Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang rất bức xúc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị đánh giá tổng thể việc ô nhiễm ở Thủ đô Hà Nội và cần có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Sáng 7-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành". Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025.

Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đề cập đến vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội và cho rằng cần có đánh giá tổng thể.

Theo ông Vinh, chúng ta cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể từ đâu. Vì vậy, Đoàn giám sát cần rà soát xem nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào?.

Bên cạnh đó, nên kiểm soát bụi xây dựng phát sinh trong quá trình phát triển đô thị, vì thông thường tăng trưởng nóng sẽ gắn với bụi xây dựng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục dẫn chứng ngay việc nhà ở chỉ cần một ngày không lau là mặt bàn, mặt kính được phủ một lớp bụi. Nếu bụi đó vào đường hô hấp sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Vấn đề ô nhiễm khu công nghiệp, xây dựng, rồi khu nông nghiệp do đốt rác thải…, theo ông Vinh, cũng cần phải có giải pháp.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có thời gian ô nhiễm nặng nề, nhưng sau khi giải quyết bằng cách chuyển hết khu công nghiệp ra khỏi nội đô và tổ chức lại cây xanh, giờ đây không ai nói Bắc Kinh ô nhiễm nữa.

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với mục tiêu, thời gian và phương thức tiến hành giám sát, song ông nhấn mạnh hoạt động giám sát phải đưa ra được những kiến nghị chính sách mạnh mẽ theo nguyên tắc "ai gây ra ô nhiễm phải trả phí khắc phục môi trường". Ví dụ anh thải ra 100 m3 nước thải phải trả phí xử lý 100 m3 nước thải đó. Việc giám sát ở các địa phương phải chú ý đặc thù để có kế hoạch khác nhau. Ví dụ với Hà Nội, ô nhiễm không khí đang rất bức xúc thì tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí", ông Định nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, về vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cũng đã có giải pháp, nhưng đây là vấn đề cần được giám sát. "Sau đợt giám sát này, chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn, giống kinh nghiệm của một số quốc gia xung quanh, như Trung Quốc, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn", ông Thành nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu ý kiến

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu ý kiến

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng dẫn chứng bài học kinh nghiệm của thành phố New York (Mỹ) khi tiến hành thu phí, không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông. Theo ông Thành, hiện UBND Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện việc này.

"Rất mong qua việc giám sát lần này sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó cần sửa đổi các luật, nghị định và cần hành động quyết liệt của chính quyền địa phương", ông Thành nói và cho biết Bộ TN-MT cũng đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể để giúp cuộc giám sát thiết thực, chỉ ra được giải pháp.

Góp ý chung, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu khi giám sát phải chỉ ra mặt mạnh và chỉ ra nơi còn hạn chế, yếu kém, tìm ra được nguyên nhân chủ quan và khách quan xem ở từng đơn vị, địa phương có quan tâm bảo vệ môi trường không. "Phải có địa chỉ cụ thể chứ không nói chung chung và đề xuất trách nhiệm của từng cơ quan ở Trung ương trong bảo vệ môi trường,", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Theo dự kiến chương trình, thời gian giám sát tại địa phương dự kiến từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31-7. Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10-2025.

Theo đề cương, đoàn giám sát sẽ tổ chức 4 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương, gồm 5 thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và 10 tỉnh: Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng.

Một số nội dung tập trung đánh giá có hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm: kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị; việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng).

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-dang-rat-buc-xuc-196250107123757331.htm