Ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu từ thiết bị điện tử

Khi trong gia đình có các hoạt động nấu ăn bằng lò vi sóng thì nồng độ bụi siêu mịn tăng cao đột biến. Nhà càng nhiều thiết bị điện tử và động cơ điện thì ô nhiễm bụi siêu mịn càng cao.

Theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng), với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ô nhiễm không khí tại khu vực nội thành Hà Nội có lúc đã trở nên báo động, làm ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe mà cả đến các hoạt động trong TP.

Chất lượng không khí tại Hà Nội đã có cải thiện nhưng vẫn đáng báo động.

Chất lượng không khí tại Hà Nội đã có cải thiện nhưng vẫn đáng báo động.

GS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội chia sẻ: Sự ô nhiễm không khí chắc chắn còn là câu chuyện dài không chỉ của riêng Hà Nội mà là của nhiều TP lớn như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, trong đó có môi trường sống, là mục tiêu phấn đấu cho mọi ngành, mọi lĩnh vực mà Thành ủy, HĐND TP đã đặt ra trong những qua.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự tăng dân số ngoài kế hoạch, hạ tầng xã hội tăng không kịp với nhu cầu. Cho nên dù TP Hà Nội có nhiều cố gắng thì vấn đề môi trường vẫn vô cùng bức xúc, trong đó có ô nhiễm không khí.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng) cho biết, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động xấu của bụi đến sức khỏe nhưng hiện chưa có công bố nào về bụi siêu mịn liên quan đến nhà ở tại Việt Nam. PGS.TS Trần Ngọc Quang cùng các đồng sự đã chọn 6 địa điểm đo ở Hà Nội là Linh Đàm (2 điểm), Nguyễn Khoái, Bưởi, Pháp Vân và Dương Nội, sử dụng thiết bị nano tracer đo bụi hạt có dải đo từ 10 - 30nm.

Kết quả về nồng độ bụi siêu mịn bên trong và ngoài nhà trung bình là 27.000 đến 31.000 hạt/cm3, tương đương với kết quả quan trắc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là 30.000 hạt/cm3. Trong các địa điểm đo này thì khu vực Linh Đàm có mức độ ô nhiễm cao hơn các điểm còn lại. Khu đô thị Dương Nội, Nguyễn Khoái có mức độ ô nhiễm thấp hơn. Nồng độ ô nhiễm bụi siêu mịn này ở Hà Nội so với các quốc gia khác là cao hơn nhiều.

Nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu từ các hoạt động nấu ăn, sử dụng bếp gas, lò vi sóng, và việc mở cửa để thông gió tự nhiên cũng khiến bụi siêu mịn xâm nhập. Kết quả đo cho thấy, khi trong gia đình có các hoạt động nấu ăn bằng lò vi sóng, rang lạc bằng tay… thì nồng độ bụi siêu mịn tăng cao đột biến. Nhà càng nhiều thiết bị điện tử và động cơ điện thì ô nhiễm bụi siêu mịn càng cao.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, những phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Hà Nội đóng góp lớn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Trong đó, bụi PM2.5 từ giao thông là 40%, từ xe diesel là 10%, bụi nano từ giao thông là 46,3%... Để có thể giảm thiểu được ô nhiễm không khí, đặc biệt từ các phương tiện giao thông cơ giới, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng nêu một số giải pháp như sau: Chuyển đổi nhiên liệu; thắt chặt tiêu chuẩn phát thải; tăng cường phương tiện công cộng; cải thiện vận tốc trung bình; quản lý giờ cao điểm…

Thùy Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/o-nhiem-khong-khi-trong-nha-chu-yeu-tu-thiet-bi-dien-tu-351161.html