Ô nhiễm vi nhựa – gióng lời cảnh báo
Các cuộc đàm phán về những hiệp ước toàn cầu luôn gặp khó khăn nếu văn bản mang tính pháp lý đụng chạm đến quyền lợi và nghĩa vụ của một số đối tác. Và điều này cũng xảy ra hôm 1-12-2024 khi các đại diện từ hơn 175 quốc gia đã kết thúc kỳ họp của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) tại Busan, Hàn Quốc sau bảy ngày đàm phán mà không đạt được thỏa thuận nào. Hiệp ước toàn cầu về nhựa lại tiếp tục dang dở.
Đây là vòng đàm phán thứ năm, cũng được dự tính là vòng đàm phán cuối cùng cho Hiệp ước Nhựa Toàn cầu, được các nhà lãnh đạo thế giới hứa hẹn cách đây hai năm trong một cam kết lịch sử nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trong suốt vòng đời của nó - bao gồm sản xuất, thiết kế và xử lý. Tuy nhiên, bản dự thảo của Panama đưa ra trong vòng đàm phán chỉ nhận được sự đồng thuận của hơn 100 quốc gia, số còn lại hoặc lưỡng lự hoặc phản đối.
Ba vấn đề lớn xuyên suốt các vòng đàm phán. Thứ nhất là cấm nhựa dùng một lần. Thứ hai là hạn chế sản xuất các loại nhựa khó phân hủy hiện hữu, thay vào đó là các loại nhựa có công thức hóa học dễ phân hủy hoặc dễ tái chế hơn; bởi với đà tăng trưởng sản xuất sản phẩm nhựa như hiện nay thì chẳng có biện pháp nào ngăn chặn được rác nhựa. Và thứ ba là gấp rút ngăn chặn sự hình thành các hạt vi nhựa trong môi trường, cả trong nước lẫn trong không khí, cả từ các nguồn thực phẩm đến sản phẩm làm đẹp. Nếu làn sóng rác nhựa tấn công vào môi trường thì ô nhiễm vi nhựa tấn công trực diện vào tế bào con người, và người ta đã tìm thấy các hạt vi nhựa polyethylene hiện diện trong mảng xơ vữa động mạch cùng các vi hạt polyvinyl chloride trong các mảng chất béo của bệnh nhân.
Đã có hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần đối với các sản phẩm túi nhựa dùng một lần (túi nylon). Những lệnh cấm này có thể rất hiệu quả. Một thống kê cho thấy lệnh cấm tại năm tiểu bang và thành phố của Mỹ đã cắt giảm lượng tiêu thụ túi nhựa dùng một lần khoảng sáu tỉ túi mỗi năm, và ở Anh Quốc số lượng túi nhựa được tìm thấy trên bãi biển đã giảm 80% sau khi quốc gia này áp dụng mức phí bắt buộc đối với túi nylon. Nhưng dạng ô nhiễm vi nhựa có lẽ là nguy hiểm nhất, bởi chúng quá nhỏ và thoát ra ngoài trong quá trình sử dụng sản phẩm, như sự mài mòn từ lốp ô tô, giặt sạch hàng dệt may hoặc từ mỹ phẩm...
Người ta cho rằng vi nhựa chiếm 15-31% trong tổng số 9,5 triệu tấn nhựa ước tính thải ra đại dương mỗi năm. Hơn mười quốc gia đã cấm sử dụng hạt vi nhựa trong mỹ phẩm, điều này đã gây áp lực đáng kể buộc các công ty phải ngừng sử dụng chúng, và Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên yêu cầu máy giặt mới phải có bộ lọc sợi nhỏ. Nhưng nếu có những giải pháp thay đổi trong cách sản xuất hàng dệt may thì sẽ hiệu quả hơn, và đây là một nhiệm vụ khó khăn.
Các nhà vận động cũng như đa số các nhà đàm phán cho biết cần hạn chế sản xuất để có hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ, thay vì chỉ tái sử dụng hay tái chế những ngọn núi rác thải nhựa ngày càng lớn, điều cần thiết là phải giải quyết vấn đề ngay từ nguồn gốc. Ngược lại, đại diện từ các quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch đã kiên quyết trì hoãn tiến độ cũng như muốn giảm mục tiêu cắt giảm sản xuất nhựa.
Giữa cơn giận dữ của những nhà vận động môi trường và sự thất vọng của các nhà đàm phán, một số người tham gia dự kiến sẽ họp lại vào năm tới để thử lại. Trong khi đó, một số cho rằng 95 quốc gia đã thúc đẩy cam kết ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giảm sản xuất - bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Nhóm châu Phi và nhiều quốc gia Nam Mỹ... nên tiếp tục và xây dựng hiệp ước của riêng họ.
Với mức tăng trưởng theo dự kiến của ngành nhựa thế giới - trị giá 712 tỉ đô la bây giờ sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp 3 vào năm 2050 - thì rất khó duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình dưới 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris 2015. Trong khi các biện pháp tái chế và tái sử dụng rác nhựa nhiều năm qua chỉ đạt mức rất thấp, vì không hiệu quả lại gây độc hại; ngay cả việc chuyển đổi rác thải thành năng lượng (WTE), trong đó nhựa được đốt để tạo ra điện cũng tạo ra tro cực độc...
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/o-nhiem-vi-nhua-giong-loi-canh-bao/