Đặc sản xứ Lạng vươn xa nhờ sức bật của HTX

Với những thành công từ trồng lúa bao thai hồng và sản xuất trà thạch đen, HTX Nông sản sạch Tràng Định không chỉ giúp nông dân yên tâm về đầu ra, mà còn thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất truyền thống, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng. Liệu đây có phải là mô hình tiên phong đưa nông sản Lạng Sơn vươn ra thị trường lớn?

Giữa cánh đồng lúa mênh mông vừa được thu hoạch, Giám đốc HTX, ông Hoàng Văn Hải, kể lại hành trình xây dựng và phát triển HTX. Ông chia sẻ rằng ngay từ khi thành lập vào năm 2017, HTX đã xác định rõ phương hướng chính là kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, bao gồm trồng cây, vật nuôi và chế biến thực phẩm. Mục tiêu trọng tâm của HTX là phát triển các giống lúa đặc sản như bao thai và nếp cái ong vàng, những loại nông sản đã làm nên thương hiệu cho Tràng Định.

Mở hướng thoát nghèo cho người dân

Từ đó, HTX đã không ngừng hợp đồng với bà con, hỗ trợ họ từ việc cung ứng giống, phân bón vi sinh hữu cơ đến việc đào tạo quy trình kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc lúa cho đến khâu thu hoạch. Kết quả của sự hợp tác này không chỉ thể hiện qua con số năng suất cao hơn, mà còn ở niềm tin của người dân vào mô hình mới này.

Ông Mai Văn Thảo, một trong những thành viên tham gia mô hình liên kết, chia sẻ sự thay đổi tích cực: "Trước đây, tôi trồng lúa Khang dân trên 3 sào đất, năng suất cũng chỉ đạt khoảng 2,5 tạ/sào và giá bán khá thấp. Nhưng từ khi tham gia mô hình, cũng trên diện tích đó, tôi cấy lúa bao thai hồng, kết quả thu hoạch được hơn 6 tạ thóc, gần tương đương với trồng giống Khang dân mà giá bán lại cao hơn rất nhiều. Quan trọng nhất là HTX đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, không phải lo đầu ra, khiến chúng tôi rất an tâm và sẵn sàng tiếp tục trồng vào các vụ sau."

Chính nhờ những bước tiến vững chắc ấy, HTX Nông sản sạch Tràng Định đã dần trở thành một điển hình sáng tạo, mang lại niềm hy vọng mới cho những cánh đồng xanh mướt của vùng đất Tràng Định.

HTX Nông sản sạch Tràng Định liên kết với người dân trên địa bàn trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: rau củ quả an toàn, bí thơm,...

HTX Nông sản sạch Tràng Định liên kết với người dân trên địa bàn trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: rau củ quả an toàn, bí thơm,...

Không chỉ lúa, thạch đen là cây trồng bản địa có từ lâu đời trên địa bàn huyện Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến, HTX đã nghiên cứu kết hợp lá thạch đen với nhân trần và một số loại thảo dược khác để sản xuất sản phẩm trà thạch đen. Cuối tháng 1/2024, HTX chính thức đưa sản phẩm Trà thạch đen Lạng Sơn ra thị trường và được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập.

Bà Lý Thị Thu – thành viên HTX kể, gia đình bà trồng thạch đen đã nhiều năm, tuy nhiên diện tích ngày càng giảm do việc tiêu thụ còn gặp khó khăn, cộng thêm giá cả bấp bênh. Kể từ năm 2023, được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX nên gia đình bà và các hộ nông dân trong thôn yên tâm về đầu ra, được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường.

Để sơ chế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đóng gói thành hộp trà, HTX đã chủ động ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp Thực phẩm Thanh Lâm (Phú Thọ). Việc sản xuất trà túi lọc phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch, sấy khô, nghiền, đóng gói… HTX chú trọng cải tiến trong từng khâu, nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với câu nói vui thường ngày "người ta yêu bằng mắt", chính vì lẽ đó, HTX chủ động xây dựng thương hiệu với đầy đủ tem, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên website, nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Sendo...

Hiện nay, sản phẩm trà thạch đen của HTX đã dần khẳng định được chất lượng đối với người tiêu dùng; sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà còn được khách hàng ở các tỉnh, thành khác như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Phú Thọ… tin dùng.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Theo chia sẻ của Giám đốc Hoàng Văn Hải, từ ngày thành lập đến nay, ban lãnh đạo HTX luôn tâm niệm làm việc gì cũng phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, phải dân chủ, khâu quản lý tài chính phải minh bạch, tạo điều kiện cho thành viên đóng góp ý kiến sau mỗi vụ mùa, "Từ những góp ý đó mới biết chỗ nào được, chỗ nào chưa được mà điều chỉnh".

Đặc biệt, trồng lúa cũng có những lúc bấp bênh như giá thấp, chi phí sản xuất tăng. Chính vì vậy, về lâu dài, ban lãnh đạo HTX luôn phải cố gắng tìm thêm đầu ra cho bà con, hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân bị động, lúa bị ép giá, "Làm sao để nghề nông có một vị trí là nghề làm khá làm giàu chứ không còn là nghề nghề cơ cực".

Với ông Hải, HTX không chỉ là nơi làm việc để tạo ra thu nhập cho ông cùng các thành viên mà còn là tâm huyết và sự trăn trở xây dựng một HTX vững mạnh, mang đến lợi ích cao, lâu dài, ổn định cho nông dân.

"Không thể cứ hoạt động mãi theo hướng truyền thống, vừa tốn sức người lại mất rất nhiều thời gian. Ngoài những máy móc được tỉnh hỗ trợ đầu tư: máy xay xát, máy sấy, máy lọc sạn và máy tách màu..., HTX đã đầu tư mở xưởng, sân bãi và kho với tổng diện tích hơn 700m2 để thực hiện mô hình nhằm liên kết với người dân trên địa bàn trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản khác như: rau củ quả an toàn, bí thơm, thạch đen, cốm, cà gai leo…", Giám đốc Hoàng Văn Hải tâm sự.

Ngoài các giống gạo đặc sản, HTX phát triển thêm sản phẩm trà thạch đen để tăng nguồn thu, đa dạng hóa nguồn cung.

Ngoài các giống gạo đặc sản, HTX phát triển thêm sản phẩm trà thạch đen để tăng nguồn thu, đa dạng hóa nguồn cung.

Mong muốn đưa nông sản xứ Lạng đến gần hơn với người tiêu dùng, HTX Nông sản sạch Tràng Định còn liên kết với các HTX khác trên địa bàn tỉnh để làm đại lý phân phối sản phẩm nông sản, đặc sản đến một số tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội…

Bên cạnh đó, HTX thường xuyên tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm tới khách hàng trên cả nước.

Lãnh đạo thị trấn Thất Khê đánh giá, nhờ sự đồng lòng từ tập thể cùng tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông sản sạch Tràng Định trở thành đầu mối thu mua với giá ổn định, nông dân không còn bị thương lái ép giá. Việc triển khai liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm sức lao động đã góp phần tích cực để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc tại địa phương.

Năm 2024, HTX vinh dự được nhận Giải thưởng Ngôi sao HTX của Liên minh HTX Việt Nam, HTX nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn. HTX vẫn luôn duy trì và xây dựng thương hiệu các sản phẩm gạo đặc sản: nếp cái ong vàng, gạo bao thai đều đã đạt OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX đã xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 hộp trà từ thời điểm bắt đầu sản xuất, đem lại doanh thu 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.

Trăn trở sau bão Yagi

Lạng Sơn nằm trong số các tỉnh miền Bắc đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua. Những trận mưa lớn và gió mạnh gây ra nhiều thiệt hại cho các hộ dân, HTX nông nghiệp.

HTX Nông sản sạch Tràng Định là một trong những đơn vị chịu thiệt hại nặng nề. Hơn 1/2 trên tổng 96 ha lúa đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch đã bị ngập sâu trong nước, gây ra tình trạng đổ rạp. Không chỉ vậy, các loại máy gặt - vốn là công cụ quan trọng giúp bà con thu hoạch mùa màng, cũng bị hư hỏng nặng nề. Thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng, khiến cho hoạt động sản xuất của HTX bị đình trệ.

Lúa chuẩn bị thu hoạch bị bão tàn phá.

Lúa chuẩn bị thu hoạch bị bão tàn phá.

Ngay sau mưa bão, HTX đã chỉ đạo, hướng dẫn các hộ thành viên khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại. Giám đốc Hoàng Văn Hải bùi ngùi kể: "Nếu như không gặp bão thì năm nay người dân nơi đây thắng lớn, lúa tốt trĩu hạt, tuy nhiên giờ chỉ còn hơn 60% sản lượng đạt chuẩn để xuất bán".

Bão đi qua để lại vô vàn khó khăn trong việc khôi phục sản xuất. Các loại máy móc hư hỏng vẫn chưa thể được sửa chữa do nguồn kinh phí hạn chế, tình hình tài chính của HTX vẫn đang gặp khó. Việc thiếu hụt vốn không chỉ ảnh hưởng đến công tác sửa chữa máy móc mà còn kéo theo những khó khăn khác trong việc mua giống và vật tư nông nghiệp cho mùa vụ tiếp theo.

“HTX Nông sản sạch Tràng Định rất cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội để có thể phục hồi sản xuất. Việc xây dựng lại hệ thống sản xuất an toàn, bền vững là điều cần thiết để tránh những thiệt hại tương tự trong tương lai. Bên cạnh đó, HTX cũng mong có các giải pháp mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng”, Giám đốc Hoàng Văn Hải bày tỏ.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/dac-san-xu-lang-vuon-xa-nho-suc-bat-cua-htx-1102929.html