Ô tô sản xuất trong nước đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế

Theo Cục Công nghiệp, các sản phẩm ô tô sản xuất trong nước đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, trong đó có những thị trường có tiêu chuẩn rất cao.

Phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 5 năm trở lại đây. Đơn cử, năm 2022, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 344.000 xe; năm 2023 đạt 361.309 xe; tổng sản lượng sản xuất ô tô trong nước lũy kế 10 tháng năm 2024 đạt 336.500 xe, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này đã cải thiện so với mức tăng 15,8% trong 10 tháng đầu năm 2023.

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô tại nhà máy THACO MAZDA (Khu công nghiệp THACO Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô tại nhà máy THACO MAZDA (Khu công nghiệp THACO Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Tính đến hết năm 2024, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Các sản phẩm ô tô sản xuất trong nước đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, trong đó có những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng rất cao (như việc Thaco xuất khẩu sản phẩm sơmi rơmooc sang Mỹ, Hyundai Thành Công xuất khẩu xe sang Thái Lan và Vinfast xuất khẩu sản phẩm ô tô điện sang Mỹ, Canada, Indonesia...).

"Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, chứng minh năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã có nhiều cải thiện, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu" - Cục Công nghiệp nhận định.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).

Đồng thời, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Dây chuyền hàn robot tại nhà máy THACO Mazda.

Dây chuyền hàn robot tại nhà máy THACO Mazda.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp.

Theo đó, về phương hướng trong thời gian tới đối với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, Cục Công nghiệp thông tin, sẽ xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thay thế Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong đó, cập nhật, đề xuất xu hướng, lộ trình phát triển các dòng xe thế hệ mới, xe thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu sản xuất để vươn ra thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô.

Cũng theo Cục Công nghiệp, năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành ô tô trong nước. Do đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành (như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước…) để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ô tô nội địa trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của ngành ô tô tiếp tục giảm.

Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, thu hút đầu tư FDI các tập đoàn sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lớn trên thế giới. Triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo các nội dung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 để hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các dòng xe ô tô điện theo nguyên tắc áp dụng các mức ưu đãi khác nhau cho mỗi dòng xe điện hóa trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn trong ngành ô tô – đặc biệt là ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất xe có động cơ tháng 11/2024 ước tính tăng 2,5% so với tháng 10/2024 và tăng 36,2% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn so với mức tăng trưởng 14% của 10 tháng đầu năm 2024).

Trong tháng 11/2024, Việt Nam sản xuất, lắp ráp ước đạt 47,3 nghìn chiếc ô tô, tăng 3% so với tháng 9/2024 và tăng 47,8% so với tháng 10/2023. Như vậy, sản lượng ô tô nội địa đã có tháng tăng trưởng thứ 8 kể từ đầu năm 2024 và là lần tăng thứ 6 liên tiếp.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/o-to-san-xuat-trong-nuoc-da-vuon-ra-thi-truong-khu-vuc-va-quoc-te-366577.html