay thế được.
Trong thời gian trường học đóng cửa, anh cảm nhận rất rõ thiệt thòi mà con phải chịu. Đặc biệt, con thứ 2 của anh mới 5 tuổi, lứa tuổi mầm non. Ba năm nay, bé ở nhà vì dịch khoảng 1,5 năm. Sự phát triển về mặt ngôn ngữ, điều khiển hành vi, cảm xúc bị ảnh hưởng.
Tạm dừng đến trường quá lâu, 2 con của anh đều háo hức, mong muốn sớm được đi học.
Đóng cửa trường, người lớn không vì trẻ em
Mong muốn con được đi học, chị Nguyễn Phương, chị Kim Dung hay anh Khắc Ngọc thừa nhận con có thể mắc Covid-19 hoặc tái nhiễm. Song suy xét giữa 2 bên, họ vẫn cho rằng để con ở nhà hại nhiều hơn lợi.
Chị Nguyễn Phương đã dùng từ “cuồng” để miêu tả khát khao được đi học, gặp, chơi với bạn bè của con trai. Vì chính con trai, chị mong trường học mở cửa dù là mẹ, chị vẫn lo lắng con có nguy cơ tái nhiễm.
“Nhưng chúng ta cứ sợ như vậy rồi chờ dịch đỡ thì biết đến bao giờ. Tôi chỉ mong con được đi học, một buổi cũng được, gia đình sẽ chịu khó đưa đón chứ để con đeo khẩu trang cả ngày, con khó chịu”, chị Phương nói thêm.
Trong khi đó, chị Kim Dung cho hay chị không lo lắng về việc con mắc Covid-19 nếu con đi học trở lại. Bản thân chị từng nhiễm nCoV, người xung quanh dương tính, thậm chí tái nhiễm. Chị thừa nhận lây nhiễm là điều không tránh khỏi khi mở cửa trường học.
Do đó, nữ phụ huynh đề xuất các bậc cha mẹ được phép lựa chọn gửi con tới lớp hay không, tùy vào tình hình thực tế, quan điểm mỗi người, thay vì để tất cả trẻ ở nhà như hiện nay.
Anh Khắc Ngọc nói thêm từ thực tế gia đình và bạn bè xung quanh, trẻ mắc Covid-19, thường sốt 1-2 ngày, giống như các đợt cảm sốt thông thường, ít rủi ro lớn về mặt sức khỏe.
Phụ huynh này nhận định việc hàng chục triệu trẻ em phải ở nhà để tránh dịch là sự lãng phí rất lớn. Mà thực tế, trẻ ở nhà cũng không tránh dịch được. Trẻ ở nhà, không đi học vẫn trở thành F0 vì người lớn đi làm, vui chơi, sinh hoạt bình thường.
Cùng với quan điểm trẻ ở nhà không có ý nghĩa giảm lây nhiễm, anh Ngọc cho rằng học 2 buổi, bán trú cũng không tăng nguy cơ trẻ mắc Covid-19.
Liên quan đến việc Hà Nội nên mở cửa trường học cho trẻ mầm non, tiểu học không, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền Nhiễm TP.HCM, cho rằng hoàn toàn có thể để trẻ lứa tuổi này đến lớp.
Ông đánh giá người lớn đang không vì trẻ em khi duy trì việc đóng cửa trường học. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh trẻ vẫn mắc Covid-19 kể cả khi ở nhà, do đó, không thể đổ thừa việc cho trẻ đi học làm tăng nguy cơ, số ca nhiễm SARS-CoV-2.
Từ góc độ chuyên môn, ông cho biết khi dương tính nCoV, trẻ trải qua triệu chứng nhẹ. Thông thường, trẻ có thể sốt cao nhưng tự hết trong vòng 48 tiếng, không nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi đó, trẻ ở nhà học online lâu ngày dẫn đến những hệ lụy mà mọi người đều thấy rõ như thiệt thòi về mặt cảm xúc, bệnh tật về tai, mắt…
“TP.HCM cùng nhiều tỉnh, thành khác đã cho trẻ mầm non, tiểu học đi học. Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm để mở cửa trường. Như tại TP.HCM, 2-3 tuần nay, số ca dương tính trong trường học tăng rồi cũng hết, các em không chuyển nặng. Nếu không cho trẻ đi học, chỉ học trò chịu thiệt”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Ông nói thêm trẻ đi học chỉ cần đeo khẩu trang, rửa tay là có thể tự bảo vệ bản thân. Việc thực hiện giãn cách được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu, chứ không nhất thiết. Ngoài ra, ông đề xuất chia trẻ thành nhóm nhỏ 5 em, nếu có ca mắc Covid-19, chỉ khoanh vùng, xử lý trong nhóm nhỏ.