'Ở trong nỗi nhớ vĩnh hằng của con'
'Mỗi mảnh vườn sẽ mở ra một nỗi nhớ' - tác giả Lam đã viết trong tản văn 'Khu vườn mở ra' của mình. Nhưng khi đọc tập tản văn và thơ 'Thưa ngoại con mới về' (NXB Dân Trí) hay 'Trốn lên mái nhà để khóc' (NXB Dân Trí) của Lam, sẽ nhận ra chỉ một mảnh vườn thôi, mảnh vườn của ngoại, cũng đủ để mở ra vô vàn nỗi nhớ. Những nỗi nhớ nhiều và sâu đến chín mềm trong Lam.
Có lẽ hiếm có tác giả nào như Lam, với chủ đề xuyên suốt trong đa số tác phẩm, dù tản văn hay thơ, là viết về ông bà ngoại: “Bà gánh cơn mưa bằng những lời ru/ ông gánh cơn mưa bằng bước chân lam lũ/ ông bà gánh mưa/ cho con say giấc ngủ/ cho những bữa cơm có đầy đủ cá, rau”. Chính trong những tháng ngày có “ông thắp đèn dầu trong đêm tối không trăng/ cơn mưa giăng lối ở ngoài rào tí tách/ tiếng ễnh vương kêu ồm ồm bên mái vách/ bà vùi củ khoai trong tro lửa đang tàn”, cháu đã hồn nhiên sống mà “chưa phải lớn lên”: “Một sáng khi con tỉnh giấc/ Mặt Trời chưa mọc đằng đông/ cửa nhà chắn hết mưa giông/ vỡ tan nằm im ngoài cửa”...
Những câu thơ của Lam, không cầu kỳ hoa mỹ, chỉ giản đơn là những cảm xúc chân thật nhất được viết ra, nhưng đã lay động nhiều độc giả trẻ. Chẳng thế mà từ một fanpage Xanh Lam lập ra khi còn là học sinh chỉ để giãi bày tâm tư của chính mình, giờ đây đã trở thành một trang thơ cá nhân thu hút hơn 370 nghìn người theo dõi. Mỗi bài viết của Lam thu hút lượng theo dõi và yêu thích rất lớn bởi sự đồng điệu của tình cảm. Không ít bạn đọc đã chia sẻ về cảm giác như được “chữa lành” hay không dừng được nước mắt vì xúc động khi đọc thơ của Lam, những câu thơ giản dị chạm vào trái tim.
Nhân vật trong các cuốn sách của Lam, xưng em hay xưng con, là chị em Suối và Mần Ri, hay là Hai Mươi và Mười Ba, thì vẫn luôn được sống trong suối nguồn yêu thương của ông bà ngoại để dẫu “có những đứa trẻ lớn lên từ nhà/ có những đứa trẻ từ thương tổn nơi đó đi ra”, dẫu có là ai, dẫu có thế nào thì luôn “vẫn có ngày mai”, luôn “vẫn xứng đáng được yêu”. Cô bé trong tác phẩm Lam đã từng buồn thật nhiều vì không có bố, đã tự ti thật nhiều vì luôn thấy mình xấu xí, nhưng tình thương của ông bà ngoại đã mang đến cả một bầu trời hạnh phúc: “Khi ta chơi ở cánh đồng/ ngoại ta đang gánh bão giông trên đời”... Để ngay cả khi ông bà ngoại đã về miền mây trắng rồi, thì đứa trẻ vẫn luôn thấy như ông bà vẫn ở cạnh bên “không phút giây nào ngừng dõi theo con”: “Đi đâu xa thế, con à/ Bà luôn ở cạnh con mà, biết không?", "Ở trong mảnh ruộng, vườn già sương giăng/ Ở trong tia sáng vầng trăng/ Ở trong nỗi nhớ vĩnh hằng của con”.
Khi còn bé thơ, thường đứa trẻ nào cũng chưa đủ từng trải để hiểu được về tình yêu thương, về sự chia ly của cái chết, chỉ khi lớn lên rồi, lúc ông bà đã như “quả mọng trong vườn tược/ khi chín rụng sẽ rơi”, đứa trẻ đã trưởng thành mới như tỉnh giấc mộng mà nuối tiếc: “Ước chi cơn gió mềm lòng/ Đưa tôi trở lại khoảng không có bà”...
Phải chăng điều ước ấy của Lam cũng nhiều người từng ước, nên cuốn sách “Thưa ngoại con mới về” đã “cháy hàng” ngay sau 2h mở bán và ngay lập tức được tái bản sau 2 tuần phát hành. Ngoài hai tập tản văn và thơ “Thưa ngoại con mới về” và “Trốn lên mái nhà để khóc” với đề tài chủ yếu về ông bà, Lam còn có tập thơ “Đi vòng thế giới vẫn quanh một người” (NXB Phụ nữ Việt Nam). Lam cũng từng hợp tác thực hiện hai cuốn sách “Mẹ từng là con nít” và “Hiên nhà chắn hết mưa giông”.
Tác giả Lam tên thật là Hồ Dương Mộng Tuyền, sinh năm 2002. Cô cho rằng, “người lớn tạo ra những câu chuyện cổ tích, nhưng trẻ con sẽ là người dạy cho họ tin vào những câu chuyện cổ tích”.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/o-trong-noi-nho-vinh-hang-cua-con-691147.html