Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng xung quanh quặng bô xít của Công ty Nhôm Lâm Đồng

Trong thời gian chờ kết quả giám định chất lượng nguồn nước, các hộ dân sinh sống tại thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) vẫn phải đóng phí, bất an sử dụng nguồn nước chưa rõ mức độ an toàn ra sao.

Ngày 8-11, PV Báo SGGP ghi nhận tình trạng nguồn nước sinh hoạt của hàng chục hộ dân tại khu vực thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) bị ô nhiễm nặng bởi hoạt động khai thác bô xít của Công ty Nhôm Lâm Đồng.

 Hoạt động khai thác quặng bô xít tại thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Hoạt động khai thác quặng bô xít tại thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Theo phản ánh của người dân, tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm bắt đầu từ năm 2021 khi mà hàng chục thiết bị máy móc của Công ty Nhôm Lâm Đồng được huy động đến khu vực thôn để đào xới, múc đất phục vụ khai thác bô xít.

 Hoạt động khai thác đã tiến sát đến khu vực sản xuất, nhà ở của người dân tại đây. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Hoạt động khai thác đã tiến sát đến khu vực sản xuất, nhà ở của người dân tại đây. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tuy nhiên, những tuần gần đây, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khi hoạt động khai thác bô xít tiến gần, chỉ cách 30-40m khu vực sinh sống của hàng chục hộ dân.

Bà Phan Thị Nhuệ (sinh năm 1948, thôn 7, xã Lộc Ngãi) cho biết: “Gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân khác vào sinh sống tại đây từ cuối những năm 1980, giếng nước sâu 24 mét cũng được đào từ thời điểm đó dùng không vấn đề gì, nhưng gần đây, nước hút lên đỏ quạch, không thể dùng được”.

 Phía sau dãy cây xanh, máy móc hoạt động khai thác rầm rộ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phía sau dãy cây xanh, máy móc hoạt động khai thác rầm rộ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Cách đó không xa, gia đình bà Phan Thị Hướng cũng chịu chung cảnh ngộ, bà Hướng cho biết: “Giếng khoan của gia đình giờ bị ô nhiễm khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, tình trạng trên kéo dài từ lâu nhưng chưa xử lý dứt điểm”.

Được biết, sau khi ghi nhận tình trạng nước giếng của người dân bị ô nhiễm, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã tiến hành khoan 2 giếng để hút lên bơm cho người dân. Tuy nhiên, nước ngầm hút lên bể chứa sau đó dẫn trực tiếp đến khoảng 80 hộ dân và hai trường mầm non và tiểu học với hàng trăm học sinh trong thôn mà không qua hệ thống xử lý nào.

 Trước đó, hoạt động khai thác quặng bô xít làm nước tràn xuống nhiều nhà dân tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Ảnh: CTV

Trước đó, hoạt động khai thác quặng bô xít làm nước tràn xuống nhiều nhà dân tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Ảnh: CTV

Mặt khác, người dân vẫn phải chịu mức phí từ 2.000 đồng/m3 từ hệ thống giếng nước này. Thời gian gần đây, một trong hai giếng xuất hiện tình trạng nước đục màu đỏ (giống như nước giếng của người dân bị ô nhiễm) khiến nhiều hộ dân hoang mang không dám sử dụng mà đi chở nước từ xa về hoặc mua nước bình (loại 20 lít) để sinh hoạt.

 Cuộc sống của bà Phan Thị Nhuệ cùng nhiều hộ dân tại thôn 7, xã Lộc Ngãi bị đảo lộn sau khi nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Cuộc sống của bà Phan Thị Nhuệ cùng nhiều hộ dân tại thôn 7, xã Lộc Ngãi bị đảo lộn sau khi nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ngoài ra, những người dân sinh sống tại thôn 7, xã Lộc Ngãi cũng phản ánh, do hoạt động khai thác quặng bô xít diễn ra cả ngày lẫn đêm ngay sát khu dân cư khiến nơi đây luôn bị ô nhiễm bụi đất, tiếng ồn.

Liên quan đến vụ việc, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Công ty Nhôm Lâm Đồng nhưng không nhận được phản hồi.

Trước những bức xúc của người dân, mới đây UBND huyện Bảo Lâm đã tiến hành lấy mẫu nước giếng khoan mà Công ty Nhôm Lâm Đồng đầu tư đưa đi kiểm định chất lượng.

Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bảo Lâm cho biết hiện đang chờ kết quả giám định chất lượng nguồn nước.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi kết quả, hàng chục hộ dân hàng ngày vẫn phải đóng tiền, bất an sử dụng nguồn nước chưa rõ mức độ an toàn ra sao.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/o-nhiem-nguon-nuoc-nghiem-trong-xung-quanh-quang-bo-xit-cua-cong-ty-nhom-lam-dong-post713257.html