Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đáng báo động, đặc biệt khu hồ Tây

Mùa đông tại Hà Nội là thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất do khí thải khó phát tán nên lưu lại ở tầng thấp.

Nhiều ngày nay, Hà Nội cũng như một số tỉnh phía Bắc rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trên ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir tại Hà Nội sáng 5/1, chỉ số ô nhiễm không khí của thành phố là 215. Trong đó, khu vực Tây Hồ là cao nhất ở ngưỡng 245 thang màu tím, không tốt cho sức khỏe.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí ghi nhận Hà Nội ô nhiễm thứ 3 thế giới lúc 9h sáng nay, chỉ sau thành phố Dhaka của Bangladesh và Thủ đô Baghdad của Iraq. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội còn vượt xa 2 thành phố thường xuyên đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí là Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan).

Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó 3 đợt tháng 1-4 và 1 đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết ô nhiễm ở Hà Nội ngày càng tăng, xu hướng không rõ ràng. Nguyên nhân có thể do việc kiểm soát nguồn thải từ sản xuất, xây dựng, giao thông, đốt rơm rác. Ngoài ra, điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi cho phát tán không khí nên khí thải ra ngoài môi trường bị lưu cữu ở tầng thấp khiến nồng độ ô nhiễm không khí cao.

Theo ông Đặng Ngọc Mạnh - chuyên gia kỹ thuật đo lường và tin học, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), hiện nay chất lượng không khí kém chủ yếu xảy ra vào ban đêm và sáng sớm.

Đốt rác tại quốc lộ 5 gần Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mạnh.

Đốt rác tại quốc lộ 5 gần Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mạnh.

Theo vị chuyên gia này, trước đây, chúng ta thường cho rằng khí thải phương tiện giao thông khiến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, thời điểm ô nhiễm nhất từ 1-2h sáng, lúc này lưu lượng phương tiện giao thông rất thấp nhưng chỉ số lại cao vọt lên.

Ông Mạnh lý giải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không phải do phương tiện giao thông mà tình trạng đốt rác thải ở các khu vực lân cận. Đây cũng là lý do ngoại thành hay Tây Hồ, những khu vực được coi là “xanh”, “lá phổi của thủ đô”, ít dân cư sinh sống lại là điểm ô nhiễm không khí cao nhất. Ông Mạnh từng trực tiếp đặt máy đo chỉ số ô nhiễm không khí ở Gia Lâm (Hà Nội) - khu vực có rất nhiều cây xanh nhưng chỉ số ô nhiễm vẫn cao.

Theo ông Mạnh, để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí, Hà Nội và các tỉnh lân cận cần nhanh chóng có các biện pháp siết chặt hoạt động đốt rác thải, rác công nghiệp.

Bác sĩ Quan Thế Dân - Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) cho biết ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người đặc biệt là trẻ nhỏ, người già. Hà Nội được xác định ô nhiễm bụi mịn 2.5pm. Đó là những hạt bụi rất nhỏ, đường kính dưới 2,5µm (bằng 1/30 đường kính sợi tóc). Bụi mịn có thể vượt qua tất cả hàng rào bảo vệ của phổi mà đi vào phế nang, máu gây ra nhiều bệnh hô hấp và tim mạch như viêm phế quản, viêm phổi, hen, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân Hà Nội thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Theo bà Lê Thái Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), đơn vị này đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Các thang cảnh báo ô nhiễm không khí cụ thể như sau:

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/o-nhiem-khong-khi-ha-noi-dang-bao-dong-2359817.html