Ở nhiều nước, không có chuyện 'cứ xe to phải đền xe bé' khi xảy ra tai nạn
Ở Mỹ, trách nhiệm trong một vụ tai nạn có thể được xác định theo tỷ lệ, phụ thuộc sự liên quan của phương tiện, chứ không phải cứ 'xe to' là sai, còn 'xe bé' vô tội.
Theo luật của nhiều quốc gia trên thế giới, lỗi của các bên trong một vụ tai nạn giao thông dựa trên lời kể của nhân chứng, điều tra của cảnh sát, thay vì quan niệm "xe to" luôn có lỗi còn "xe bé" thì "vô tội".
Chia lỗi theo tỷ lệ xác định
Tại Mỹ, việc xác định bên phải chịu trách nhiệm trong một vụ tai nạn ô tô không dễ dàng. Thông thường, tài xế được xác định có lỗi phải đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, một số bang có hệ thống xác định lỗi khá phức tạp. Theo đó, những người có liên quan tai nạn sẽ chịu tỷ lệ trách nhiệm đúng với sự liên đới của họ.
Ví dụ, một lái xe tải rẽ ngang làn đường khiến phương tiện phía sau phanh gấp, gây tai nạn. Lỗi được xác định chủ yếu là do người lái xe tải. Tuy nhiên, ô tô đi sau có thể cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì tài xế không quan sát kỹ hoặc không giữ đúng khoảng cách an toàn với xe phía trước.
Khi tai nạn giao thông xảy ra, cảnh sát tới hiện trường, phân tích mức độ thiệt hại của các phương tiện liên quan, đánh giá người có lỗi và chịu bao nhiêu phần trăm trách nhiệm.
Hầu hết vụ tai nạn xe hơi tại Mỹ được giải quyết không cần phải thông qua tòa án. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên đưa nhau ra tòa, thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn sẽ xem xét tài liệu và lập luận của luật sư đại diện các bên. Từ đó, họ xác định người có lỗi và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho phía còn lại.
Ví dụ, nếu tai nạn xảy ra, ô tô được xác định đúng và người đi xe đạp đi sai làn đường, tài xế ô tô sẽ có lợi thế trong vụ kiện tại tòa án.
Trong khi đó, tại Anh, từ tháng 1/2022, cơ quan thực thi pháp luật bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống phân cấp người tham gia giao thông đường bộ.
Trước đây, người đi bộ, trẻ em và người già được coi là có nguy cơ "bị hại" cao nhất và ít phải chịu trách nhiệm. Nhưng với quy định mới, trách nhiệm của các bên tham gia giao thông được xác định rõ ràng. Lái xe không có quyền ưu tiên tại các nút giao thông. Họ phải nhường đường cho bất kỳ ai đang chờ hoặc đang trong quá trình sang đường, thay vì chỉ nhường đường cho người sang đường trên vạch kẻ sơn như trước đây.
Ngoài ra, luật ở Anh cho phép ô tô và xe đạp bình đẳng khi lưu hành trên các tuyến giao thông. Điều này giúp người đi xe đạp có nhiều không gian hơn trên đường phố, đồng thời giảm sự chủ quan của tài xế ô tô trong việc phán đoán tình huống giao thông.
Về phần mình, người đi xe đạp có trách nhiệm phải quan sát phương tiện khác di chuyển tại các giao lộ và trên đường hẹp.
Với các trường hợp ô tô đâm chết người đi bộ ở Singapore, tài xế có thể được giảm nhẹ cáo buộc nếu lập luận được rằng người đi bộ có lỗi như bất ngờ lao xuống đường, bất cẩn khi qua đường... Tòa án sẽ xem xét các lập luận này cùng những yếu tố giảm nhẹ khác để quyết định có giảm nhẹ lỗi của lái xe không.
Nếu tài xế có thể chỉ ra là không phạm luật và những người khác trong tình huống của mình cũng không thể tránh khỏi tai nạn, họ có thể không bị buộc tội.
Không tài xế nào vô can
Ở Nhật Bản, tất cả người liên quan tai nạn giao thông có thể đều phải chịu trách nhiệm. Trong một số trường hợp, các tài xế có thể không có lỗi nhưng vẫn phải chịu một phần trách nhiệm do không thực hiện biện pháp phòng ngừa để tránh tai nạn.
Các nạn nhân trong một vụ tai nạn thường liên hệ với công ty bảo hiểm của phía bên kia để thương lượng, yêu cầu trả tiền bồi thường. Nhưng dù họ tin mình không có lỗi, nhân viên công ty bảo hiểm vẫn thường khẳng định "tỷ lệ phần trăm lỗi của bạn không thể bằng 0 vì xe của bạn cũng đang lưu thông trên đường".
Nếu xảy ra va chạm giữa 2 phương tiện giao thông ở Pháp, bạn thường phải điền vào mẫu báo cáo cung cấp bản tường trình ngắn gọn về tai nạn. Tài liệu này cho phép công ty bảo hiểm xác định trách nhiệm của các bên và khoản bồi thường cần phải trả. Báo cáo trên là tài liệu quan trọng, có thể được sử dụng làm bằng chứng nếu hai bên đưa nhau ra tòa.
Luật ở Ấn Độ quy định trong các trường hợp xảy ra tai nạn, chỉ khi có đủ bằng chứng chứng minh tai nạn gây ra do lái xe ẩu hoặc mắc lỗi, hành vi phạm tội mới được cấu thành.
Trường trường hợp nạn nhân chết, vụ việc sẽ được chuyển thành án hình sự và xử lý theo quy định về tội danh liên quan chết người do sơ suất trong Bộ luật Hình sự Ấn Độ.
Về mặt pháp lý, các lái xe có trách nhiệm đưa người bị thương tới bệnh viện để điều trị.
"Chủ xe có thể không phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng anh ta cũng cần phải có trách nhiệm đạo đức để giúp đưa người bị thương đến bệnh viện", chuyên gia pháp lý Ajay Sethi cho hay.