Ở nơi những đôi dép nhanh mòn

Giáp Tết Nhâm Dần 2022, tôi đến tác nghiệp tại Bộ môn-Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y).

Khi ngoài phố người người đang hối hả, nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết thì trong bệnh viện, không khí của mùa xuân dường như chưa len lỏi vào. Các y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng viên vẫn căng thẳng với ca trực, dốc sức lo cho những ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt, tranh thủ từng phút giành, giữ sự sống cho bệnh nhân...

“Tôi không nghĩ là mình được về nhà đón Tết. Tất cả là nhờ các thầy thuốc tận tình cứu chữa, chăm sóc, động viên, coi tôi như người thân”, chị Nguyễn Thị Tuyền, 30 tuổi, ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) xúc động chia sẻ khi đang ngồi chờ chồng làm thủ tục ra viện.

Chị Tuyền vào bệnh viện với tình trạng viêm cơ tim, tràn dịch phổi, viêm phổi, khó thở... Các y sĩ, bác sĩ đã tích cực điều trị và chỉ sau vài ngày, chị đã hồi phục nhanh chóng, được về nhà đón Tết bên gia đình. Nhưng tại đây còn rất nhiều bệnh nhân nặng phải điều trị xuyên Tết và các thầy thuốc phải thường xuyên túc trực giúp bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật.

Chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân nặng, như trường hợp ông Bùi Thế Tâm, 62 tuổi, ở quận Hà Đông (Hà Nội) bị đột quỵ não cũ, biểu hiện viêm não-màng não, đã được điều trị ổn định, bỏ được máy thở và tiên lượng tốt. Hay như bệnh nhân Đào Phúc Huấn, 72 tuổi, theo lời kể của Đại tá, TS Phạm Thái Dũng, Phó chủ nhiệm Bộ môn-Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, bệnh nhân bị ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, được ép tim đập trở lại, nhập viện trong trạng thái sau hồi sinh nên bị suy toàn bộ các chức năng của cơ thể. Sau quá trình điều trị tích cực, hiện ông Huấn từng bước phục hồi, đang được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Các điều dưỡng viên tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Các điều dưỡng viên tận tình chăm sóc bệnh nhân.

“Nguyên tắc điều trị của chúng tôi là đẩy mạnh cường độ điều trị gấp đôi, sao cho bệnh nhân có số ngày điều trị ít nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất. Với chúng tôi, mỗi ngày thăm khám bệnh nhân mà không có tiến triển là thấy như mình có lỗi”, TS Phạm Thái Dũng tâm sự.

Ở đây, tôi để ý thấy những đôi dép trên giá (dùng cho các bác sĩ, điều dưỡng viên đi trong giờ làm việc) đều mòn vẹt. Lý giải cho điều này, TS Phạm Thái Dũng bảo: “Vào đây đều là bệnh nhân nặng, cần chăm sóc, theo dõi đặc biệt. Chúng tôi phải đi lại liên tục trong suốt ca trực, gần như không có lúc nào nghỉ chân nên dép mòn là vì thế”.

Tôi thầm khâm phục tinh thần làm việc, sức chịu đựng của các thầy thuốc nơi đây khi tận mắt chứng kiến họ tận tình chăm sóc, phục vụ người bệnh từ việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo đến bón từng thìa cháo... không khác gì người nhà. Đại úy QNCN, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Hiền chia sẻ: “Chúng tôi luôn coi bệnh nhân như người thân trong gia đình, cảm nhận rõ nỗi đau của người bệnh”.

Căng thẳng vì công việc chuyên môn là một chuyện, việc tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu ban đầu còn gặp nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên phải có tâm lý vững vàng, kỹ năng giao tiếp tốt để trấn an bệnh nhân, người nhà bệnh nhân những khi họ vì quá lo lắng mà bức xúc, có hành vi, lời nói nóng nảy.

Theo Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Bộ môn-Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Quân y 103), trong dịp Tết, số bệnh nhân vào cấp cứu thường tăng đột biến so với ngày thường, nguyên nhân do tai nạn giao thông, đánh nhau, say rượu, ngộ độc... với các chấn thương đa dạng. Theo quy định của bệnh viện, một kíp trực chỉ có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng viên nên áp lực công việc là rất lớn. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên đơn vị đều xác định tốt tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Dịp tết này cũng như mọi năm, cán bộ, nhân viên ở đây thay phiên nhau trực, đón Tết cùng bệnh nhân. Với các thầy thuốc, mùa xuân của họ là nụ cười của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; là những nhịp tim đập đều đặn, ổn định, những tín hiệu hồi phục từ bệnh nhân mà họ đang chăm sóc, điều trị.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/o-noi-nhung-doi-dep-nhanh-mon-685438