Ô nhiễm không khí làm giảm khả năng sinh con bằng thụ tinh ống nghiệm

Theo một nghiên cứu mới đây, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm giảm đáng kể khả năng sinh con sau khi điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF).

Trước đây, rất nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ khi tiếp xúc với chất ô nhiễm có nguy cơ bị sảy thai, sinh non tăng và các "hạt carbon đen" cực nhỏ đã được chứng minh là di chuyển qua máu vào buồng trứng và nhau thai. Nghiên cứu mới này cho thấy tác động của ô nhiễm bắt đầu trước khi thụ thai bằng cách phá vỡ sự phát triển của trứng.

Tiến sĩ Sebastian Leathersich, một chuyên gia về khả năng sinh sản và bác sĩ phụ khoa đến từ Perth (Úc) đã trình bày những phát hiện này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Sinh sản và phôi học con người châu Âu tại Amsterdam (Hà Lan).

"Chúng tôi quan sát thấy rằng khả năng có con sau khi chuyển phôi đông lạnh thấp hơn 1/3 đối với những phụ nữ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí trước khi lấy trứng, so với những phụ nữ tiếp xúc với mức độ thấp hơn", ông cho biết.

Ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người mà theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là đã gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2019. Các hạt carbon đen cực nhỏ đã được chứng minh là có thể đi từ phổi vào máu và đến mọi cơ quan trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư dạ dày và chứng mất trí nhớ. Tình trạng ô nhiễm cũng có liên quan đến việc giảm trí thông minh.

"Ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người và tôi không ngạc nhiên khi sức khỏe sinh sản cũng bị ảnh hưởng. Tôi hy vọng rằng những phát hiện này sẽ giúp làm nổi bật tính cấp bách rằng biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và tức thời đối với sức khỏe sinh sản của con người, ngay cả ở mức được gọi là an toàn", ông Leathersich cho biết.

Nghiên cứu trên đã phân tích các phương pháp điều trị vô sinh ở Perth trong khoảng thời gian 8 năm, bao gồm 3.659 ca chuyển phôi đông lạnh và theo dõi xem kết quả có liên quan đến mức độ hạt mịn. Kết quả cho thấy tỷ lệ sinh con giảm đến 38%.

"Những phát hiện này cho thấy ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng trứng, không chỉ trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Đây là sự khác biệt chưa từng được báo cáo trước đây", ông Leathersich nói.

Nhóm nghiên cứu hiện đang có kế hoạch nghiên cứu trực tiếp các tế bào để hiểu lý do tại sao các chất ô nhiễm có tác động tiêu cực. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các hạt carbon đen có thể làm hỏng DNA và gây viêm ở các mô.

Giáo sư Jonathan Grigg, người có nhóm nghiên cứu tại Đại học Queen Mary London (Anh) cho biết: "Nghiên cứu này có thể chấp nhận được về mặt sinh học vì gần đây người ta phát hiện ra rằng các hạt nhiên liệu hóa thạch được hít vào cơ thể có thể di chuyển ra khỏi phổi và nằm trong các cơ quan xung quanh cơ thể. Sức khỏe sinh sản hiện có thể được thêm vào danh sách mở rộng các tác động tiêu cực của vật chất dạng hạt có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tiếp tục giảm lượng khí thải giao thông".

Đan Thùy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/o-nhiem-khong-khi-lam-giam-kha-nang-sinh-con-bang-thu-tinh-ong-nghiem-219333.html