'Ổ nhóm' lừa đảo, khiêu dâm: Telegram bị 31 quốc gia điều tra, chặn, hạn chế

Ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram bị một số quốc gia chặn vì lý do bảo mật, an ninh mạng và tuyên truyền thông tin cực đoan, khiêu dâm, deepfake.

Tháng 9/2024, cảnh sát Hàn Quốc mở cuộc điều tra Telegram do lo ngại ứng dụng khởi nguồn cho các đường dây tội phạm tình dục trực tuyến. Một tháng trước đó, Pháp bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov với các cáo buộc liên quân đến tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy.

Ngày 12/5, công tố viên Pháp cho biết đã bác yêu cầu đến Mỹ “đàm phán với các quỹ đầu tư” của Durov do không chính đáng. Ông bị cấm rời khỏi Pháp nếu không được cho phép. Từ ngày 15/3 đến 7/4, ông đã xin được giấy phép để sang Dubai, UAE. Durov mang quốc tịch Pháp, UAE và Nga.

Euronews cho biết 31 quốc gia đã, đang điều tra, cấm, hạn chế sử dụng Telegram. Ảnh: Tass

Euronews cho biết 31 quốc gia đã, đang điều tra, cấm, hạn chế sử dụng Telegram. Ảnh: Tass

Hàn Quốc và Pháp là những quốc gia mới nhất có hành động pháp lý chống lại Telegram. Theo Euronews, 31 nước đã, đang điều tra, cấm hoặc hạn chế sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa từ năm 2015.

Vương quốc Anh

Telegram là một kênh lên kế hoạch và điều phối biểu tình chống người nhập cư tại Anh đầu tháng 8/2024. Những phần tử cực đoan đã sử dụng Telegram để truyền bá thù địch, chống lại người Hồi giáo và chia sẻ thông tin về địa điểm, mục tiêu tấn công.

Thủ tướng Anh Keir Starmer muốn kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội thổi bùng ngọn lửa bất ổn như Telegram. Ông từng kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn với ứng dụng này vào năm 2021.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha từng có thời gian không được sử dụng Telegram vào tháng 3/2024 sau khi một thẩm phán cấm ứng dụng này. 4 tập đoàn truyền thông lớn của đất nước - Mediaset, Atresmedia, Movistar và Egeda – phàn nàn Telegram phát tán nội dung bản quyền mà không được sự cho phép của tác giả.

Thẩm phán đã yêu cầu Telegram gửi thông tin về vụ việc vào tháng 7/2023 và ra lệnh cấm ứng dụng sau khi công ty không phản hồi. Dù vậy, quyết định này sao đó được thu hồi.

Nauy

Nauy xem Telegram là nguy cơ với an ninh quốc gia. Tháng 3/2023, nước này cấm các bộ trưởng, thư ký, cố vấn chính sách sử dụng Telegram và TikTok trên thiết bị công.

Đức

Năm 2022, Đức cân nhắc cấm Telegram sau khi chính phủ phát hiện 64 kênh vi phạm pháp luật về phát ngôn thù địch, như các kênh thuyết âm mưu bài Do Thái.

Đức tuyên phạt 5 triệu EUR với Telegram vì không chấp hành pháp luật. Telegram đồng ý phối hợp với chính quyền và xóa các đoạn video vi phạm.

Ukraine

Telegram là ứng dụng được nhiều người sử dụng từ khi chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra đầu năm 2022. Nó được dùng để liên lạc trên chiến trường. Tuy nhiên, người Nga cũng tìm kiếm thông tin từ các tin nhắn trên Telegram và tuyên truyền thông tin thông qua kênh này.

Đó là lý do Ukraine cân nhắc cấm Telegram trừ khi công ty thực hiện một số thay đổi nhất định như đặt văn phòng trong nước, xóa nội dung gây hại hoặc sai sự thật.

Nga

Nga cấm Telegram từ năm 2018 đến 2020 sau khi Purov không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin cho chính phủ.

Belarus

Telegram là công cụ chính để chia sẻ thông tin về các cuộc biểu tình năm 2020 và 2021 tại Belarus. Đây là số ít ứng dụng hoạt động khi quốc gia này chặn Internet trong ba ngày xuyên suốt cuộc bầu cử Tổng thống.

Belarus đã công bố danh sách các kênh Telegram bị xem là khủng bố và chống đối chính quyền. Nếu người dùng tham gia, họ có nguy cơ ngồi tù.

Trung Quốc

Telegram bị chặn tại Trung Quốc từ năm 2015. Truyền thông địa phương đưa tin ứng dụng bị tấn công DdoS vào máy chủ, dẫn đến ứng dụng bị kiểm duyệt.

Iran

Iran chặn Telegram từ năm 2018 với lý do kích động các cuộc biểu tình 1 năm trước đó, đồng thời khuyến khích ứng dụng địa phương. Trước khi có lệnh cấm, khoảng một nửa trong số 80 triệu dân Iran sử dụng Telegram để liên lạc.

Ấn Độ

Một ngày sau khi Pháp bắt giữ Durov, chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ điều tra Telegram do vai trò trong các hoạt động tội phạm và cân nhắc lệnh cấm. Ấn Độ cáo buộc Telegram làm lộ đề thi, tuyên truyền khiêu dâm trẻ em, thao túng giá cổ phiếu.

Tháng 7/2024, nhà chức trách phát hiện đường dây thao túng phá cổ phiếu, trong đó quản trị viên một kênh Telegram nhận hươn 20.000 EUR nhờ thổi giá cổ phiếu một công ty sản xuất thép tấm. Một sĩ quan cảnh sát cho hay, người dùng được thêm vào một nhóm và gợi ý đầu tư vào cổ phiếu trên ứng dụng giả mạo.

Thái Lan

Thái Lan cấm Telegram từ năm 2020 do được sử dụng để tổ chức biểu tình.

(Theo Euronews, Times of India)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nuoc-nao-da-chan-telegram-vi-sao-2404129.html