Ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng: Xử lý nghiêm vi phạm
Xe ô tô vận chuyển đất, cát, vật liệu xây dựng trên đường không có bạt che chắn là thực trạng đang diễn ra ở nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội trong thời gian qua. Đã đến lúc các cấp, ngành chức năng của thành phố cần xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án cố tình không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường.
Nguồn bụi bẩn từ những "đại công trường"
Khảo sát tại địa điểm thi công Nhà ga S9 (thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội), thời điểm 8h ngày 21-11, phóng viên Báo Hànôịmới chứng kiến một không gian mù mịt bụi dù khu vực thi công đã được quây hàng rào tôn. Vào giờ cao điểm sáng và chiều hằng ngày, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, người dân khi lưu thông qua đây đều cảm thấy mệt mỏi do khói xe, bụi bẩn.
Rác, phế thải xây dựng tập kết sát hàng rào dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy).
Tương tự, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy) cũng thường xuyên phát sinh bụi bẩn do máy móc phục vụ thi công và quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng gây ra. Theo quan sát của phóng viên ở thời điểm 14h ngày 19-11, tại trước cửa số nhà 580 đường Trường Chinh (quận Đống Đa), lợi dụng việc thi công, người dân mang rác, phế thải xây dựng ra tập kết giáp tường rào dự án, khiến khu vực này càng thêm nhếch nhác, mất vệ sinh.
Công trình thi công chung cư Ecohome 3, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cũng trong tình cảnh tương tự. Mặt đường Tân Xuân, đoạn giáp công trình này, khi có phương tiện đi qua đều cuốn bụi bay mù mịt khắp nơi. Ông Nguyễn Văn An, sống tại Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 bức xúc: “Xe vận chuyển vật liệu xây dựng nhưng không thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường nên để rò rỉ nước, rơi vãi đất, cát ra đường gây ô nhiễm môi trường”. Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Văn Ngạn, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Bắc 9 - đơn vị thi công dự án chung cư Ecohome 3 cho biết: Đơn vị thi công đã xây cầu rửa xe ở lối ra vào công trình, song vẫn còn tình trạng lái xe rửa xe qua loa, thậm chí không thực hiện nhưng vẫn lưu thông.
Tình trạng bụi bẩn cũng diễn ra ở khu vực phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), nơi có nhiều công trình xây dựng đang thi công, nhất là trên tuyến đường 70 chạy qua địa bàn phường. Khảo sát thêm ở một số địa điểm như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức; Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng và chỉnh trang tuyến đường quốc lộ 6, qua thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp đường 419 huyện Thạch Thất..., phóng viên cũng ghi nhận tình trạng bụi bẩn bủa vây. Nguyên nhân chính là thời gian thi công kéo dài, các nhà thầu không thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường nên gây ra bụi bẩn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
Ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Sở đã kiểm tra 13.860 công trình, trong đó đã lập hồ sơ xử lý 518 trường hợp vi phạm (chủ yếu là vi phạm quy định về bảo vệ môi trường); ban hành 781 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng... Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng ô nhiễm bụi do công trình xây dựng vẫn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), hiện trên địa bàn phường có nhiều dự án đang triển khai, với hàng trăm chuyến xe tải chở vật liệu xây dựng vào ra công trình hằng ngày. UBND phường đã nhiều lần mời các đơn vị thi công đến làm việc, yêu cầu ký cam kết phải thu dọn đất, cát, vật liệu xây dựng để rơi vãi ra đường. Tuy nhiên, do các phương tiện này chủ yếu hoạt động ban đêm hoặc sáng sớm nên đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Về góc độ quản lý nhà nước, ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho rằng, để giảm thiểu bụi bẩn do các dự án xây dựng gây ra, UBND quận yêu cầu Đội Quản lý trật tự xây dựng quận thường xuyên kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải có bạt che chắn. Đồng thời, UBND quận cấp giấy phép cho các đơn vị được quây tôn, sử dụng hè phố để trung chuyển vật liệu xây dựng đúng quy định, giảm thiểu bụi. Còn theo ông Nguyễn Đình Linh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức, đơn vị thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các nhà thầu thi công Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy tăng cường xe tưới nước giảm bụi; quá trình vận chuyển đất từ công trình ra ngoài phải che chắn kín, bảo đảm không làm rơi vãi ra đường. Song, ý thức chấp hành của các nhà thầu chưa cao, vẫn để phát sinh bụi bẩn.
Để khắc phục những tồn tại kể trên, ông Đồng Phước An khẳng định: Trong năm 2020, Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở xác định công tác thanh, kiểm tra các dự án là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh; chú trọng thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Linh kiến nghị: Cùng với việc thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý các nhà thầu cố tình vi phạm nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật được nghiêm minh.