Ô-tô đỗ gần đường ray bị tàu hỏa tông: trách nhiệm pháp lý ra sao?

Ô-tô đỗ gần đường ray bị tàu hỏa tông, lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe ô tô nên mọi thiệt hại gây ra người này đều phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Phần đầu ô tô bị vỡ nát sau khi bị tàu hỏa đâm. Ảnh: cắt từ clip

Phần đầu ô tô bị vỡ nát sau khi bị tàu hỏa đâm. Ảnh: cắt từ clip

Lỗi thuộc về người đỗ ô tô

Mới đây, trên mạng xã hội vừa lan truyền đoạn clip ghi lại khoảnh khắc xe ô tô đỗ sát đường ray, bị tàu hỏa tông vào đầu ô tô, hất văng chiếc xe này ra xa. Sự việc này xảy ra tại khu vực đường sắt trước số 5 ngõ 104 đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vào khoảng 17h30 ngày 5/6. Theo đoạn clip ghi lại, chiếc ô-tô đỏ hiệu Kia, biển kiểm soát 30K-200.xx đang đỗ sát đường tàu. Đoàn tàu từ phía xa cảnh báo còi liên tục.

Vào thời điểm đó, anh Đ.T.N, SN 1985, trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã dừng đỗ ô-tô biển kiểm soát 30K-200.xx cạnh đường tàu, đoạn trước ngõ 104 gần với tuyến đường sắt.

Khi đoàn tàu đi tới, thấy người dân xung quanh hô hoán, anh N chạy ra định điều khiển ô-tô ra chỗ khác nhưng không kịp. Chiếc ô-tô bị tàu hỏa tông làm vỡ nát phần đầu. Anh N đứng gần xe may mắn không bị thương. Toàn bộ phần đầu của ô tô bị biến dạng và vỡ nát do bị tàu hỏa kéo lê khoảng 10m.

Sau vụ việc, đại diện ban An ninh an toàn, Tổng công ty Đường sắt cho biết, chủ xe ô-tô đã đỗ xe quá gần đường ray. Để đảm bảo không có va chạm, xe phải đỗ cách mép ngoài đường ray tối thiểu 1,8m. Trong trường hợp va chạm này, lỗi sai 100% thuộc về người đỗ ô-tô. Nếu đầu máy toa xe đường sắt phát sinh hư hỏng sau va chạm, chủ xe thậm chí phải đền bù thiệt hại cho công ty đường sắt.

Có hay không trách nhiệm bồi thường?

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, qua clip có thể thấy, hành vi dừng đỗ ô tô của người tài xế trong vụ việc trên là rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn giao thông, nếu hậu quả nghiêm trọng thì tài xế này sẽ bị xử lý hình sự, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm d khoản 3 Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông” thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của vụ tai nạn giao thông này để xác định đã đến mức nghiêm trọng hay chưa, nếu hậu quả vụ tai nạn được xác định là nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ chiếc ô tô này thuộc quyền sở hữu của ai, nếu không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của người lái xe, chiếc xe đi thuê, đi mượn và hậu quả thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thiệt hại thiệt hại đối với tàu hỏa hoặc người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự để xử lý.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, trong tình huống tai nạn giao thông này, chủ xe có được bảo hiểm bồi thường? Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, theo quy định của một số công ty bảo hiểm, xe dừng, đỗ tại khu vực cấm dừng, đỗ theo quy định của pháp luật dẫn đến bị thiệt hại sẽ không được bồi thường bảo hiểm. Trường hợp dừng, đỗ xe bị phương tiện khác khác (xe máy, ô tô, tàu hỏa…) tông phải, lực lượng chức năng kết luận là do dừng, đỗ sai quy định thì loại trừ bồi thường bảo hiểm.

Như vậy, đối với trường hợp xe ô tô bị tàu hỏa đâm nát đầu vì đỗ gần đường ray, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định nguyên nhân để có kết luận cuối cùng. Căn cứ vào đó và hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, đơn vị bảo hiểm sẽ xem xét có tiến hành bồi thường cho chủ xe hay không.

“Trường hợp có căn cứ xác định chủ xe đã dừng đỗ sai quy định thì cá nhân này không những không được bồi thường mà còn có thể bị phạt hành chính theo Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng với hành vi “xe dừng, đỗ ở trong hành lang an toàn đường sắt” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhấn mạnh.

Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người khi không tuân thủ các quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bản thân vừa thiệt hại vừa có thể còn vướng vào vòng lao lý. Qua đây, cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đồng thời kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi dừng đỗ xe sai quy định có thể gây ra tai nạn giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/o-to-do-gan-duong-ray-bi-tau-hoa-tong-trach-nhiem-phap-ly-ra-sao-383496.html