Ô tô điện không bị thủy kích nhưng có an toàn khi bị ngập nước?

Tuy không lo bị thủy kích nhưng khi không may ngập nước, ô tô điện có nguy cơ gặp những hư hỏng nghiêm trọng liên quan tới các hệ thống pin, nội thất, động cơ…

Hư hỏng có thể gặp khi ô tô điện bị ngập nước

Mặc dù ô tô điện không có nguy cơ gặp những vấn đề nghiêm trọng như thủy kích giống xe động cơ đốt trong nhưng không có nghĩa chúng có thể biến thành những chiếc thuyền.

Xe điện có thể đảm bảo an toàn khi vận hành trong điều kiện mực nước cho phép và thời gian di chuyển nhất định để tránh bị mắc kẹt trong tình huống bất khả kháng chứ không phải trường hợp nào cũng an toàn.

Theo anh Hoàng Tân, cố vấn dịch vụ của VinFast Hà Nội, khi lái xe điện ở mực nước sâu trong thời gian dài quá điều kiện cho phép, khả năng nước tràn vào các bộ phận pin, nội thất hoặc motor điện là có thể xảy ra.

Điều này sẽ khiến chúng có thể bị gỉ sét, gây hư hại cho các bộ phận. Trong một số trường hợp hi hữu, nước có thể tràn vào bộ pin và khiến chúng có thể hư hỏng hoàn toàn.

Pin xe điện có thể bị ngấm nước dẫn tới gỉ sét gây hư hỏng. Ảnh minh họa.

Pin xe điện có thể bị ngấm nước dẫn tới gỉ sét gây hư hỏng. Ảnh minh họa.

Trên thực tế đã có trường hợp chủ nhân một chiếc Tesla Plaid Model S đã cho xe lội qua vùng nước ngập sâu tới 2m. Tuy nhiên sau đó, chủ xe cho biết cả cục máy trước và sau của xe đều bị nước lọt vào và phải thay thế, với chi phí lên tới 15.000 USD (khoảng 364 triệu đồng).

Ngoài ra, việc ngập nước quá sâu sẽ khiến nước tràn vào nội thất trong xe theo các đường cửa gió điều hòa, từ đó dẫn tới các hư hỏng nội thất, nếu không khắc phục kịp thời có thể làm hư hỏng toàn bộ nội thất của xe.

Cần làm gì khi ô tô điện bị ngập nước?

Trong trường hợp ô tô điện không may bị ngập nước, chủ xe cần nhanh chóng đưa xe ra khỏi vùng ngập. Do xe điện không lo vấn đề thủy kích nên chủ xe có thể khởi động xe và lái xe tới nơi an toàn.

Tuy nhiên, chủ xe cần chú ý đi chậm, tắt điều hòa, hạ kính cửa xe. Việc này sẽ giúp tài xế làm chủ được tình hình, tránh trường hợp nước ngập quá sâu đẩy nổi xe khiến người lái mất kiểm soát và tránh nước tràn vào nội thất qua đường cửa gió điều hòa.

Khi lái xe điện qua vùng ngập nước chủ xe cần đi chậm, hạ cửa kính và tắt điều hòa. Ảnh minh họa.

Khi lái xe điện qua vùng ngập nước chủ xe cần đi chậm, hạ cửa kính và tắt điều hòa. Ảnh minh họa.

Còn với trường hợp không đảm bảo an toàn, không rõ mực nước ngập, chủ xe tuyệt đối không được tự ý lái xe. Lúc này tài xế cần gọi các phương tiện cứu hộ để có thể đưa xe ra khỏi vùng nước ngập càng sớm càng tốt.

Sau đó, tài xế cần đưa xe tới các cơ sở sửa chữa chính hãng để có thể kiểm tra toàn bộ các hệ thống. Tránh trường hợp nước ngấm vào hệ thống pin, động cơ lâu ngày gây gỉ sét hư hỏng.

Việc lái xe trong thời tiết xấu và gặp phải dòng nước chảy xiết, xe rất dễ bị cuốn trôi. Vì vậy, người dùng nên hạn chế di chuyển ô tô điện đi đường ngập để vừa đảm bảo an toàn, vừa tăng tuổi thọ cho phương tiện.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/o-to-dien-khong-bi-thuy-kich-nhung-co-an-toan-khi-bi-ngap-nuoc-192240823151908449.htm