Ô tô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh, giá sẽ tiếp tục giảm
Số lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc trong tháng 1/2021 đã vượt Indonesia và trở thành thị trường nhập khẩu ô tô đứng thứ 2 của Việt Nam. Giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, dự kiến trong thời gian tới, ô tô Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở Việt Nam khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được các quốc gia phê chuẩn và có hiệu lực.
Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 8.343 ô tô các loại, với tổng kim ngạch 212,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng gần 85% Trong đó, xe ô tô có xuất xứ Trung Quốc chiếm 17,53% lượng ô tô nhập, tức 1.463 chiếc, xếp thứ 2 trong các quốc gia Việt Nam nhập khẩu xe, chỉ sau Thái Lan. Đây có thể coi là sự trở lại mạnh mẽ từ dòng xe nhập khẩu Trung Quốc.
Cụ thể, dòng xe Trung Quốc được nhập về nhiều nhất là xe chuyên dụng với hơn 736 chiếc, chiếm 81% số xe loại này nhập về Việt Nam, xe tải 392 chiếc và chỉ có 334 chiếc là xe con dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, đây cũng là một con số cao so với tháng 12/2020 khi không có một chiếc xe con Trung Quốc nào được nhập về Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu ô tô Trung Quốc trong tháng 1 đạt xấp xỉ 48,5 triệu USD. Trong năm 2020, xe nhập từ Trung Quốc cũng đứng thứ 3 trong các nhà nhập khẩu xe vào Việt Nam.
Đáng chú ý, sau một thời gian dài lép vế trước Indonesia về lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam, tháng 1/2021, lượng ô tô nhập từ Trung Quốc đã vượt qua một trong hai song mã của “đế chế ô tô Đông Nam Á” để trở thành thị trường nhập khẩu ô tô thứ 2 của Việt Nam. Các loại xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo Hiệp định này, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc giữa các nước nội khối là 0%. Do đó, đa số các thương hiệu xe phổ thông đều được lắp ráp tại Thái Lan và Indonesia. Và cũng vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn các loại xe có nguồn gốc Thái Lan và Indonesia vì lý do giá thành.
Giá sẽ tiếp tục giảm nhờ RCEP
Dù số lượng nhập khẩu của dòng xe con 9 chỗ ngồi của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn thấp so với Thái Lan và Indonesia nhưng cũng đang nhận được sự quan tâm của những người đang muốn mua xe. Trong vòng 2 – 3 năm trở lại đây, các nhà sản xuất Trung Quốc đã cho ra mắt nhiều mẫu mã mới như Brilliance V7, được ví von như “BMV Trung Quốc” hay Beijing W7. Trung Quốc cũng có nhiều thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu toàn cầu lắp ráp tại Trung Quốc như: Beijing, Zotye, MG, Volvo…
Mặc dù thuế nhập khẩu xe từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện vẫn khá cao, từ 70 - 75%, nhưng giá xe ô tô phổ thông của Trung Quốc vẫn khá rẻ, dao động từ 500 - 800 triệu đồng/chiếc. Ngoài giá thành rẻ, một điểm cộng khác của xe ô tô Trung Quốc là mẫu mã đẹp, nội thất hiện đại, tích hợp nhiều công nghệ mới. Năm 2020, những hãng xe Trung Quốc đã có sự nhận diện tốt trên mạng xã hội Việt Nam nhờ những tích hợp công nghệ hiện đại.
Với việc Việt Nam và Trung Quốc cùng gia nhập hiệp định RCEP, ngành sản xuất ô tô nguyên chiếc có thể coi là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định. Theo Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ phải giảm thuế và tiến tới đưa về thuế suất 0% đối với các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc, trong đó có xe Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa xe nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có mức giá bằng hoặc thấp hơn xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia. Một chiếc xe nhập khẩu từ Indonesia đang có giá trung bình rơi vào khoảng 315 triệu đồng.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Mỗi năm, quốc gia với 1,3 tỷ dân này sản xuất hàng chục triệu chiếc ô tô. Hầu hết các hãng xe lớn trên thế giới như Audi, Tesla, Toyota,… đều đặt nhà máy lắp ráp, chế tạo tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng xe của các hãng nội địa Trung Quốc vẫn còn bị nghi ngờ. Trước đây, các mẫu xe Trung Quốc như Lifan, Chery, Brilliance,… đã từng gây sốt thị trường ô tô Việt Nam nhưng sau đó bị tẩy chay do nhanh hỏng.