Ô tô rơi xuống biển Hạ Long: Trách nhiệm của nhà thầu Thịnh Phát?

Ủy ban ATGTQG cho rằng, để xảy ra vụ ô tô rơi xuống biển Hạ Long 4 người chết trách nhiệm trực tiếp thuộc về đơn vị thi công, tư vấn giám sát. Đồng thời đề nghị, làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, tư vấn giám sát.

Làm rõ trách nhiệm đơn vị thi công, tư vấn giám sát dự án

Thông tin mới nhất vụ ôtô lao xuống biển ở Hạ Long (Quảng Ninh) làm 4 người chết, mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia vừa báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về nguyên nhân và biện pháp khắc phục hậu quả.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Zing.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Zing.

Ủy ban ATGTQG cho biết, theo quan sát trực tiếp tại hiện trường vụ tai nạn, dọc bờ biển phía bên phải tuyến đường đang thi công bãi tắm nhân tạo được lắp đặt hàng rào bằng tôn, tuy nhiên đoạn qua vị trí tai nạn thì không có rào tôn.

Quan sát hiện trường cũng cho thấy đoạn tuyến xảy ra tai nạn không có biển cảnh báo công trường, hướng dẫn giao thông, vị trí xảy ra tai nạn không có cọc tiêu, báo hiệu chỉ giới mặt đường; khiến cho người điều khiển phương tiện trong đêm tối khó nhận biết rõ ràng, khó phân biệt giữa mặt đường và môi trường xung quang (mặt biển).

Ủy ban ATGTQG cho rằng, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trực tiếp thuộc về đơn vị thi công, tư vấn giám sát, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố Hạ Long, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cũng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện để đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu trong thực hiện đảm bảo ATGT trên tuyến.

Do đó, Ủy ban ATGTQG kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xem xét chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên.

Đoạn đường thi công không có cọc tiêu, báo hiệu chỉ giới mặt đường. Ảnh: Báo Giao thông.

Đoạn đường thi công không có cọc tiêu, báo hiệu chỉ giới mặt đường. Ảnh: Báo Giao thông.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, tư vấn giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm ATGT trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác; việc không tổ chức cảnh giới, cảnh báo, rào chắn phần phía giáp biển; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cùng đó, xem xét trách nhiệm liên quan đối với chủ đầu tư của dự án, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long trong việc chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT tại dự án.

Chủ đầu tư và đơn vị thi công trên tuyến này khẩn trương hoàn thiện và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo TTATGT hiệu quả, tổ chức hướng dẫn, cảnh báo ATGT, tái lập rào chắn phần mép đường phía giáp biển và có dán tín hiệu phản quang để giúp người lái xe dễ nhận biết vào ban đêm, phòng ngừa tai nạn.

Trách nhiệm của Công ty Thịnh Phát thế nào?

Được biết, nhà thầu thi công dự án trên là Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát. Dư luận đặt câu hỏi, Công ty Thịnh Phát sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào liên quan vụ việc trên.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người chết, trách nhiệm rất có thể là từ phía đơn vị thi công hoặc chủ đầu tư.

Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ thiết kế của đoạn đường này như thế nào, có kè, chắn để đảm bảo an toàn cho các xe lưu thông trong quá trình thi công dự án hay không? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy lỗi ở khâu thiết kế hoặc lỗi ở khâu thi công dẫn đến hậu quả vụ tai nạn xảy ra thì tổ chức, cá nhân có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có thể là trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ xác định hồ sơ thiết kế dự án, hồ sơ mời thầu, đấu thầu, năng lực của đơn vị thi công dự án của công trình này. Trong trường hợp có sai sót ở khâu nào, thì sẽ xác định cá nhân, tổ chức có liên quan để truy trách nhiệm pháp lý.

Nếu có lỗi, gây hậu quả nghiêm trọng thì cá nhân có liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho gia đình của nạn nhân.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

“Như vậy nếu cá nhân nào có trách nhiệm trong việc khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu mà có lỗi dẫn đến công trình không đảm bảo an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự năm 2015” - luật sư Cường cho hay.

Hiện vụ ô tô rơi xuống biển Hạ Long đang được điều tra, làm rõ.

Mời độc giả xem thêm video 70% nguyên nhân tai nạn giao thông do rượu, bia

Nguồn: VTC 1

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/o-to-roi-xuong-bien-ha-long-trach-nhiem-cua-nha-thau-thinh-phat-1411916.html