Ở nơi phụ nữ cần đàn ông cho phép mới được uống một viên thuốc
Quy định khắt khe khiến phụ nữ Nhật Bản có thể rơi vào tình cảnh dính bầu ngoài ý muốn khi người đàn ông không thích dùng bao cao su, và khi đó họ lại phải xin phép để phá thai.
Trong khi tranh cãi vẫn sôi sục ở Mỹ về sự đảo ngược của Tòa án Tối cao về phán quyết Roe v Wade, một cuộc tranh luận ít ồn ào hơn nhưng cũng không kém phần nhức nhối đang len lỏi ở Nhật Bản về việc hợp pháp hóa phá thai bằng thuốc, theo BBC.
Hồi tháng 5, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Nhật Bản nói trước Quốc hội rằng cuối cùng họ cũng phê duyệt được thuốc phá thai do công ty dược phẩm Linepharma International của Anh sản xuất.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng phụ nữ sẽ vẫn cần “được sự đồng ý của bạn đời” trước khi dùng thuốc. Các nhà vận động gọi đó là quy định gia trưởng và lỗi thời.
Bó buộc phụ nữ
Phá thai nội khoa, tức sử dụng thuốc thay vì phẫu thuật, đã được thực hiện hợp pháp ở Pháp cách đây 34 năm. Anh đã phê duyệt biện pháp này vào năm 1991 và Mỹ vào năm 2000.
Ở nhiều nước châu Âu, dùng thuốc là hình thức phá thai phổ biến nhất - chiếm hơn 90% các ca phá thai ở Thụy Điển và khoảng 70% ở Scotland.
Nhưng Nhật Bản, một quốc gia có thành tích rất khiêm tốn về bình đẳng giới, luôn chậm chạp trong các tiến trình phê duyệt những loại thuốc liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Các nhà vận động ở đây nói đùa rằng nước này đã mất 30 năm để phê duyệt thuốc tránh thai, nhưng chỉ cần 6 tháng để phê duyệt thuốc Viagra cho nam giới. Cả hai đều có mặt ở Nhật Bản vào năm 1999.
Và thuốc tránh thai vẫn bị bó buộc với rất nhiều hạn chế, gây tốn kém và khó sử dụng.
Cơ thể mình nhưng do người khác quyết định
Điều đáng chú ý là Nhật Bản thực ra là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật phá thai vào năm 1948. Tuy nhiên, nó là một phần của cái gọi là Luật Bảo vệ Ưu sinh. Luật này không liên quan gì đến việc giúp phụ nữ kiểm soát nhiều hơn sức khỏe sinh sản. Đúng hơn, nó chỉ nhằm ngăn ngừa những ca sinh bị gọi là “chất lượng thấp”.
Điều 1 của luật nêu rõ: "Để ngăn chặn việc sinh ra những hậu duệ thấp kém theo quan điểm ưu sinh và để bảo vệ cuộc sống cũng như sức khỏe của người mẹ".
Luật Bảo vệ Ưu sinh đã được đổi tên và cập nhật vào năm 1996, khi nó trở thành Luật Bảo vệ Sức khỏe người mẹ.
Thế nhưng, nhiều khía cạnh của luật cũ vẫn còn. Vì vậy, cho đến ngày nay, phụ nữ muốn phá thai phải được sự cho phép bằng văn bản của chồng, bạn tình hoặc trong một số trường hợp là bạn trai.
Đó là những gì đã xảy ra với Ota Minami*.
Cô dính bầu sau khi bạn trai không chịu đeo bao cao su khi quan hệ tình dục. Bao cao su vẫn là hình thức kiểm soát sinh sản chính ở đất nước Mặt Trời mọc.
Ota cho biết bạn trai từ chối ký vào văn bản cho phép cô phá thai.
“Thật kỳ lạ khi tôi phải yêu cầu bạn trai dùng bao cao su”, cô bức xúc. “Và khi anh ấy quyết định không muốn sử dụng bao cao su, tôi lại phải xin anh ta cho phép mới được phá thai”.
“Tôi có thai và đó là cơ thể của tôi, nhưng tôi cần sự cho phép của người khác. Điều đó khiến tôi cảm thấy bất lực. Tôi không thể đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của chính mình”, Ota bất bình.
Không giống như Mỹ, quan điểm của người Nhật về phá thai không phải do niềm tin tôn giáo. Thay vào đó, chúng xuất phát từ lịch sử lâu đời của chế độ phụ hệ và những quan điểm truyền thống ăn sâu về vai trò của phụ nữ và thiên chức làm mẹ.
“Điều đó đã ăn sâu trong xã hội”, Ota chia sẻ. “Khi một phụ nữ mang thai ở Nhật Bản, cô ấy trở thành một người mẹ, không còn là một người phụ nữ nữa. Một khi bạn là một người mẹ, bạn phải từ bỏ mọi thứ vì con mình. Nó được cho là một điều tuyệt vời. Cơ thể là của bạn, nhưng một khi bạn mang thai, nó không phải là cơ thể của bạn nữa".
Mua thuốc phá thai cũng rất khó khăn và tốn kém - ước tính lên tới 700 USD - vì việc phá thai bằng thuốc có khả năng còn đi kèm với yêu cầu nhập viện hoặc tới phòng khám. Các cơ quan y tế ở Nhật Bản cho rằng quy định đó là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ.
“Ở Nhật, sau khi uống thuốc phá thai bạn sẽ phải nằm viện để theo dõi. Vì vậy phá thai bằng thuốc thậm chí mất nhiều thời gian hơn so với phá thai ngoại khoa truyền thống ”, tiến sĩ Tsugio Maeda, Phó chủ tịch Hiệp hội Phụ khoa Nhật Bản, nói với BBC.
Ở nhiều quốc gia khác, việc phụ nữ tự uống thuốc phá thai tại nhà là hợp pháp.
“Đạo luật bảo vệ sức khỏe người mẹ quy định việc phá thai phải được thực hiện trong cơ sở y tế. Vì vậy, rất tiếc theo luật hiện hành, chúng tôi không thể bán thuốc phá thai qua quầy. Nó sẽ là bất hợp pháp”, tiến sĩ Tsugio nói thêm.
Các nhà vận động sức khỏe giới tính khẳng định quy định này ít liên quan đến khoa học y tế mà liên quan nhiều hơn đến bảo vệ lợi ích kinh doanh.
Asuka Someya, một nhà vận động sức khỏe giới tính điều hành tổ chức phi lợi nhuận cá nhân, nhận định: “Tôi nghĩ rằng nhiều quyết định được đưa ra từ những người đàn ông lớn tuổi và cơ thể của họ không bao giờ phải mang thai”.
Bà Asuka cho rằng vẫn tồn tại sự phản đối rất lớn từ nền nam giới thống trị trong xã hội Nhật Bản đối với việc giúp phá thai trở nên dễ dàng hơn.
Họ lập luận cho rằng nếu tạo điều kiện cho phụ nữ phá thai dễ dàng hơn thì số lượng phụ nữ chọn làm như vậy sẽ tăng lên. Vì vậy, họ làm cho phá thai trở thành một quá trình khó khăn và tốn kém.
Tuy nhiên, bằng chứng từ các quốc gia khác cho thấy điều đó sẽ chỉ hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ và làm tăng đau khổ của họ - nó sẽ không dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn ít hơn.
Bà Asuka khẳng định câu trả lời sau cùng nằm ở việc giáo dục giới tính tốt hơn và phụ nữ Nhật Bản kiểm soát các biện pháp tránh thai, thay vì phụ thuộc vào việc nam giới sử dụng bao cao su.
Ở châu Âu, thuốc tránh thai là hình thức ngừa thai phổ biến nhất. Ở Nhật Bản, chỉ có 3% phụ nữ được tiếp cận hình thức này.
“Tôi muốn có nhiều chính sách hơn nữa được đưa ra, lắng nghe tiếng nói của các cô gái và phụ nữ trẻ”, bà Asuka nhấn mạnh.
* Một số tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của những người tham gia bài viết.