Ở nhà trồng 1 loại cây 'quý như vàng', ông nông dân nhẹ nhàng kiếm hơn 1 tỷ đồng

Mặc dù đã 70 tuổi, người nông dân vẫn chăm chỉ trồng cây và lao động hăng say để tìm niềm vui trong cuộc sống, bất ngờ thu lãi hàng tỷ đồng.

Trồng cây kiếm tiền tỷ rất nhẹ nhàng

Ông Nguyễn Thanh Vi ở Đắk Lắk năm nay 70 tuổi - cái tuổi mà nhiều người đã nghỉ ngơi, an hưởng nhưng ông vẫn hăng say lao động mỗi ngày, chăm sóc cho vườn cây sầu riêng để làm giàu cho gia đình.

Tại vườn cây, gia đình ông nông dân trồng nhiều sầu riêng. Để chăm sóc cho vườn cây, ông tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn đi trước, tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăm sóc loại cây trái "thơm nức mũi".

Để có vườn cây "bạc tỷ" như hiện tại, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Vi phải bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết. Ảnh: Đắk Lắk.

Để có vườn cây "bạc tỷ" như hiện tại, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Vi phải bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết. Ảnh: Đắk Lắk.

Qua quá trình tham quan, học hỏi và chắt lọc từ các mô hình kinh tế ở một số nơi, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, phù hợp trồng cây ăn trái, năm 2013, ông đã bàn với gia đình mạnh dạn trồng cây sầu riêng chuyên canh với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. May mắn sau vài năm chuyển đổi, gia đình ông nông dân Nguyễn Thanh Vi có thu nhập ấn tượng.

Tiết lộ với báo Đắk Lắk về bí quyết làm giàu nhờ vườn cây "bạc tỷ" của gia đình, ông Thanh Vi cho hay: "Lao động ở thời điểm 'tuổi đã xế chiều' giúp cho niềm vui cuộc sống của tôi được nhân lên, tinh thần thoải mái, minh mẫn và thấy mình vẫn có ích cho đời". Năm nay, vườn sầu riêng 60 cây của gia đình ông Vi dự kiến sẽ thu về khoảng 15 tấn quả.

Ngoài sầu riêng, ông còn canh tác thêm 2 sào cà phê trồng xen bơ booth. Mỗi năm trừ chi phí, ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, ông Vi còn có hơn 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 5B. Hiện chi hội hiện có 43 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có hơn 50% hội viên chuyên canh sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội viên trong chi hội luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình cũng như xây dựng quỹ hội, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe.

Nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng

Theo Tạp chí Kinh Doanh, vào đầu tháng 8, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn về việc quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kịp thời phát hiện, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu không đảm bảo quy định.

Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất hình thành chuỗi liên kết theo hướng tổ chức chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý, kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, sớm đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, bãi thải…

Sầu riêng là điểm sáng trên "bức tranh" xuất khẩu rau quả

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, đây là con số cao kỷ lục, trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như: thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.

Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35 - 90%.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, sản xuất cây ăn quả của nước ta liên tục tăng trưởng về diện tích, sản lượng. Cả nước hiện có khoảng 50 loại cây ăn quả, gồm các loại quả ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới; trong đó nhóm các loại quả nhiệt đới có lợi thế xuất khẩu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả đạt hơn 5,6 tỷ USD - tăng gấp 1,47 lần so năm 2018 (năm có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất giai đoạn trước đây), theo Công Thương.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 tăng trưởng bứt phá, vượt qua thanh long, vươn lên vị trí số 1, với khoảng 2,2 tỷ USD (tăng hơn 5 lần so năm 2022). Nhu cầu tiêu thụ, dư địa thị trường rau quả toàn thế giới lớn, liên tục tăng từ 222 tỷ USD năm 2013 lên 311 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 1,4 lần sau 10 năm.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/o-nha-trong-1-loai-cay-quy-nhu-vang-ong-nong-dan-nhe-nhang-kiem-hon-1-ty-dong-204241010155857359.htm