Ô tô hybrid phù hợp điều kiện hạ tầng hiện nay
Với hạ tầng cơ sở hiện nay tại Việt Nam, các chuyên gia đều nhận định sản phẩm hybrid sẽ phù hợp với nhiều người tiêu dùng.
Tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, xe điện vẫn là loại hình phương tiện mới.
Trong khuôn khổ tọa đàm "Ngành công nghiệp ô tô tiếp cận đa chiều, hướng tới trung hòa carbon" ngày 22/9, nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh tại báo Hà Nội Mới nhận định: "Khi nhắc đến xe điện ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, mọi người hay nói đến hạ tầng, đầu tiên là trạm sạc. Nhưng theo tôi, yếu tố quyết định xe điện phổ cập nhanh đến đâu là ở hệ sinh thái xung quanh".
"Cùng với đó, mỗi nhà sản xuất ô tô đều có sở trường riêng về các dòng sản phẩm. Khi các nhà sản xuất có tiếng nói, hành động chung, thì mới có động lực để kích thích thị trường xe xanh đi đúng hướng. Khi ấy thì mới có những giải pháp dễ dàng để người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm, dễ sửa chữa", nhà báo Hoàng Linh bổ sung thêm.
Ngoài ra, những vấn đề về chi phí mua xe mới và vận hành cũng đang được người tiêu dùng băn khoăn. Để giải quyết, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định nhằm hấp dẫn người tiêu dùng, nhà sản xuất cần tạo nên các sản phẩm cân bằng giữa tính kinh tế và công nghệ, nhưng vẫn đảm bảo độ bền bỉ của chất lượng sản phẩm.
"Khách hàng sẽ chia 2 tiêu chí để mua 1 chiếc xe. Những người yêu công nghệ sẽ chấp nhận chi trả một số tiền lớn để mua một chiếc xe công nghệ cao, có thể bảo vệ môi trường tốt với lượng khí phát thải thấp. Trong khi đó, ai quan tâm hơn đến tính kinh tế có thể sẽ chọn những chiếc xe có giá thành thấp hơn", ông Đàm Hoàng Phúc phát biểu.
Đặc biệt, những khách hàng quan tâm tới biến đổi khí hậu không chỉ ưu tiên sử dụng xe không phát thải. Để ra quyết định sở hữu ô tô năng lượng sạch, họ còn theo dõi về các chỉ số ảnh hưởng tới môi trường xuyên suốt quá trình sản xuất và khả năng tái chế của sản phẩm.
Do đó, các nhà sản xuất phương tiện năng lượng "xanh" cần quan tâm về lượng CO2 thải ra từ khi sản xuất, tiêu thụ và loại bỏ.
Đối với Toyota, hoạt động từ nhà máy, đại lý, khâu Logisgic đều được lưu ý, chuẩn hóa để giảm thiểu phát thải đến mức tối đa. Thậm chí, thương hiệu Nhật Bản cũng chuẩn bị phương pháp loại bỏ sản phẩm những hạn chế CO2 nhất có thể.
"Chúng tôi đã tính sẵn sàng bài toán thu hồi thải bỏ. Đặc biệt, với vấn đề pin, Toyota hiện có phương án tái chế nhằm tiết kiệm nguồn đất hiếm, kế hoạch này được gọi là khai mỏ trong thành phố", ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ.
Với hạ tầng cơ sở hiện nay tại Việt Nam, các chuyên gia đều nhận định sản phẩm hybrid sẽ phù hợp với nhiều người tiêu dùng. Dòng xe này sẽ đáp ứng vấn đề không thay đổi thói quen của người sử dụng, nhưng vẫn góp phần giúp giảm phát thải.