Ở nơi… 'trái tim sưởi ấm trái tim'

'Hơn một năm tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực sự là quãng thời gian quý giá, giúp tôi trưởng thành và nghị lực hơn trong môi trường làm việc mới mẻ, đầy áp lực sau khi trở về nước…'.

Đó là chia sẻ của nữ điều dưỡng, Đại úy Trần Thị Mai Liên, Khoa Hồi sức tim mạch (A2-D), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Từng tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tại Nam Sudan, giờ đây trở về với cuộc sống và công việc thường ngày ở Việt Nam, chị vẫn luôn nhớ tới “sứ mệnh vinh quang” của người chiến sĩ quân y mũ nồi xanh với niềm tự hào, nhớ về quãng thời gian đầy ý nghĩa chị cùng các đồng nghiệp đã sống và cống hiến.

“Chặn cửa tử thần”

“Hơn một năm ở Nam Sudan, chúng tôi được rèn giũa về tinh thần và nghị lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ của một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe người bệnh ở bất cứ môi trường nào”, chị Mai Liên nói. Trở về nước, được làm việc tại Khoa Hồi sức tim mạch, nơi các đồng nghiệp của chị vẫn nói vui rằng “mất sức ở khoa hồi sức” bởi cường độ và áp lực công việc quá lớn, chị Mai Liên càng thêm trân trọng những giá trị và ý nghĩa trong hơn một năm tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình, trân trọng công việc mà mình và các đồng nghiệp đang ngày đêm cống hiến.

Chị Mai Liên và các em nhỏ Nam Sudan. Ảnh: Tư liệu

Chị Mai Liên và các em nhỏ Nam Sudan. Ảnh: Tư liệu

Niềm vui của bệnh nhân khi hồi phục sức khỏe tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam. Trong ảnh: Chị Mai Liên khi làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam ở Nam Sudan năm 2022. Ảnh: Tư liệu

Niềm vui của bệnh nhân khi hồi phục sức khỏe tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam. Trong ảnh: Chị Mai Liên khi làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam ở Nam Sudan năm 2022. Ảnh: Tư liệu

Chị bày tỏ: “4 từ “sứ mệnh vinh quang”, tôi xin trân trọng dành tặng anh chị em đồng nghiệp của mình, những người “chặn cửa tử thần”, giành giật sự sống cho bệnh nhân, đặc biệt là khoa A2-D, nơi các bệnh nhân phần lớn trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Họ rất xứng đáng được tôn vinh vì công việc thầm lặng mà không kém phần vinh quang”.

Khoa A2-D thành lập chưa lâu, mới tròn 3 năm kỷ niệm ngày đầu tiên đón bệnh nhân trong tháng 6 này. Thời gian làm việc tại khoa cũng chưa nhiều, nhưng 9 tháng qua cũng đủ để chị Mai Liên gắn bó với nhiệm vụ mới. Cựu nữ quân nhân mũ nồi xanh bộc bạch rằng: "Trải qua những giờ phút sinh tử cùng bệnh nhân, tôi càng thấm thía rằng, giá trị nhân văn của việc đem lại sự sống cho người bệnh, mang lại niềm vui cho gia đình họ thì dù ở đâu đều có ý nghĩa như nhau".

 Ban Giám đốc Bệnh viện tham dự giao ban cùng Khoa A2-D trong ngày đầu nhận bệnh nhân (3-6-2020).

Ban Giám đốc Bệnh viện tham dự giao ban cùng Khoa A2-D trong ngày đầu nhận bệnh nhân (3-6-2020).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Sudan vào năm 2022, chị được phân công theo nguyện vọng về A2-D mà theo chị là để “thử sức tại môi trường áp lực”. Mang theo bầu nhiệt huyết của một chiến sĩ quân y mũ nồi xanh chưa bao giờ chùn lòng ở môi trường làm việc khắc nghiệt, nên dù lường trước những thử thách không nhỏ tại nơi làm việc mới, chị vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ.

Từ “cái nôi” là Khoa Nội tim mạch chuyển sang nên ban đầu chị Mai Liên không khỏi choáng ngợp ở khoa mới, nơi chằng chịt những dây rợ, máy móc thiết bị, nhất là tiếng tít tít nghe căng thẳng phát ra từ mấy chiếc máy thở, máy lọc máu… cùng tiếng bước chân vội vàng của các y, bác sĩ. Nhiệt độ trong phòng khá lạnh bởi hệ thống điều hòa, nhưng không khí làm việc ở nơi “tử thần” luôn rình rập thường xuyên “nóng” bởi bệnh nhân hầu hết là bệnh nhân nặng với nhiều tình trạng bệnh như hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn…, sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” cần phải chăm sóc toàn diện.

Chính nhờ sự chuyên nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ trong khoa, sự chia sẻ, giúp đỡ của các đồng nghiệp và cường độ làm việc cao đã giúp chị Mai Liên có điều kiện bắt nhịp với công việc nhanh hơn. Là khoa chuyên sâu về tim mạch, bệnh lý tim mạch lại phức tạp và thường diễn ra đột ngột, nên đội ngũ y bác sĩ trong các kíp trực của khoa lúc nào cũng phải trong tình trạng 24/7 sẵn sàng cấp cứu để kịp thời xử lý các sự cố liên quan tới sức khỏe của người bệnh. Chị Mai Liên cho biết, có những hôm nhiều bệnh nhân diễn biến bất thường cùng lúc, các điều dưỡng viên như chị cùng lúc nhận được nhiều chỉ định điều trị của bác sĩ cần thực hiện ngay lập tức như trợ giúp tim phổi nhân tạo ECMO, lọc máu liên tục...

 Ban Giám đốc Bệnh viện và các khoa chúc mừng Khoa A2-D nhân ngày đầu tiên nhận bệnh nhân.

Ban Giám đốc Bệnh viện và các khoa chúc mừng Khoa A2-D nhân ngày đầu tiên nhận bệnh nhân.

“Còn nước còn tát’, chúng tôi vẫn quyết tâm giành lấy sự sống cho người bệnh dù chỉ còn một chút hy vọng. Không biết chúng tôi đã trải qua bao nhiêu “cuộc chiến” cam go với tử thần như vậy để cứu sống bệnh nhân. Chỉ chắc chắn một điều, một phút lơ là, chậm trễ là có thể phải trả giá bằng tính mạng bệnh nhân. Nên chủ động và quyết đoán trong công việc là yêu cầu số 1. Làm chủ và thành thạo các loại máy móc tiên tiến nhất tại khoa cũng là điều kiện bắt buộc”, chị Mai Liên chia sẻ.

Niềm hạnh phúc của chúng tôi!

Không riêng gì chị Mai Liên, bất kỳ ai làm việc ở Khoa A2-D đều có một nỗi niềm chung, nhất là giai đoạn đầu, đó là sự lo lắng không thể thích nghi với áp lực công việc quá lớn. Nhưng cũng trong môi trường khắc nghiệt ấy, họ tìm thấy nguồn động viên tinh thần quan trọng, chính là những lúc “đánh bại tử thần” cứu sống bệnh nhân trong gang tấc và được chứng kiến niềm hạnh phúc vỡ òa của người nhà bệnh nhân.

Khi mới về khoa, phải tiếp cận cùng lúc với quá nhiều kiến thức mới về chuyên ngành hồi sức tim mạch, nên chị Mai Liên không tránh khỏi tâm lý này. Cùng với đó là phải đáp ứng mục tiêu song song, vừa chăm sóc và điều trị bệnh nhân, vừa xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển vươn tầm quốc tế như: Nghiên cứu khoa học, hướng tới đạt các tiêu chuẩn chất lượng của các hiệp hội tim mạch lớn trên thế giới, vươn tới các đỉnh cao nhất của chuyên ngành tim mạch.

Để vượt qua sự choáng ngợp ban đầu, chỉ còn cách tích cực vừa học vừa làm và tìm những nguồn động lực cho mình. Với chị, động lực ý nghĩa chính là sự hồi phục của bệnh nhân, sự thấu hiểu và tình cảm của người thân dành cho các y, bác sĩ. Chị cho biết, ở Nam Sudan, nơi điều kiện y tế thiếu thốn, các y, bác sĩ chính là niềm hy vọng của bệnh nhân. Ở đây cũng vậy, dù có trang thiết bị hiện đại, đầy đủ đến đâu, trách nhiệm, sự tận tụy với tinh thần “lương y như từ mẫu” mới là nhân tố chính giúp những người đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất về sức khỏe có thêm hy vọng. “Đối với mỗi nhân viên y tế như chúng tôi, ý nghĩa cứu người của nghề y cao quý luôn là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp vượt qua những khó nhọc của nghề, chị Mai Liên bộc bạch.

Không khí làm việc khẩn trương tại Khoa A2-D, nơi các bệnh nhân đa phần trong tình trạng nguy kịch.

Không khí làm việc khẩn trương tại Khoa A2-D, nơi các bệnh nhân đa phần trong tình trạng nguy kịch.

“Khi đã trở thành thành viên trong “ngôi nhà” Hồi sức tim mạch, tôi càng hiểu và khâm phục hơn sự mạnh mẽ tiềm ẩn bên trong các y, bác sĩ trẻ tuổi ở A2-D. Dẫu rằng đằng sau chiếc áo blouse trắng là bao nhiêu nỗi niềm trăn trở với nghề chưa thể bộc bạch cùng vô vàn thử thách phía trước, nhưng chính từ tình cảm của người bệnh, tình yêu nghề đến từ trái tim đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả”, chị Mai Liên trải lòng. Được nghe nhiều về tình trạng kiệt sức và những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhân viên y tế do quá tải cùng những nguyên nhân khách quan khác, nên tôi cũng hiểu phần nào tâm tư này của chị.

Ở Khoa A2-D, đa phần các y, bác sĩ có tuổi đời còn trẻ nhưng giàu kinh nghiệm cọ xát thực tế. Ở một nơi tính mạng bệnh nhân luôn bị đe dọa, ngoài trình độ chuyên môn, đội ngũ nhân viên y tế còn phải đáp ứng cả những đòi hỏi về sức khỏe và thể lực, vì cường độ công việc quá lớn, kéo dài và liên tục. Có lúc đông bệnh nhân cũng lên tới 22 người, mỗi ca trực có 4 kíp (1 bác sĩ và 4 điều dưỡng mỗi kíp) nên không tránh khỏi quá tải. 1 ca trực bình thường kéo dài từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, còn các ngày cuối tuần, ngày lễ trực 24 giờ liên tiếp.

Tại buổi đón bệnh nhân đầu tiên của Khoa A2-D, Thiếu tướng, PGS, TS, Phạm Nguyên Sơn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng chia sẻ: "Trong chuyên ngành tim mạch, Hồi sức Tim mạch là khoa hết sức cần thiết, một chuyên ngành rất sâu để góp phần chăm sóc chẩn đoán và điều trị cấp cứu các bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng, cứu sống được nhiều người bệnh trong những tình huống cấp cứu nguy kịch". Theo chị Mai Liên, tập thể Khoa A2-D luôn xác định rõ nhiệm vụ nặng nề của một đơn vị tuyến cuối của Quân đội về điều trị cấp cứu, hồi sức các bệnh lý tim mạch, để nêu cao tinh thần hết lòng vì người bệnh; tiếp tục hoàn thiện và phát triển để nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc người bệnh.

Khoa A2-D đã bước sang năm hoạt động thứ 4, nhưng là năm đầu tiên chị Mai Liên chính thức là thành viên trong gia đình A2-D, nơi làm việc đầy thử thách giúp chị vượt lên chính mình, cũng như ở Nam Sudan. Chị Mai Liên tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ sẽ cùng các đồng nghiệp xây dựng và phát triển Khoa A2-D xứng đáng trở thành địa chỉ “sưởi ấm những trái tim”, nơi các bệnh nhân gửi gắm niềm tin và hy vọng.

Khoa Hồi sức tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được coi là một trong những môi trường rèn luyện rất tốt cho những nhân viên y tế muốn nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nhân sự chuyên sâu cho các khoa trong chuyên ngành tim mạch. Khoa cũng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện của quân đội và dân sự như Bệnh viện Quân y 110 (chuyển giao kỹ thuật đặt máy), Viện 7 Hải Dương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương và gần đây là Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Không quân.

Bài và ảnh: PHẠM THOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/o-noi-trai-tim-suoi-am-trai-tim-730587